Không đũa chỉ huy, không áo đuôi tôm lịch lãm, trang trọng, không trải qua quá trình đào tạo khắt khe ở nhạc viện, ấy thế mà một robot vẫn đứng trên bục, tay thực hiện những động tác chỉ huy điêu luyện để dẫn dắt cả một dàn nhạc giao hưởng biểu diễn. Điều này khiến những khán giả có mặt trong buổi biểu diễn vở opera Scary Beauty của Keiichiro Shibuya được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Sharjah (UEA) không khỏi trầm trồ, kinh ngạc.
|
Con người và robot cùng hoạt động nghệ thuật
Robot tạo ra điều kỳ diệu ấy là Android Alter 3, một trí tuệ nhân tạo (AI) sở hữu khuôn mặt hình người, bộ não được lập trình tinh vi và đôi tay cử động linh hoạt, thuần thục không kém con người là bao. Được biết nhà soạn nhạc Nhật Bản - Keiichiro Shibuya là người phụ trách viết nhạc nhưng chính robot kể trên lại chịu trách nhiệm kiểm soát nhịp độ, âm lượng của cả chương trình trực tiếp và đôi khi quá “hưng phấn”, nó thậm chí còn hát. “Tiền đề của bản thân Android Alter 3 đang hoạt động theo ý muốn của riêng nó”, một kỹ thuật viên của hãng Kotobuki Hikaru cho biết.
Keiichiro Shibuya chia sẻ rằng vai trò của robot trong đời sống con người ngày một tăng lên song chính chúng ta mới là người quyết định cách trí tuệ nhân tạo tăng trải nghiệm của con người cũng như quyết định cách mà con người và máy móc tạo ra nghệ thuật cùng nhau . “Đây là một minh chứng về mối liên hệ giữa con người và công nghệ. Thi thoảng, trí tuệ nhân tạo sẽ trở nên điên rồ và dàn nhạc toàn con người sẽ phải tuân theo sự điều khiển của chúng. Nhưng đôi khi con người và robot có thể hợp tác thoải mái với nhau”, nhà soạn nhạc này nói thêm.
Keiichiro Shibuya tiếp tục: “Những robot và trí tuệ nhân tạo hiện vẫn chưa hoàn thiện. Niềm hứng thú của tôi lúc này là tập trung vào vấn đề: chuyện gì sẽ xảy ra khi thứ công nghệ chưa hoàn thiện này được sử dụng trong nghệ thuật?”.
|
Dẫu khiến nhiều người kinh ngạc, song chuyện robot chỉ huy dàn nhạc giao hưởng vẫn vấp phải những phản ứng trái chiều. Nhiều người đến biểu diễn vì tò mò với những gì mà robot sẽ làm trong đêm nhạc, đồng thời cho rằng đây là một sự lựa chọn thú vị cho những ai muốn thưởng thức âm nhạc cổ điển bằng trí tuệ hiện đại của robot. “Tôi nghĩ đây là một ý tưởng thú vị, chúng tôi đã đến thưởng thức buổi diễn và chủ yếu để xem chúng điều khiển đêm nhạc như thế nào”, một khán giả tên Anna Kovacevic cho biết. Trong khi đó, không ít khán giả vẫn ủng hộ việc một nhạc trưởng đứng trên bục chỉ huy hơn là robot bởi con người sở hữu những thứ cảm xúc, tư duy và cá tính mà không phải máy móc cũng có thể bắt chước được.
Bình luận (0)