Điều này giúp các nhân viên xét nghiệm và điều dưỡng rảnh tay để có nhiều thời gian chăm sóc cho bệnh nhân hơn, trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang ngày càng lão hóa.
Từ năm 2010, hãng Panasonic đã chế tạo 2 mẫu robot dạng này để thử nghiệm trong Bệnh viện Matsushita Memorial, chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Đến nay HOSPI-R là phiên bản mới làm việc cả ngày và chuyên nghiệp hơn. Chi phí sản xuất so với dòng robot tiền nhiệm đã giảm được một nửa, chi phí bảo hành, bảo trì cũng giảm 20%.
Nhờ trang bị các cảm biến nên HOSPI-R có khả năng tự điều hướng. Sơ đồ bệnh viện đã được lập trình và ghi vào bộ nhớ của HOSPI-R nên chúng dễ dàng theo lệnh để dến từng buồng bệnh. Nó cũng có khả năng đi thang máy tự động, nếu gặp trở ngại như bệnh nhân ngồi xe lăn hoặc đang được vận chuyển bằng giường trên thang máy thì robot này sẽ chuyển qua thang khác.
Một điểm khá hay của HOSPI-R là tính năng bảo mật để tránh trường hợp trộm cắp thuốc hoặc làm hỏng thuốc, nhờ một cửa an toàn được khóa trong người robot và chỉ có thể mở ra bằng thẻ ID. Các dạng chất lỏng như mẫu xét nghiệm máu, nước tiểu sẽ đặt ở một khoang khác trên thân robot. Nhờ kỹ năng tăng tốc hoặc giảm tốc mà HOSPI-R có thể di chuyển suôn sẻ khi thi hành nhiệm vụ. Theo tạp chí Gizmag thì robot này có thể mang đến 20 kg và di chuyển với tốc độ tối đa 1 m/giây. Khi sạc đầy pin HOSPI-R có thể làm việc liên tục 7 giờ, vì vậy một nhóm robot sẽ thay phiên nhau để làm việc không gián đoạn trong 24 giờ.
Hãng Panasonic chưa tiết lộ giá bán cụ thể mà theo họ giá cả sẽ tùy theo nhu cầu của từng cơ sở đặt hàng.
Song Mai
Bình luận (0)