Tờ The Washington Post ngày 24.4 trích dẫn một tài liệu mật từ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ cho hay Thiếu tướng Kyrylo Budanov, lãnh đạo các hoạt động tình báo quân sự của Ukraine, được gọi là HUR, đã chỉ đạo cho một sĩ quan "sẵn sàng cho các cuộc tấn công hàng loạt vào ngày 24.2… với mọi thứ HUR có".
Khi đó, ở Washington D.C, các quan chức luôn bí mật theo dõi những kế hoạch của phía Ukraine. Nhà Trắng từ lâu đã lo lắng rằng các cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào bên trong nước Nga có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Điện Kremlin.
Tài liệu rò rỉ nói Mỹ ngăn Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga
Vào ngày 22.2, hai ngày trước khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tròn một năm, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã công bố một báo cáo mật: HUR "đã đồng ý, theo yêu cầu của Washington, hoãn các cuộc tấn công" nhắm vào Moscow. Các tài liệu không giải thích chính xác ai đã can thiệp và tại sao phía Ukraine đồng ý từ bỏ kế hoạch đó.
Sự can thiệp của Mỹ chỉ thành công một phần?
Sự can thiệp của Washington dường như chỉ thành công một phần, theo The Washington Post. "Không có dấu hiệu nào" cho thấy cơ quan an ninh Ukraine, SBU, "đồng ý hoãn các kế hoạch tấn công Moscow của họ vào cùng ngày", theo báo cáo của CIA. SBU, chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia và báo cáo trực tiếp với tổng thống Ukraine, cũng tiến hành các chiến dịch đặc biệt, theo The Washington Post.
Vào ngày 13.2, ngày mà tài liệu của NSA cho biết ông Budanov đã chỉ đạo cho một trong các sĩ quan của mình sẵn sàng cho một chiến dịch có lẽ nhắm vào thành phố Novorossiysk của Nga, Washington đã khuyến cáo các công dân Mỹ ở Nga rời khỏi đất nước này ngay lập tức.
Không rõ có phải khuyến cáo được đưa ra vì một cuộc phản công lớn sắp tới của Ukraine hay không, nhưng khuyến cáo dường như phản ánh mức độ lo ngại ở Washington về các cuộc tấn công xung quanh dịp đánh dấu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tròn một năm (24.2.2022-24.2.2023), theo The Washington Post.
Trong khi đó, giới chức Ukraine đã bác bỏ các báo cáo rằng họ lên kế hoạch tấn công Nga vào dịp nói trên. "Tại sao chúng tôi cần phải làm điều này? Hành động một lần như thế sẽ giải quyết được nhiệm vụ gì? Việc đó có thay đổi được cục diện cuộc chiến không?", ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, viết trên Twitter ngày 24.4, theo báo Business Insider.
Ukraine từng tính bắt tay lực lượng Kurd tấn công quân Nga ở Syria?
Ông Podolyak còn viết rằng những báo cáo như thế "định hình dư luận ở các thủ đô phương Tây như thể Ukraine là một quốc gia vô lý, trẻ con và bốc đồng nên nguy hiểm đối với người lớn khi tin tưởng giao vũ khí quan trọng".
Ông Podolyak nhấn mạnh Ukraine cần tên lửa tầm xa để tiêu diệt lực lượng hậu cần của Nga trong các vùng lãnh thổ bị lực lượng Nga kiểm soát và các loại máy bay khác nhau để bảo vệ bầu trời và phá hủy các công sự của Nga.
Ukraine vẫn tiến hành cuộc tấn công xa tiền tuyến?
Khi Ukraine cố gắng chống lại chiến dịch quân sự của Nga, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine vũ khí chống tăng, lựu pháo, hệ thống phòng không, xe chiến đấu bộ binh và hứa gửi cả xe tăng, nhưng Washington đã do dự trong việc cung cấp các khí tài cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Business Insider chỉ ra dù Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) sử dụng rốc két có tầm bắn 80 km, nhưng đã trì hoãn việc gửi tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn tới 300 km.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã từng bày tỏ quan ngại rằng việc cung cấp ATACMS cho Ukraine có thể làm leo thang cuộc xung đột Nga-Ukraine và có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới, theo Đài RT.
Ukraine có vũ khí nhưng chưa dùng được?
Tuy nhiên, việc thiếu vũ khí tầm xa đáng chú ý do Mỹ cung cấp đã không ngăn được lực lượng vũ trang Ukraine tiến hành các cuộc tấn công xa tiền tuyến của cuộc xung đột đang diễn ra.
Trong tháng 8.2022, Ukraine bị nghi đã tấn công một căn cứ quân sự của Nga ở bán đảo Crimea bằng tên lửa, và vào tháng 12, hai căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga đã bị tấn công, được cho là do máy bay không người lái của Ukraine tiến hành.
Ukraine cũng bị nghi ngờ đứng sau một số vụ tấn công bằng máy bay không người lái từ biển nhằm vào các cơ sở của Nga. Ukraine không phải lúc nào cũng thừa nhận những cuộc tấn công đó, nhưng các quan chức đã nói bóng gió về sự tham gia của Kyiv, theo Business Insider.
Bình luận (0)