Rối loạn tâm trạng có thể dẫn đến bệnh mạn tính

11/05/2022 11:03 GMT+7

Theo một nghiên cứu công bố trên chuyên san JAMA Network Open , nam giới trẻ tuổi và nữ giới ở mọi độ tuổi mắc các rối loạn tâm trạng là hai nhóm dễ phát triển các bệnh mạn tính.

Rối loạn tâm trạng là nhóm sức khỏe tâm thần được sử dụng để mô tả tất cả các loại trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, theo chuyên trang Johns Hopkins Medicine.

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc nhiều đơn vị khác nhau đã tiến hành phân tích dữ liệu sức khỏe được thu thập liên tục của hơn 40.300 người trưởng thành sinh sống tại tiểu bang Minnesota (Mỹ). Đối tượng nghiên cứu được chia thành các nhóm khác nhau theo giới tính, độ tuổi và các rối loạn tâm trạng mà họ gặp phải.

Kết quả cho thấy nữ giới ở cả 3 nhóm tuổi 20, 40, 60 và nam giới ở độ tuổi 20 mắc các rối loạn tâm trạng có nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính cao hơn đáng kể so với người không mắc. Nữ giới ở độ tuổi 20 vừa lo lắng vừa trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh mạn tính cao hơn 61% so với người không mắc. Nhóm nam giới ở độ tuổi 20 là nhóm có nguy cơ phát triển bệnh mạn tính cao nhất, cao hơn gần 72% so với nhóm đối chứng.

Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 15 tình trạng bệnh mạn tính ở các nhóm nguy cơ. Đáng lưu ý là bệnh tăng huyết áp, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hầu hết các bệnh ung thư.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những người mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều hơn 2 bệnh mãn tính cùng lúc.

Theo CNN, tiến sĩ William Bobo, giáo sư tâm thần học, tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng ta thường nghĩ những người trẻ tuổi là những người khỏe mạnh và bệnh mạn tính chỉ ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Nhưng kết quả nghiên cứu lại cho thấy một bức tranh rất khác”.

Làm thế nào để giảm các nguy cơ?

Theo CNN, ông Kyle Bourassa, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục và lâm sàng lão khoa ở Bắc Carolina (Mỹ), cho biết có các phương pháp điều trị hành vi và dược lý đối với chứng lo âu và trầm cảm, đã được chứng minh là cải thiện sức khỏe của bệnh nhân. Theo đó, hoạt động thể chất đầy đủ, thường xuyên; thực hành thiền định và ngủ đủ giấc, quan tâm đến chất lượng giấc ngủ hằng ngày cũng đã được chứng minh là giúp làm giảm lo âu và trầm cảm.

Ngoài những hoạt động nói trên, tránh hút thuốc và uống nhiều rượu bia, chất cồn cũng giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh mạn tính, ông Bourassa lưu ý.

“Nếu cảm thấy mình có thể bị lo lắng hoặc trầm cảm, bạn nên nói chuyện với bác sĩ chuyên về sức khỏe tâm thần hoặc nhà trị liệu tâm lý để lập kế hoạch điều trị”, Jasmin Wertz, giảng viên tâm lý học tại Đại học Edinburgh (Anh), tư vấn trên CNN.

Phương An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.