‘Rối loạn thông tin’ với nhóm chat công việc

05/10/2022 13:49 GMT+7

Không ít bạn trẻ lâm vào tình trạng ‘rối loạn thông tin’ và đời sống cá nhân bị đảo lộn vì liên tục nhận thông báo tin nhắn từ nhóm chat trong các ứng dụng trực tuyến trước khi đi ngủ hoặc chỉ mới thức giấc.

Đi chơi vẫn “kè kè” laptop

Theo kết quả cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Opensurvey (Hàn Quốc), gần 60% người thuộc thế hệ Gen Y (năm sinh từ 1981-1995) và Gen Z (năm sinh từ 1996-2005) cho rằng khó giữ cuộc sống cá nhân và công việc tách biệt vì những nhóm chat trao đổi công việc trên các ứng dụng trò chuyện. Họ cảm thấy những nhóm chat làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân sau giờ làm việc.

Đồng tình với kết quả khảo sát này, Nguyễn Gia Hưng (25 tuổi, biên tập viên của một công ty truyền thông tại TP.HCM) cho biết anh có khoảng 10 nhóm chat công việc. Gia Hưng chia sẻ: “Thời gian làm việc và trao đổi qua tin nhắn của tôi không cố định, có khi chuẩn bị đi ngủ hoặc sáng dậy là đã thấy tin nhắn cần phản hồi. Hiện tại, tôi chưa có cách giải quyết tình trạng quá tải tin nhắn vì khối lượng công việc rất nhiều. Tôi bắt buộc phải theo dõi những nhóm chat này để nắm tình hình, tránh bỏ lỡ thông tin dẫn đến phiền toái”.

Nguyễn Ngô Thiên Hải vừa thức giấc phải trả lời hàng loạt tin nhắn từ các nhóm chat

nvcc

Nguyễn Ngô Thiên Hải (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng đối mặt tình trạng tương tự trong lúc học và làm truyền thông cho các nhãn hàng. “Hiện tôi có 6 nhóm chat trao đổi học tập và 5 nhóm chat cho công việc, chưa kể các tin nhắn công việc cá nhân. Mỗi nhóm chat hoạt động theo một khung giờ khác nhau nên đôi khi tôi thấy khá phiền”, anh Hải chia sẻ.

Do có quá nhiều nhóm chat nên Thiên Hải chia sẻ anh thường xuyên “bị quá tải thông tin”, không thể xử lý hết lượng tin nhắn “khổng lồ” mà mình nhận được. Nam sinh viên kể: “Thậm chí trong thời gian nghỉ ngơi, các nhóm chat liên tục ‘nhảy’ thông báo, khiến thời gian nghỉ ngơi của tôi thêm phần áp lực. Có hôm đi ăn với bạn, tôi vẫn phải ‘kè kè’ laptop. Điều này khá bất tiện nhưng bất đắc dĩ tôi mới phải làm thế”.

Điện thoại liên tục nhảy thông báo

Trong khi đó, Nguyễn Thị Bảo Trân (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chỉ có 2 nhóm chat công việc nhưng có thêm 10 nhóm chat học tập, công tác Đoàn-Hội và quản lý lớp. Chưa kể, nữ sinh viên còn có khoảng 15 nhóm chat liên quan đến câu lạc bộ (CLB) cô tham gia ở trường.

“Tôi làm việc trực tuyến và viết tin, bài cho mảng giải trí nên nhóm chat công việc của tôi hoạt động xuyên suốt từ 6 giờ đến 0 giờ. Đối với nhóm chat ở các CLB, mọi người thường trực tuyến vào buổi tối, thậm chí đến 2 giờ sáng”, Trân chia sẻ.

Vì nhận quá nhiều tin nhắn nên đôi khi nữ sinh viên vô tình bỏ qua những tin nhắn quan trọng. “Có những ngày tôi mệt đến mức không muốn cầm điện thoại. Dù muốn tắt thông báo nhưng vì trách nhiệm nên tôi không thể làm điều này. Bạn bè cùng phòng ký túc xá cũng than phiền vì tiếng thông báo tin nhắn liên tục và tôi thường cắm mặt vào điện thoại, laptop để đọc tin nhắn trong các nhóm chat”, Bảo Trân tâm sự.

Theo nữ sinh viên, trò chuyện qua tin nhắn khó diễn đạt cảm xúc thật của mình nên dễ dẫn đến những cuộc tranh cãi không đáng có. Hiện tại, Bảo Trân đang nghiên cứu để tìm ra giải pháp ổn thỏa hơn trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nhóm chat vì vẫn có những tin nhắn cô bỏ qua, dễ gây phiền hà.

Người trẻ có nguy cơ bị ‘rối loạn thông tin’ khi có quá nhiều nhóm chat trao đổi công việc và học tập

nvcc

Có nên “tắt hết thông báo”?

Trao đổi với PV Thanh Niên về các trường hợp trên, thạc sĩ Nguyễn Kiên Nhẫn, nhà sáng lập, CEO công ty truyền thông và hướng nghiệp Happy Key (TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông) nhận định nhiều nhà quản lý tận dụng nhóm chat trên mạng xã hội để trao đổi công việc với các thành viên bởi chúng tiết kiệm thời gian.

“Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cá nhân, sức khỏe và tinh thần của thành viên. Thứ nhất, họ bị ‘ám thị’ bởi thông báo trong nhóm chat nên khó tập trung cho mục tiêu đề ra. Thứ hai, hiện tượng ‘rối loạn thông tin’ khiến việc xử lý thông tin không hiệu quả ảnh hưởng đến công việc cũng như tinh thần”, thạc sĩ Nhẫn chia sẻ.

Do đó, thạc sĩ Nhẫn khuyên các trưởng nhóm chat trao đổi công việc và học tập nên đặt ra giới hạn về thời gian và quy định chung về tin nhắn ngay từ đầu.

“Chúng ta cần tránh tình trạng một thông tin mà nhắn nhiều lần hay thông tin dễ gây hiểu lầm. Vấn đề nào cần gấp thì không nên trao đổi qua tin nhắn mà hãy gọi điện hoặc gặp mặt trực tiếp để giải quyết. Nội dung không liên quan đến công việc thì nhắn riêng. Chúng ta hạn chế tạo quá nhiều nhóm chat, đặc biệt hãy rời các nhóm sau khi hoàn thành nhiệm vụ để tiếp tục với các mục tiêu tiếp theo”, ông Nhẫn nói.

Theo ông Nhẫn, việc “tắt hết thông báo” không phải cách hay để giải quyết áp lực từ các nhóm chat. “Bạn có thể để chế độ rung nếu thấy ảnh hưởng. Còn khi quá áp lực, hãy rời nhóm một cách văn minh nhất”, ông nói thêm.

Đồng quan điểm trên, nam sinh viên Nguyễn Ngô Thiên Hải chia sẻ: “Tôi sẽ thông báo trên các nhóm trước nếu không thể kham nổi việc được giao, chứ không ‘biến mất trong chớp mắt’. Việc ‘biến mất’ mà chưa đưa ra đề xuất thay thế sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến người khác. Khi cảm thấy quá tải, tôi thường đi dạo, tự thưởng cho mình điều gì đó để lấy động lực làm việc”.

Ngoài ra, thạc sĩ Nguyễn Kiên Nhẫn khẳng định, tham gia nhóm chat trao đổi công việc và học tập cũng là một kỹ năng giao tiếp nên mỗi người cần học cách giao tiếp thông minh, hiệu quả và tạo thiện cảm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.