'Robinson' trên đảo Đông Bắc: Hạ Mai ở ngoài cửa biển

22/09/2022 06:54 GMT+7

Hành trình ra với đảo Hạ Mai (xã Ngọc Vừng, H.Vân Đồn, Quảng Ninh ) của chúng tôi dài đến 7 ngày bởi sóng to gió lớn, bị mắc kẹt ở đảo giữa Ngọc Vừng và đến lần đi thứ 2, xuồng mới cập được vào đảo Hạ Mai.

Cách biệt sóng lừng

Hạ Mai là đảo ngoài cùng thuộc hệ thống đảo khu vực Bái Tử Long, thuộc xã đảo Ngọc Vừng, H.Vân Đồn, Quảng Ninh. Từ cảng Vũng Đục (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh), chúng tôi lên chuyến tàu gỗ chạy tuyến Vũng Đục - Ngọc Vừng (khoảng cách gần nhất so với 2 tuyến Hạ Long và Cái Rồng). Sau hơn 2 tiếng đồng hồ lạch tạch trên biển, tàu cập bến Ngọc Vừng.

Xuồng của Đồn biên phòng Ngọc Vừng tiếp tế nhu yếu phẩm cho Trạm kiểm soát biên phòng Hạ Mai

Từ đảo Ngọc Vừng ra đến đảo Hạ Mai khoảng 20 km đường chim bay, chỉ có cách đi tàu xuồng công vụ do đây là đảo quân sự, không có dân cư sinh sống. Lần xuất phát đầu tiên, chiếc ca nô cao tốc của Đồn biên phòng Ngọc Vừng, do thượng tá - quân nhân chuyên nghiệp Doãn Văn Vận điều khiển, chở chúng tôi đi qua đảo Phượng Hoàng và Nứt Đất.

Sau 30 phút vật vã vượt sóng ra đến cửa biển Nứt Đất - Hạ Mai thì sóng lừng (kiểu sóng biển bất ngờ dựng lên một bức tường nước khổng lồ, đổ sụp xuống và tan biến) dâng cao, chiếc xuồng bay lên hụp xuống, khiến anh Vận phải ngay lập tức vòng trở lại điểm xuất phát. Sau 6 ngày ăn chực nằm chờ trên đảo Ngọc Vừng, gió nam giảm dần, chiếc ca nô lại xuất phát ra đảo và sau gần 1 tiếng đồng hồ ngược sóng, cũng đâm được vào bãi cát trước Trạm kiểm soát biên phòng Hạ Mai.

Thiếu tá Vũ Đức Hoàn, Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Hạ Mai, đón sẵn trên bãi, lắc đầu: “Lâu lắm mới có người ra thăm. Đảo nằm ngoài cùng Bái Tử Long, cứ gió nam là sóng to, có vượt được sóng vào đảo thì cũng không có chỗ neo buộc xuồng do không có cầu cảng, sóng cuốn ra biển ngay”.

Ký ức chợ cá trên biển

Cuối tháng 11.1988, Ban Bí thư T.Ư Đảng ra Thông báo số 118/TB về việc qua lại của nhân dân hai bên biên giới Việt - Trung. Đầu năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Đỗ Mười ký ban hành các chỉ thị số 32, 33, 84 về việc quản lý việc trao đổi hàng hóa qua biên giới. Đây là cơ sở cho các tỉnh biên giới phía bắc bắt đầu mở cửa giao thương hàng hóa với các địa phương của Trung Quốc.

Thiếu tá Vũ Đức Hoàn (Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Hạ Mai) chỉ huy bộ đội tăng cường quan sát, bám bắt mục tiêu trên biển

Ở Quảng Ninh, ngay từ đầu năm 1989, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập 4 chợ cá trên vùng biển Mũi Ngọc (Móng Cái), Cửa Tiếu, Thanh Lân (Cô Tô), Hạ Mai (Vân Đồn), cho phép tàu Trung Quốc vào thu mua thủy hải sản để giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm.

Ông Ngô Trinh Am, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản (nay là Chi cục Thủy sản tỉnh) giai đoạn 1996 - 2001, cho biết: “Khi mới thành lập, trung bình mỗi ngày có 400 tàu thuyền hoạt động ở các chợ cá, gây phức tạp về quản lý và thu thuế. Để ổn định, tỉnh quyết định thành lập các trạm kiểm soát chợ cá trên biển với sự tham gia của bộ đội biên phòng, công an, thuế vụ địa phương”.

Ngày 17.7.1990, UBND H.Vân Đồn ra quyết định thành lập chợ cá Hạ Mai và chính thức lập trạm kiểm soát liên ngành Hạ Mai (bao gồm bộ đội biên phòng đồn Ngọc Vừng, lực lượng công an, thuế vụ của H.Vân Đồn, do 1 phó chủ tịch huyện phụ trách), đặt tại bãi ngang, phía đông bắc đảo Hạ Mai, cách xã đảo Ngọc Vừng khoảng 20 km theo đường chim bay.

Trung tá Lê Văn Tuấn (nguyên Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Hạ Mai thời điểm 1995 - 1996) là người gắn bó với Hạ Mai từ khi mới thành lập, kể: “Những năm 1989 - 1992, nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ các tàu thu mua hải sản của Trung Quốc vào chợ cá. Khi việc buôn bán sôi động, rất nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bình Định và các địa bàn lân cận tìm đến Hạ Mai buôn bán, khiến công tác quản lý, bảo vệ rất vất vả”.

Thượng tá Trần Mạnh Hùng (nguyên Trưởng ban Xe máy - tàu thuyền, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ninh, hiện đang nghỉ hưu tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh) nhớ lại: Năm 2002, ông đeo hàm thượng úy, được chỉ huy Đồn biên phòng Ngọc Vừng cử ra làm Trạm trưởng trạm kiểm soát biên phòng Hạ Mai. Thời điểm này, chợ cá Hạ Mai không còn sôi động như trước, chỉ có khoảng 9 tàu Trung Quốc thường xuyên neo đậu trong khu vực quy định khoảng 1 km2 để thu mua cá. Đến năm 2005, chợ này tự giải tán do người dân không bán và các tàu Trung Quốc cũng không đăng ký vào mua thủy hải sản. Cũng từ đầu năm 2005, lực lượng liên ngành công an - thuế vụ rút khỏi đảo Hạ Mai, chỉ còn bộ đội biên phòng đồn Ngọc Vừng bám trụ trên đảo; và mãi cuối năm 2005, trên đảo Hạ Mai mới có thêm các công nhân hải đăng ra làm hàng xóm, vận hành trạm đèn biển Hạ Mai vừa hoàn thành xây dựng.

“Hồi ấy cuộc sống rất vất vả, đi lại phải nhờ tàu thuyền của dân. Điện thắp sáng không có. Thông tin liên lạc phải thực hiện qua mạng thông tin quân sự. Có khi mấy tháng mới vào bờ”, thượng tá Hùng kể.

Bộ đội Trạm kiểm soát biên phòng Hạ Mai quán triệt nhiệm vụ trước khi tuần tra kiểm soát

MAI THANH HẢI

Thiếu đất và thiếu nước

Khác với đảo đá Long Châu, ở Hạ Mai chỉ có cát và cát. Để có đất trồng rau, bộ đội phải chặt cây bụi, tuốt lá ủ thành mùn. Nguồn nước ngọt không có, phải đào sâu xuống cát, vài tiếng sau mới có chút nước rỉ rả chảy. Thế nên phía sau Trạm kiểm soát biên phòng Hạ Mai, có 2 téc nước to đùng, chằng buộc rất cẩn thận. Mùa mưa, ứng trữ đầy mới tạm yên tâm. Mùa khô, mỗi người được cấp 2 xô nước/ngày và tắm, cũng 2 - 3 ngày/lần.

Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Hạ Mai bây giờ là thiếu tá Vũ Đức Hoàn (35 tuổi, quê TP.Ninh Bình, Ninh Bình). Năm 2010, anh Hoàn tốt nghiệp Đại học Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân 1), chuyển loại sang bộ đội biên phòng và vào Tây Ninh nhận công tác. Sau 10 năm lăn lộn hết biên giới Tây Nam cho đến vùng biển đảo Quảng Ninh, cuối năm 2020, anh nhận quyết định ra Ngọc Vừng làm Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Hạ Mai.

Năm 1994 xuất hiện hình thức liên doanh với Trung Quốc để khai thác hải sản trên vùng biển của ta, bắt đầu từ TP.Hải Phòng và sau đó lan rộng ra các tỉnh. Trên vùng biển Quảng Ninh, có thời điểm số tàu này đi thành từng đoàn lên đến 40 chiếc, đánh bắt quy mô lớn khiến bà con ngư dân ta mất nguồn khai thác, gây mất ổn định an ninh trên biển. Năm 1997, Chính phủ ra Chỉ thị số 130/CT-TTg cấm mọi hình thức liên doanh khai thác hải sản và yêu cầu bộ đội biên phòng xử lý nghiêm vi phạm. Ngay sau đó, Đồn biên phòng Ngọc Vừng đã bắt nhiều tàu liên doanh, giao cấp trên xử lý.

Nguồn: Bộ đội biên phòng Quảng Ninh

Tuổi trẻ năng động, ngay khi ra đảo, anh Hoàn liên hệ khắp nơi, vận động một số tổ chức, cá nhân giúp đỡ vật chất, cải thiện rõ rệt đời sống bộ đội. Đáng kể nhất là Câu lạc bộ thuyền NiBC tặng từ chiếc xuồng bơm hơi, hệ thống năng lượng mặt trời, tủ giữ lạnh… cho đến các vật dụng sinh hoạt, trang thiết bị đời sống khác.

Anh Hoàn kể: “Thời gian này, phía Trung Quốc thực hiện chính sách phòng dịch, quản lý tàu thuyền nghiêm ngặt, nên cũng đỡ phải xua đuổi phương tiện của họ vi phạm chủ quyền, lấn sang vùng biển ta khai thác hải sản”, rồi nói thêm: “Nhưng vẫn cứ phải nắm chắc tình hình, thực hiện nghiêm công tác nghiệp vụ và thường trực quân số, sẵn sàng tăng cường cho lực lượng bảo vệ chủ quyền. Tuyến đầu, không thể mất cảnh giác”.

Chúng tôi ra đảo tiền tiêu Hạ Mai, thấy cái gì cũng thiếu. Từ bóng dáng người dân, nguồn nước, ánh sáng điện, sóng điện thoại, cho đến phương tiện đi lại… Nhưng tinh thần và sự lạc quan của gần chục con người, cả bộ đội biên phòng và công nhân hải đăng, thì luôn đủ đầy, mãnh liệt. Đảo nhỏ, căn nhà nhỏ giữa lầm lụi cát, nhưng cứ xanh mướt màu xanh cây trái, hoa cỏ trồng trước sân, bên hiên nhà.

“Gieo trồng, xây dựng mỗi ngày để khang trang, sạch đẹp, sau này mình có chuyển công tác, anh em mới đến cũng yên tâm chỗ ăn ở và không trách móc những người đi trước”, Trạm trưởng Vũ Đức Hoàn nói đơn giản vậy, ánh mắt sáng bừng trên đảo tiền tiêu.

(còn tiếp)

'Robinson' trên đảo Đông Bắc

Đài quan sát 3 người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.