Đó thực sự là một tin không vui đối với người lao động, nhưng lại là tin tốt cho Apple. Không chỉ giúp công ty yên tâm hơn về vấn đề điều kiện lao động cho công nhân lắp ráp iPhone mà còn là giải pháp cho việc sản xuất ở nước ngoài của Apple.
“Made in the USA” từ lâu đã biến mất khỏi các sản phẩm công nghệ cao để thay thế vào đó là những sản phẩm được làm từ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á. Chi phí đắt đỏ dành cho các chuyên gia có tay nghề cao, trong khi thị trường lao động tại Trung Quốc và Đông Nam Á thấp hơn nhiều chính là lý do giải thích cho vấn đề này.
Trong quãng thời gian qua, rất nhiều lãnh đạo Mỹ đã có cuộc đàm phán với các công ty công nghệ nhằm đưa hoạt động sản xuất về lại Mỹ với rất nhiều lý do, trong đó lý do rõ ràng nhất chính là giải quyết công ăn việc làm cho lao động Mỹ. Không chỉ có vậy, các nhà máy tại Mỹ sẽ đảm bảo tiêu chuẩn sạch sẽ, ánh sáng và điều kiện ăn ở tốt hơn.
Rõ ràng kế hoạch là vậy, nhưng sự khác biệt về tiền lương lao động khiến các nhà máy của Mỹ vẫn phải vật lộn để tìm kiếm chỗ sản xuất ở nơi có chi phí lao động rẻ hơn. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi khi có sự tham gia của robot.
Một báo cáo từ The Guardian cho biết, hãng sản xuất giày thể thao nổi tiếng Adidas thay vì sử dụng các lao động giá rẻ đã bắt đầu đưa dây chuyền sản xuất trở lại Đức, một quốc gia với mức lương dành cho lao động cao nhất thế giới. Adidas có thể thực hiện điều này nhờ robot. Những chú robot sẽ tự động hóa một lượng lớn quá trình sản xuất, về cơ bản giúp đưa nhà máy sản xuất đến bất cứ nơi nào trên thế giới.
Apple từ lâu đã có tham vọng đưa dây chuyền sản xuất của mình về Mỹ, mà gần đây nhất là dây chuyền lắp ráp Mac Pro. Không chỉ giúp nâng cao sức hút đối với khách hàng, điều này cũng giúp công ty dễ dàng hơn trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng. Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra với iPhone và iPad, bởi một báo cáo mới đây nói rằng nhà máy Foxconn tại tỉnh Côn Sơn (Trung Quốc) đã thay thế 60.000 nhân sự bằng robot.
Bình luận (0)