Rối loạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ tiền học đường: Những sai lầm cần tránh

03/11/2022 15:59 GMT+7

Không ít trẻ ở độ tuổi tiền học đường bị rối loạn phát triển ngôn ngữ nhưng lại được xác định nhầm là rối loạn phổ tự kỷ. Phụ huynh cần lưu ý điều gì để can thiệp kịp thời trước khi con vào lớp 1?

Có con trai 4 tuổi vừa được xác định bị rối loạn phát triển ngôn ngữ, chị Cao Thị Kim Tiến (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) chia sẻ: “Trong lớp mẫu giáo, con chỉ thích chơi với những món đồ chơi mà con thích, có thể nhớ, gọi tên nhiều vật dụng, đồ chơi, tên gọi nhiều loại con vật được học. Tuy nhiên, đối với những trò chơi theo trật tự tập thể trên lớp thì con không tham gia cùng các bạn”.

“Ở nhà, khi bé giận thì ném đồ đạc, không thể diễn tả rõ bằng lời nói trôi chảy. Rồi lúc muốn chơi hay lấy một món đồ nào thì con cũng không diễn đạt bằng ngôn ngữ nói ít mà chỉ biết chỉ tay về hướng đó”, chị Tiến nói với PV Thanh Niên ngay sau khi rời khỏi Đơn vị âm ngữ trị liệu Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM.

Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên, giảng viên âm ngữ trị liệu, cố vấn Đơn vị âm ngữ trị liệu Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, kiểm tra một trẻ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ

THÚY LIỄU

Trước đó, chị Tiến đã tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội, đưa con trai đến một số cơ sở tư nhân. "Họ xác định con tôi bị rối loạn phổ tự kỷ, đưa ra nhiều phác đồ điều trị nhưng không hiệu quả sau can thiệp, khiến tôi hoang mang. Vì thế, tôi khuyên các bậc cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế có chuyên môn để thăm khám”, chị Tiến chia sẻ.

Chị Tiến chỉ là một trong số những bậc phụ huynh có con ở độ tuổi tiền học đường (4-6 tuổi) bị rối loạn phát triển ngôn ngữ, nhưng được chẩn đoán nhầm là mắc chứng tự kỷ, một phần là vì nhà trị liệu chưa phối hợp nhiều chuyên khoa để tầm soát và chẩn đoán, trong đó có chuyên ngành âm ngữ trị liệu, một ngành khá mới tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho biết rối loạn phát triển ngôn ngữ (developmental language disorder) là một rối loạn giao tiếp cản trở việc học, hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Hiện chưa có thống kê con số cụ thể về trẻ em bị rối loạn phát triển ngôn ngữ ở Việt Nam. Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố trên tạp chí International Journal of Speech-Language Pathology ước tính rối loạn phát triển ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến 25% trẻ em ở độ tuổi tiền học đường (từ 4-6 tuổi).

Cần nhận biết sớm các dấu hiệu rối loạn phát triển ngôn ngữ

Trả lời PV Thanh Niên, thạc sĩ Hoàng Văn Quyên, giảng viên âm ngữ trị liệu, cố vấn Đơn vị âm ngữ trị liệu Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phát triển ngôn ngữ khi có các dấu hiệu sau: từ 3 tuổi trở lên mà vẫn chậm nói, chậm về ngôn ngữ hiểu và ngôn ngữ diễn đạt, không có bệnh lý nền kèm theo và đã loại trừ rối loạn phổ tự kỷ.

“Còn trẻ từ 3 tuổi trở lên mà trẻ vẫn chậm về lời nói, chậm ngôn ngữ hiểu, chậm ngôn ngữ diễn đạt nhưng có dấu hiệu tăng động giảm chú ý và kết quả test tầm soát STAT tự kỷ dương tính thì cần được theo dõi tự kỷ sau đó trẻ được chuyển đến bác sĩ nội thần kinh, bác sĩ tâm lý để chẩn đoán xác định. Trường hợp này chúng ta cần phải cẩn thận phân biệt với rối loạn phát triển ngôn ngữ. Vì vậy, việc tầm soát và chẩn đoán bởi một nhóm nhiều nhà chuyên môn là quan trọng và giúp việc can thiệp hiệu quả hơn. Đặc biệt phụ huynh sẽ hiểu con họ nhiều hơn trong quá trình theo dõi và hỗ trợ con của họ", thạc sĩ Quyên lưu ý.

Để giúp phụ huynh nhận biết sớm các dấu hiệu chậm hoặc rối loạn phát triển ngôn ngữ, thạc sĩ Quyên giới thiệu công cụ tầm soát của Úc (xem bên dưới bài viết này). Nếu phụ huynh phát hiện trẻ càng sớm thì càng tốt, tuy nhiên khi phát hiện sớm nên tìm kiếm nhóm nhà chuyên môn để được thăm khám, tư vấn và hướng dẫn trực tiếp phụ huynh trên trẻ là tốt nhất, theo thạc sĩ Quyên.

Rối loạn phát triển ngôn ngữ là một rối loạn giao tiếp cản trở việc học, hiểu và sử dụng ngôn ngữ.

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FRONTIER FOR YOUNG MINDS

Can thiệp như thế nào?

Trẻ rối loạn phát triển ngôn ngữ cần được can thiệp một cách bài bản trước khi vào học lớp 1. “Liệu pháp, liệu trình kết hợp giữa y tế và giáo dục. Nhà âm ngữ trị liệu phối hợp với giáo viên giáo dục tiểu học, giáo viên giáo dục đặc biệt dạy cho trẻ các kỹ năng tiền học đường, ngữ dụng học, hình thức ngôn ngữ, ngữ nghĩa và kỹ năng ngôn ngữ học thuật”, thạc sĩ Quyên cho hay.

Do đó, Đơn vị âm ngữ trị liệu Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM có khu phòng học can thiệp tiền học đường kết hợp với âm ngữ trị liệu như một ngôi trường dạy kỹ năng tiền học đường chuẩn bị cho các bé rối loạn phát triển ngôn ngữ có nền tảng để vào lớp 1.

Cụ thể, con trai 4 tuổi bị rối loạn phát triển ngôn ngữ của chị Cao Thị Kim Tiến kể trên được thạc sĩ Quyên chỉ định tiếp tục học hòa nhập tại trường mầm non với thời lượng 2 ngày/tuần và những ngày còn lại tham gia lớp can thiệp tiền học đường kết hợp với âm ngữ trị liệu và phụ huynh hỗ trợ thêm cho trẻ tại nhà.

Thạc sĩ Quyên chia sẻ: “Trong lớp can thiệp tiền học đường kết hợp với âm ngữ trị liệu, trẻ sẽ được trang bị kỹ năng tiền học đường, hình thành nền nếp kỷ luật, kỹ năng nghe hiểu, ngôn ngữ diễn đạt, kỹ năng vẽ và kỹ năng đọc viết”.

“Trẻ rối loạn phát triển ngôn ngữ gặp khó khăn nhiều nhất ở kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ, thường nói những câu ngắn không có chủ từ, động từ. Nội dung trẻ nói có thể đúng nhưng không thể hiện văn phong học thuật. Vì thế, nhà trị liệu phải giúp trẻ có được nền tảng ngôn ngữ học thuật. Còn ngôn ngữ bản năng trong sinh hoạt hằng ngày thì trẻ không bị hạn chế nhiều”, thạc sĩ Quyên cho hay.

Trong suốt liệu trình can thiệp, phụ huynh cũng đóng vai trò rất quan trọng vì có nhiều thời gian nhất bên cạnh trẻ tại nhà. Các chuyên viên âm ngữ trị liệu sẽ can thiệp trực tiếp trên trẻ đồng thời huấn luyện cả phụ huynh, cung cấp công cụ để cha mẹ dạy thêm cho trẻ tại nhà.

Phụ huynh có thể tham khảo bản hướng dẫn những dấu hiệu cần phải đưa trẻ đến gặp nhà trị liệu:

0-12 tháng

Không bập bẹ (từ 6 tháng tuổi trở lên)

Không biết bắt chước tiếng kêu của con vật hoặc tiếng xe

Khó khăn trong việc ăn-nuốt (6-12 tháng)

Không có kỹ năng cùng chú ý (còn được gọi là “tam giác giao tiếp” giữa bé, người và vật. Cụ thể, bé cùng cha hoặc mẹ tập trung vào một đồ vật hoặc sự kiện để giao tiếp cùng nhau)

Không phản ứng khi được gọi tên

Có tiền sử nhiễm trùng tai

Từ 1-2 tuổi

Vốn từ vựng hạn chế (trẻ 2 tuổi bình thường có vốn từ khoảng 250 từ)

Không thể làm theo hướng dẫn một bước, chẳng hạn ‘hãy đưa cho mẹ gấu bông’

Nói lắp

Kỹ năng chơi đùa bất thường, kỹ năng tương tác xã hội kém

Khó khăn trong việc ăn-nuốt

Từ 2-3 tuổi

Không thể kết hợp các từ thành những cụm gồm 2-3 từ

Không thể làm theo hướng dẫn

Lời nói chỉ có thể hiểu được 50%

Nói lắp

Kỹ năng chơi đùa bất thường, kỹ năng tương tác xã hội kém

Từ 3-4 tuổi

Không nói được câu từ 4-5 từ

Không thể trả lời một chuỗi câu hỏi

Cha mẹ không thể hiểu lời nói của con

Không thể làm theo hướng dẫn

Nói lắp

Kỹ năng chơi đùa bất thường, kỹ năng tương tác xã hội kém

Trên 4 tuổi

Không nói được những câu có ý nghĩa liên quan với nhau (Chẳng hạn: Con đến sở thú và con thấy sư tử)

Kém nhận thức về khái niệm hoặc vốn từ vựng nghèo nàn

Lời nói của trẻ không thể hiểu được

Không thể làm theo hướng dẫn

Nói lắp

Kỹ năng chơi đùa bất thường, kỹ năng tương tác xã hội kém

(Nguồn: Cơ quan y tế, chính quyền bang Tây Úc, Úc)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.