Dự án của hai sinh viên, được giám sát bởi giáo sư V.N Prudhvi Raj, cung cấp một ví dụ có giá trị về cách robot có thể được dùng để thu thập dữ liệu video trong thời gian thực, và giám sát những nơi mà con người không thể tiếp cận trong một thời điểm nhất định hoặc vĩnh viễn như thể họ thật sự có mặt tại đó.
“Đây là dự án tốt nghiệp của chúng tôi. Nó được lấy cảm hứng từ một bài báo về robot có khả năng hiện diện tức thời từ xa (telepresence) mà chúng tôi đọc được trên tạp chí Electronics For You”, Mani Babu Gorantla và Grandhi Sathya Venkata Krishna, hai sinh viên nghiên cứu tốt nghiệp chuyên ngành điện tử và thiết bị đo đạc từ trường của trường VR Siddartha Engineering College, nói với TechXplore.
Để đạt được mục tiêu giúp người dùng nhìn thấy những việc đang diễn ra từ xa, nhóm nghiên cứu đã tạo ra robot có camera tích hợp và khả năng kết nối Wi-Fi, điều này giúp nó có thể quay video và cho phép người dùng xem những gì đang diễn ra ngay lập tức trên điện thoại thông minh, trên trình duyệt internet hoặc qua kính thực tế ảo.
“Bất cứ thứ gì được camera của robot ghi nhận lại đều có thể được truyền trực tiếp đến điện thoại thông minh hoặc qua kính thực tế ảo. Người dùng sẽ cảm thấy như thể họ thực sự đang hiện diện tại môi trường đó, khi camera trên bo mạch của robot di chuyển theo chuyển động đầu của người dùng”, Mani Babu và Krishna giải thích.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu dùng vi điều khiển Arduino và Raspberry Pi, một máy tính mini không có màn hình, để điều khiển chuyển động của robot và phát trực tuyến video do camera của robot quay được. Ngoài ra, họ còn sử dụng gia tốc kế và con quay hồi chuyển, những thành phần quan trọng của hầu hết thiết bị hiện có, để đảm bảo robot khớp với chuyển động đầu của người dùng. Tuy nhiên, sau đó nhóm nghiên cứu đã thay thế Arduino và Raspberry Pi bằng một thiết bị phức tạp hơn gọi là MyRIO. Đây là thiết bị di động có thể hoạt động như bộ xử lý dữ liệu và bộ điều khiển, nhờ vậy nó có thể đồng thời kết hợp khả năng của cả Arduino và Raspberry Pi. “Chúng tôi quyết định thử dùng MyRIO để điều khiển robot vì nó có khả năng xử lý cao hơn, dù giá thành đắt hơn”, Mani Babu và Krishna nói.
Mặc dù hiện tại nhóm nghiên cứu không có kế hoạch thương mại hóa robot họ tạo ra, nhưng những gì họ đã làm có thể đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho các nhóm nghiên cứu khác, để hướng đến mục đích cuối cùng là phát triển robot điều hướng ảo. Trong tương lai, loại robot này có thể được sử dụng để giám sát từ xa những nơi vắng vẻ hoặc nguy hiểm và hàng loạt ứng dụng hữu ích khác.
Bình luận (0)