(TNO) Sẽ ra mắt đầu tháng tám, tự truyện Bên kia Bức tường của cựu huấn luyện viên The Voice Trần Lập kể về những năm tháng rock, kể cả rock "chui", mà không hề đề cập đến The Voice.
Thanh Niên Online: Trước Bức tường, rock Việt chịu nhiều thành kiến, khó khăn. Tự truyện của anh cũng nói về thời kỳ ban nhạc chào đời âm thầm trong lòng đội văn nghệ của trường ĐH Xây dựng. Anh nhớ nhất điều gì thời đó?
Trần Lập: Thời đó, chúng tôi là nhóm thanh niên trên dưới 20, nghèo và tự lập. Có duyên gặp nhau, chung nhau chí hướng âm nhạc nhưng nhiều khó khăn khi vẫn còn là sinh viên với "nợ đèn sách".
|
Đội văn nghệ ĐH Xây dựng thời đó rất nhiều thành viên, lại được đầu tư nhạc cụ rất tốt. Năm anh em chúng tôi âm thầm "đảo chính", lập ra ban nhạc riêng nhưng vẫn âm thầm sống ngay trong đội văn nghệ ấy. Có như vậy thì mới được mượn nhạc cụ mà chơi, có hội diễn của trường mà khoe khả năng. Chúng tôi chơi thế nhiều năm mà vẫn không đủ khả năng tách ra. Tôi khó lòng trích ra hết được một quãng dài rất nhiều kỷ niêm, nhiều "mưu mô" của chúng tôi để duy trì hình thức này mà không bị "trục xuất".
Thành viên của The Wall (tiền thân của Bức tường) thời đó, không phải ai cũng là sinh viên của trường. Nhưng cũng không mấy ai muốn để lộ điều này. Khi mà đội SV của trường vốn đã mạnh, thêm đội văn nghệ ngầm The Wall nữa luôn là “đặc sản” trong phong trào sinh viên thì thân thế vẫn phải "ngụy trang". Ngầm hiểu giữ kín chuyện sẽ có lợi cho tất cả mặc dù cũng chẳng phải chuyện mờ ám gì. Tôi đã "mặc nhiên" được bên ngoài nhận diện là một sinh viên thực thụ của trường từ thời đó đến nay mà vẫn không mấy người biết được.
* Học thanh nhạc với thầy Phan Muôn, điều đó có ảnh hưởng gì tới việc anh tập hát rock không?
- Cho tôi chỉnh lại chút nhé, nói vậy e rằng bị ngược. Nếu là tôi, tôi sẽ hỏi là việc tập hát rock có ảnh hưởng tới chuyên môn thanh nhạc hay không (cười).
Về lý, thanh nhạc làm cho người ta rèn luyện kỹ thuật, kỹ năng theo chuẩn mực và kiểm soát, điều tiết âm thanh phát ra từ giọng người. Rock có xu hướng phá nát các kỹ thuật và các chuẩn mực cũ kỹ của thanh nhạc. Rock cũng là sự thừa nhận khác của thế giới về một khả năng phát thanh âm, phá cách kỹ thuật mang tính đại chúng hơn.
Thời gian đầu, thầy tôi không thể chấp nhận lối hát khó nghe mà tôi đường đột pha vào sau hai năm rèn kỹ thuật thanh nhạc cổ điển. Tôi tự tìm cách pha âm khàn, cháy vào những chỗ lẽ ra trong thanh nhạc cần tròn. Tôi miết thanh đới và bật thả âm kiểu của tôi nhưng lại lấy kỹ thuật hơi của thanh nhạc.
Thời đầu, nghe rất mờ và lào khào không rõ lời, đuối hơi. Mỗi lần trả bài thi chuyên môn, thầy tôi rất không vui. Tôi đọc thấy những ánh mắt ái ngại của các giảng viên khác khi thông cảm cho nỗ lực của thầy tôi có vẻ không đi đến đâu.
May là thầy kiên nhẫn, tôi kiên trì và khi "giờ bay đủ", đòn "phủi" của tôi đã phát huy. Tôi biết là tôi đã phá ngang một lối thanh nhạc truyền thống nhưng rút cuộc tôi cũng được chấp thuận.
Ổn định trong hai năm sau, tôi đều đạt hệ số điểm giỏi chuyên môn nhưng giọng hát thì không lẫn lộn với bất kỳ giọng ca thanh nhạc rập khuôn nào. Và tôi là một người đã tốt nghiệp thanh nhạc loại giỏi với hai phần thi hiếm có là bán cổ điển và rock.
* Điều kỳ lạ là rock ở Việt Nam không có thái độ chán chường, trốn tránh. Rock của anh lại đặc biệt "có giọng điệu nghiêm chỉnh, thường đề cập đến vấn đề xã hội', "nhấn mạnh quan điểm tích cực hướng tới cuộc đời" (theo lời nhà nghiên cứu âm nhạc Mỹ J. Gibbs). Anh lý giải điều này ra sao?
- Rock trên thế giới cũng chia thành nhiều dòng. Mỗi dòng mỗi tư tưởng trong nội dung tùy thuộc đời sống thực tế của người sáng tác, người chơi nó. Tôi ưa phóng khoáng, duy mỹ và thích nhìn vào điều tích cực. Dường như đó mới chính là lối thoát tư tưởng đẹp nhất mà tôi muốn duy trì khi mà sự chứng kiến trong mắt tôi sự khổ ải nhọc nhằn đã quá nhiều. Tôi thấy những người đã cay đắng, mất mát lại tiếp tục nhai nghiến sự cơ cực ấy thì cũng có khá hơn lên được đâu.
Và bạn thấy đó, hạnh phúc, niềm vui, sự nghị lực, sự sáng láng, sự sẻ chia thì ai mà chẳng muốn. Sự tranh đấu, sự lý tưởng, sự hy vọng, niềm lạc quan ai mà chẳng cần. Bản thân điều tích cực, sự huy hoàng, nó có sức mạnh của nó và nó đáng tin cậy hơn bóng tối.
* Chưa có câu nào về The Voice trong tự truyện là điều khá bất ngờ. Sự thực, anh và The Voice có điểm gì chung và điểm gì khó hòa hợp?
- Nếu nói về format The Voice, về lý thuyết, tôi thấy mình hòa hợp và có vị trí rất đúng. Với format khi đã mang tên Giọng hát Việt, mọi chuyện đã khác. Cũng chính là nó cả thôi nhưng nó chất chứa bao nhiêu sự hỉ nộ ái ố, ngộ nhận, đỏng đảnh và bạc như vôi.
Tôi hợp với sự từ tốn và tin cậy mang tính bền, tôi làm việc vì trách nhiệm và giữ lời chứ không vì hình thức, bon chen. Khi đã ký hợp đồng làm việc, tôi biết tôn trọng nội dung. Chuyện hợp hay chưa hợp vẫn chỉ mang tính chất tương đối ở những thời điểm nhất định thôi.
* Cám ơn anh!
Trinh Nguyễn
>> Trần Lập "cháy" hết mình với RockStorm
>> Sau “The Voice”, Trần Lập trở lại “máu lửa” với rock
>> Trần Lập bất ngờ được các học trò cưng chúc mừng sinh nhật
>> Trần Lập và thí sinh "The Voice" hào hứng đạp xe trao cây xanh
>> Trần Lập quyết “giữ” Bảo Anh
>> Giọng hát Việt: HLV Trần Lập “cứu” Bảo Anh
Bình luận (0)