Rộ thủ đoạn giả nhân viên đòi cắt điện: ‘Điểm mặt’ cách lừa đảo

25/02/2025 20:28 GMT+7

Hiện nay, nạn giả danh nhân viên điện lực gọi điện thoại lừa đảo người dân tiếp tục rộ lên ngày càng tinh vi và phức tạp. Điều này không chỉ làm hoang mang dư luận mà nếu không tỉnh táo, nạn nhân có thể bị mất tiền vì trò lừa đảo này.

Những ngày qua, nhiều người ở TP.HCM hoang mang khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại lạ, tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty điện lực (EVN), đồng thời thông báo sẽ cắt điện vì liên quan đến việc thanh toán tiền điện.

Thông thường, nội dung cuộc gọi sẽ hỏi về việc thanh toán tiền điện của tháng vừa rồi, nếu người nào chưa đóng lập tức bị dọa cắt điện ngay trong 20 giờ cùng ngày. Hoặc khi nói đã đóng tiền điện, đối tượng gọi điện thoại sẽ yêu cầu xác minh qua nhiều bước. Nếu ai không xác minh cũng sẽ dọa cắt điện.

Chưa kể, đối tượng mạo danh nhân viên EVN sẽ yêu cầu người dân xác minh khi đã đóng tiền điện bằng cách đăng nhập vào Facebook bằng ký tự "dienlucvietnamevn1905". Từ đó sẽ hiện ra một Fanpage có tên: "Điện Lực Việt Nam" và yêu cầu người dùng chụp hóa đơn thanh toán tiền điện để làm các bước kiểm tra…

Rộ chiêu giả nhân viên điện lực đòi cắt điện: ‘Điểm mặt’ cách lừa đảo - Ảnh 1.

Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng giả nhân viên điện lực gọi điện dọa cắt điện với người dân

Ảnh: Phạm Hùng

Cũng theo thống kê của Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), năm 2024 đã ghi nhận nhiều khách hàng phản ánh có các số điện thoại gọi yêu cầu khách hàng tải ứng dụng, kết bạn zalo, nhận link để được hoàn/giảm 20% tiền điện. Khách hàng nghi ngờ lừa đảo do khách hàng đã được nhận thông tin tiền điện qua ứng dụng EVNHCMC nên chưa làm theo và hiện không có trường hợp bị mất tiền cho các đối tượng lừa đảo này.

Lãnh đạo EVN TP.HCM cũng bị gọi điện lừa đảo

Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, hiện nay có không ít các cuộc gọi cho khách hàng ở TP.HCM nhưng thông báo nợ tiền điện ở các tỉnh thành khác. Có trường hợp còn giả danh số điện thoại của tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện để trả lời khách hàng và thu cước điện thoại 8.000 đồng/phút.

Thậm chí có nhiều trường hợp gọi điện đến lãnh đạo các công ty điện lực để thông báo nợ tiền điện và yêu cầu phải đến 35 Tôn Đức Thắng (trụ sở EVNHCMC) để đóng tiền điện.

Ngoài ra, với các chiêu thức như trên, Công ty cổ phần PayTech (một đối tác của EVNHCMC với ứng dụng Epoint trên điện thoại giúp khách hàng theo dõi số điện, tiền điện hàng ngày) cũng bị nhân viên điện lực giả mạo gọi điện lừa đảo.

Rộ chiêu giả nhân viên điện lực đòi cắt điện: ‘Điểm mặt’ cách lừa đảo - Ảnh 2.

Nhiều người dân TP.HCM nhận được cuộc gọi lừa đảo có liên quan đến đóng tiền điện

Ảnh: Phạm Hữu

Trong chưa đầy ba tháng (từ ngày 31.10.2024 đến 22.1), đội chăm sóc khách hàng của PayTech cũng đã ghi nhận 546 cuộc gọi trực tiếp và liên hệ tới fanpage từ những khách hàng đã bị lừa hoặc bị kẻ gian giả mạo nhân viên điện lực để lừa thanh toán điện. Do đó, doanh nghiệp này cũng liên tục phát đi các khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông để người dân nâng cao cảnh giác.

Cách nhận diện lừa đảo khi bị dọa cắt điện

Theo ông Bùi Trung Kiên, thống kê cho thấy có ba cách thức mà các đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng. Đầu tiên, đối tượng thông báo khách hàng đang nợ tiền điện với số tiền lớn, yêu cầu thanh toán ngay lập tức để tránh bị cắt điện hoặc thông báo khách hàng ghi sai tên, sai số tài khoản.

Thứ hai, các đối tượng này thông tin hệ thống điện đang gặp sự cố, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các thao tác chuyển tiền để khắc phục. Thứ ba, kẻ mạo danh cũng thông báo, giới thiệu các chương trình khuyến mãi giả mạo, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link lạ hoặc tải ứng dụng để nhận ưu đãi.

Ông Kiên cho biết, với việc cắt điện hiện nay có quy định và phải thực hiện qua nhiều bước khác nhau. Theo đó, vào ngày cuối tháng, sau khi chốt chỉ số công tơ, EVNHCMC sẽ thực hiện gửi thông báo lần 1 trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 2 hàng tháng. Tiếp đến sẽ gửi thông báo lần 2 trong khoảng thời gian từ ngày 3 - 7 hàng tháng. Trường hợp sau 15 và qua 2 lần thông báo trên, khách hàng chưa thanh toán tiền điện, ngành điện có quyền ngừng cấp điện.

Ông Kiên nói tiếp, để người dân ở TP.HCM dễ phân biệt và cảnh giác với các cuộc gọi giả danh nhân viên EVNHCMC để lừa đảo hoặc khai thác thông tin cá nhân, EVNHCMC đã phối hợp với các nhà mạng đưa vào sử dụng hệ thống định danh cuộc gọi khi liên lạc với khách hàng.

Theo đó, khi nhân viên của EVNHCMC gọi đến, tên định danh hiển thị trên điện thoại di động của khách hàng sẽ là "EVNHCMC". Đối với các nhà mạng khác sẽ hiển thị số điện thoại 028.222.011.55.

Rộ chiêu giả nhân viên điện lực đòi cắt điện: ‘Điểm mặt’ cách lừa đảo - Ảnh 3.

Fanpage mạo danh Điện Lực Việt Nam trên nền tảng Facebook

Chụp màn hình

Khi liên hệ khách hàng qua điện thoại, nhân viên điện lực đều sử dụng cuộc gọi định danh, chủ động giới thiệu họ tên, mã nhân viên và đơn vị công tác (là các công ty điện lực quận/huyện thuộc EVNHCMC). Căn cứ thông tin khách hàng sẵn có, nhân viên điện lực sẽ hỏi khách hàng về địa chỉ sử dụng điện để xác nhận đúng đối tượng cần liên hệ. Trường hợp không đúng đối tượng liên hệ thì sẽ không tiếp tục cuộc gọi.

Để không bị rủi ro đối với các cuộc gọi mạo danh ngành điện, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng thanh toán tiền điện qua các kênh thanh toán điện tử tin cậy, an toàn như: ứng dụng EVNHCMC, ứng dụng Epoint, ví điện tử (Payoo, Airpay, ZaloPay, MoMo, ViettelPay, VNpay, VNPTPay, ViMo,…), Internet/SMS/Mobile Banking, website/ứng dụng của các ngân hàng (đặc biệt qua hình thức trích nợ tự động của ngân hàng).

Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán tiền điện trực tiếp tại các điểm giao dịch ngân hàng, các điểm thu cửa hàng tiện lợi 24/7 (B'mart, Circle K, Family mart…), siêu thị điện máy (Thế giới di động, Điện máy Chợ lớn, FPT…), siêu thị Coopmart…

Trong trường hợp gặp các cuộc gọi nghi ngờ giả danh điện lực, ông Kiên khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân. Đặc biệt, trong mọi trường hợp, khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu ngân hàng.

Khách hàng tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ, không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, cần thông báo ngay cho EVNHCMC qua Tổng đài 1900.545454 hoặc cơ quan công an các địa phương để được giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.