(TNO) Đứng trên đồi cao nhìn bao quát thì Rocinha nằm giữa triền đồi xanh ngát, núi non vây quanh, sương khói bao phủ rất hữu tình. Nhưng chui vào các con hẻm sâu vô tận và tối tăm triền miên ấy thì thế nào?
Tôi rời nhà trọ của bà Maracuza vào giữa buổi sáng hôm qua để bắt đầu hành trình khám phá khu ổ chuột. Bà chủ nhà tốt bụng dặn dò: “Cẩn thận nhé cưng. Đừng đi vào những nơi vắng vẻ”. Tôi nói cảm ơn rồi tụt xuống con dốc gần như dựng đứng để đến Estrada da Gavea, con đường duy nhất ở khu ổ chuột.
|
Thành phố trong một thành phố
|
Trên vỉa hè gần đỉnh dốc Estrada da Gavea, tôi bắt gặp một người đàn ông lớn tuổi cùng chú chó rất đẹp khoác áo tuyển Brazil. Tôi xin ông được chụp ảnh chú chó khoác áo vàng xanh. Ông bảo không được, muốn chụp hình thì phải mua đĩa.
Ông nói tiếng Anh rất hay. Tên ông là Eduardo, và theo lời ông thì đĩa này do ông tự hát, tự thu âm, tự vẽ bìa. Eduardo vừa giới thiệu vừa bật máy phát một bản nhạc và cất tiếng hát theo để chứng minh rằng mình với ca sĩ trong đĩa kia là một. Tôi nghe thì đúng là một thật, nói chung nhạc du dương dặt dìu rất hay mà giọng ca khàn đục nghe cũng đôi phần thú vị.
Tôi hỏi giá bao nhiêu, ông bảo: “30 real”. Tôi nhẩm tính, quy ra tiền Việt khoảng 280.000 đồng, liền bảo không được. Sau một hồi mặc cả, giá cuối cùng chốt lại là 15 real. Đổi lại tôi được chụp hình chú chó ngộ nghĩnh và trò chuyện với ông thoải mái, nghe ông giới thiệu về Rocinha.
Rocinha hình thành từ bao giờ thì ít người biết, nhưng có lẽ là cách đây khoảng 90 năm. Ban đầu những người dân nghèo, dân vô gia cư tới cắm lều để ở tạm, dần dà nó trở thành một khu đông đúc, chật cứng người. Hiện nay, favela (khu nhà ổ chuột) này nằm gói gọn trong một diện tích 0,86 km2 nhưng có đến 200.000 dân, là favela lớn nhất trong số 800 khu ổ chuột ở Rio de Janeiro. Một số thống kê khẳng định đây là khu ổ chuột lớn nhất châu Mỹ La tinh.
Với quy mô lớn như vậy, Rocinha cũng tự phát triển những dịch vụ cho nhu cầu của mình. “Chúng tôi có 4 ngân hàng, 1 nhà máy điện, 1 nhà máy nước. Chúng tôi còn có 1 đài phát thanh, có truyền hình cáp. Chúng tôi có 3 tuyến xe buýt và nhiều xe khách cỡ nhỏ. Chúng tôi không có McDonald’s nhưng có Burger King”, Eduardo nói, và kết luận: “Rocinha là một thành phố trong lòng một thành phố”.
Nằm lọt giữa hai khu đô thị phồn thịnh là Sao Conrado and Gavea nhưng Rocinha là một trong những nơi nghèo khổ nhất thành phố. Hồi năm 2008, người ta đã thực hiện một cuộc thống kê đối với 510 trong số 800 khu ổ chuột tại Rio, và Rocinha xếp thứ 316/510 về chỉ số phát triển con người.
Bên trong hẻm tối
|
“Vác máy hình lỉnh kỉnh đi ngoài đường không phải là một ý tưởng hay”, thấy tôi nhấp nhổm chuẩn bị chia tay, ông Eduardo nói: “Cậu đừng có vào sâu trong hẻm mà chụp hình linh tinh nhé. Năm trước có cậu người Đức bị bắn khi đang chụp hình ở trong hẻm”.
Eduardo kể, du khách kia cùng một người bạn đi loanh quanh Rocinha chụp hình này nọ, chẳng may chụp trúng một đại ca giang hồ đang trốn cảnh sát. Thế là bị dính một viên chì vào bụng, một viên khác vào tay. “Anh đừng chụp hình người khác mà không xin phép, đặc biệt là không chụp hình cảnh sát để tránh rắc rối”, Eduardo dặn thêm.
Nhưng nếu đến Rocinha mà chỉ loanh quanh ngoài con lộ chính thì có khác gì ngắm mỹ nữ trong tranh hay trên sân khấu. Chia tay Eduardo, tôi chui vào một con hẻm tối. Lối đi chỉ vừa vặn cho một người, sau khoảng mươi thước có một khoảng rộng ra để người ta tránh nhau. Cũng có những con hẻm rộng chừng một mét và có ánh sáng mặt trời, nhưng phần lớn là tối tăm, ẩm thấp và vì thế mát lạnh, rất khai mùi nước tiểu và hôi hổi những ẩm mốc, chất hữu cơ phân hủy. Rêu mọc nhiều nơi và nước dưới chân luôn nhớp nháp.
Tôi trèo lên, tuột xuống trong những con hẻm tối tăm ấy suốt một buổi chiều. Ngắm từng căn nhà chỉ bé bằng phòng ngủ của tôi, từng cửa hiệu chỉ bằng một buồng ATM. Ở trong này toàn nhà ổ chuột, tất nhiên rồi, và có nhiều kiểu kiến trúc thật hay.
Do nằm trên sườn núi nên có nhiều nhà xây men theo vách đá, dựng đứng lên và cao tới cả chục tầng. Nhà dưới xây một tầng, nhà kế trên xây tầng kế tiếp, cứ như vậy cao ốc kiểu ổ chuột hoàn thành, với tầng trệt đến gác trên đều có lối đi trực tiếp thông ra hẻm, vốn lúc này dốc đứng như một cái thang.
Có những nơi, hẻm còn đóng vai trò là con đường tắt cho người đi bộ để bỏ qua các điểm uốn cong của đường Estrada da Gavea. Cứ chui vào hẻm, tụt xuống cỡ vài chục phút là ánh sáng ùa vào, trước mặt lại gặp đường chính.
Loanh quanh giữa ma trận những con hẻm nhỏ xíu, sâu hun hút và tối tăm, tôi cố nhớ lại lối đi để khỏi lạc đường, thi thoảng nép mình vào nhường lối cho một cư dân Rocinha đang gấp gáp chạy, chốc chốc lại giật mình trước một cái đầu ló ra từ cửa sổ chỉ cách mặt mình nửa gang tay.
Giữa chốn âm u này, tôi vừa đi vừa nhớ những chuyện kể về tai ương đã xảy ra ở Rocinha, nhớ các cảnh phim Hollywood, thử hình dung cảm giác bị viên đạn chì xuyên vào bao tử như cái anh người Đức kia thì nó ra làm sao. Nhiều lúc cảm giác rờn rợn cứ vây quanh.
Nhưng suốt buổi chiều ấy, tôi đã đi khắp các con hẻm tối tăm và trở về an toàn. Tôi đã gặp những nụ cười và ánh mắt rực sáng, nghe những câu chào ấm áp trong chốn ẩm thấp, bẩn thỉu. Bắt gặp những hình ảnh, âm thanh dễ chịu ấy, đôi lúc tôi quên rằng mình đang ở giữa khu ổ chuột tối tăm.
Rocinha nằm trên một ngọn đồi cao, hay cũng có thể gọi là một triền núi thấp, nên con đường Estrada da Gavea phải chạy ngoằn ngoèo để triệt tiêu độ dốc. Những con hẻm thì không lượn lờ êm ả như vậy. Có nơi đổ dốc dựng đứng khiến người ngoài vào đây có cảm giác như đang đi xuống địa ngục. Có những khúc ngoặt gấp gáp, những nhánh hẻm chạy tứ tung. |
Đỗ Hùng
(từ Rocinha, Rio de Janeiro)
>> Sống trong lòng khu ổ chuột Rocinha
>> World Cup của nhiều nỗi bất an
>> Dang dở Arena de Sao Paulo
>> Khi World Cup không được hoan nghênh
>> Không ngủ ở Sao Paulo
Bình luận (0)