Rối chuyện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

04/12/2013 09:51 GMT+7

Ngành nông nghiệp đã nhận thấy việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa là yêu cầu cấp thiết, song cách làm ra sao thì đến nay vẫn đang rối.

 Thu hoạch bắp
Nền nông nghiệp Việt Nam trước nay chỉ tập trung vào cây lúa nên việc chuyển đổi sang cây trồng khác gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Công Hân

Hiệu quả kinh tế cao

Thời gian qua ở ĐBSCL, hiệu quả kinh tế của các địa phương làm lúa 3 vụ thấp hơn nhiều so với những nơi trồng xen canh cây màu. Vụ hè thu 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp tổ chức mô hình sản xuất đậu nành kết hợp bao tiêu sản phẩm trên diện tích gần 40 ha tại H.Châu Thành. Kết quả, doanh thu từ đậu nành đạt gần 32 triệu đồng/ha; trong khi lúa chỉ đạt 22,5 triệu đồng/ha. Trừ đi chi phí, 1 ha đậu nành nông dân thu lợi 16,5 triệu đồng so với 7,8 triệu đồng từ trồng lúa. Như vậy, trồng đậu nành lợi nhuận cao hơn trồng lúa 8,7 triệu đồng/ ha.

Ở một số địa phương khác như TP.Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cũng cho hiệu quả kinh tế tương tự; đồng thời còn cắt đứt nguồn sâu bệnh, xác bả thực vật để lại giúp cải tạo đất, giảm lượng phân bón hóa học…

Khó chuyển đổi

Theo PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, trồng lúa vụ xuân hè là phản khoa học và không mang lại hiệu quả kinh tế nên có thể chuyển sang trồng bắp. ĐBSCL có khả năng phát triển diện tích trồng bắp lai lên đến 100.000 ha và 350.000 ha đậu nành, mỗi năm cung cấp khoảng 550.000 tấn bắp và 700.000 tấn đậu nành cho nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ chuyển đổi khoảng 200.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp và đậu nành. “Lần này có sự khác biệt là chúng ta chủ động, chuyển đổi cây trồng phải đạt giá trị kinh tế cao hơn cây lúa. Lợi nhuận là tiền thật phải rơi vào túi nông dân”, ông Thông nói. 

Tuy nhiên trên thực tế, việc chuyển đổi ở các địa phương còn chậm do đầu ra không ổn định. Cụ thể tại Đồng Tháp, tỉnh có diện tích trồng đậu nành lớn nhất ĐBSCL, năm 2005 có 11.500 ha, năm 2012 giảm xuống 1.700 ha, đến năm 2013 còn 864 ha. Năm 2010, tỉnh này có gần 28.900 ha trồng màu thì đến năm 2013 chỉ nhích lên 30.700 ha. Theo ông Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NN-PTNT Đồng Tháp), việc chuyển đổi chậm hay sụt giảm diện tích là do tỉnh chưa hình thành được chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại diện các ngành chức năng vẫn kêu gọi doanh nghiệp phải hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân. Theo ông Dư, việc chuyển đổi sang trồng bắp, đậu nành mang tính chiến lược ở tầm vĩ mô. Nếu doanh nghiệp đứng ra bao tiêu, đưa các tiêu chí cụ thể về chất lượng thì ngành nông nghiệp và địa phương hoàn toàn có thể phối hợp tổ chức sản xuất trên diện tích vài chục ngàn héc ta. 

Ở một góc độ khác, các địa phương thừa nhận việc chuyển đổi cây trồng không hề đơn giản. Theo ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, đồng ruộng nước ta chủ yếu thiết kế để sản xuất lúa, nếu muốn phát triển cây màu phải chỉnh sửa lại hệ thống tưới tiêu cho phù hợp. Trồng màu cần sử dụng nhiều sức lao động; trong khi nguồn lao động ở nông thôn đang khan hiếm. Còn ông Tuyên cho rằng cái khó nhất trong chuyển đổi cây trồng chính là việc cơ giới hóa từ đồng ruộng đến khâu thu hoạch, bảo quản… nhưng hiện tại nước ta vẫn chưa có máy móc.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định trước đây nước ta chủ yếu trồng bắp, đậu nành để phục vụ nhu cầu của con người, nếu muốn chuyển sang trồng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải thay đổi nguồn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp…

Chí Nhân

>> Cho phép chuyển đổi đất lúa
>> Đồng Tháp: Trồng mè trên đất lúa lãi 22 triệu đồng/ha
>> Không nhất thiết phải trồng lúa trên đất lúa
>> Lo cho đất lúa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.