Có nhiều nguyên nhân làm não bị tổn thương, như: chấn thương sọ não, đột quỵ, viêm não... Trong số các hậu quả của tổn thương não, rối loạn giao tiếp làm bệnh nhân không thể “kết nối” với người xung quanh, dễ bị cô lập, khó hòa nhập với cuộc sống, lâu ngày có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Trao đổi với PV Thanh Niên, Tổng thư ký Hội Vật lý trị liệu TP.HCM Lê Khánh Điền cho biết rối loạn giao tiếp bao gồm 3 dạng chính: mất ngôn ngữ, rối loạn vận ngôn và mất sử dụng lời nói. Bệnh nhân sau tổn thương não có thể bị một hoặc cùng lúc nhiều dạng rối loạn giao tiếp kể trên.
Mất ngôn ngữ
Mất ngôn ngữ ở người lớn là tình trạng bệnh nhân không có khả năng sử dụng “kho ngôn ngữ” được tích lũy sẵn trong não bộ để diễn đạt ý tưởng và giao tiếp với người khác qua nói, viết (rối loạn ngôn ngữ diễn tả) hoặc không hiểu ngôn ngữ bình thường thông qua nghe, đọc (rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận). Điều cần lưu ý là người bị mất ngôn ngữ không đồng nghĩa với trí nhớ hay trí thông minh giảm sút. Nhưng do họ gặp nhiều khó khăn trong nghe, nói hoặc đọc, viết nên dễ bị gia đình và cộng đồng đánh giá không đúng về trí tuệ.
Bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ diễn tả thường vẫn có thể hiểu, nhận biết sự vật, người thân nhưng không tìm được từ ngữ thích hợp để truyền đạt cho người nghe. Chuyên viên âm ngữ trị liệu sẽ giúp họ nhớ lại và liên hệ kho ngôn ngữ vốn có với thực tế cuộc sống, từ đó sử dụng để truyền tải thông tin. Chẳng hạn, bệnh nhân sẽ được cho xem hình ảnh người quen, đồ vật để tập nói chính xác tên gọi.
Ngược lại, bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận lại không hiểu hoặc chậm hiểu những gì được nghe và đọc. Trong trường hợp này, mục tiêu của chương trình phục hồi chức năng là tăng khả năng hiểu cho họ bằng những bài tập từ đơn giản đến phức tạp. Chẳng hạn, thời gian đầu, bệnh nhân chỉ tập trả lời những câu hỏi có/không, sau đó, tùy theo sự tiến bộ mà độ khó sẽ được tăng dần lên.
Rối loạn vận ngôn
Đây là tình trạng yếu, liệt của các cơ quan liên quan đến chức năng nói chứ không ở trung khu ngôn ngữ. Do đó, kho ngôn ngữ vẫn còn, khả năng sử dụng ngôn ngữ vẫn nguyên vẹn nhưng lời nói bị “biến dạng” hoặc sai lệch khiến người khác không thể nghe ra những gì bệnh nhân muốn truyền đạt. Người thân, nhờ tiếp xúc lâu ngày có thể hiểu được phần nào những gì người bệnh nói. Trong khi đó, người lạ thường không hiểu được hoặc hiểu rất ít. Nguyên nhân là do tổn thương não gây ra những hậu quả như: rối loạn hơi thở, rối loạn phát âm ở thanh quản, rối loạn khả năng cấu âm (phụ âm, nguyên âm), rối loạn độ vang của âm...
Chuyên viên âm ngữ trị liệu sẽ khám và xác định cụ thể bệnh nhân bị khiếm khuyết ở điểm nào, sau đó đưa ra chương trình tập luyện phù hợp để tăng tính dễ hiểu của lời nói. Tại Khoa Vật lý trị liệu của một bệnh viện, từng có trường hợp bệnh nhân nói chuyện người khác chỉ hiểu “lõm bõm” được khoảng 10-20%. Nhờ tuân thủ tốt chương trình phục hồi chức năng nên sau một thời gian, bệnh nhân đã tiến bộ đáng kể, người nghe có thể hiểu được khoảng 80% nội dung bệnh nhân muốn truyền đạt.
Mất sử dụng lời nói
Ở dạng rối loạn này, bệnh nhân bị mất khả năng “lập trình” phát âm. Biểu hiện điển hình là một âm bị nói sai nhiều kiểu. Để điều trị, chuyên viên âm ngữ trị liệu sẽ phát âm mẫu, bệnh nhân theo đó tập nói lại để tạo thành một “đường mòn” trên não. Họ cũng có thể được cho các bài tập phân biệt những âm gần giống nhau để nhận biết hai âm đó và lập trình lại cách phát âm.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Giao tiếp nơi công sở
>> Dạy kỹ năng giao tiếp cho xe ôm
>> Giáo sư, phó giáo sư phải giao tiếp được bằng tiếng Anh
>> Để hạnh phúc, teen cần giao tiếp ít nhất 8 giờ mỗi ngày
>> Nhiều nhà tuyển dụng chê sinh viên giao tiếp kém
Bình luận (0)