Rơi máy bay ở Pháp: Cơ phó 'cướp buồng lái' ra sao?

27/03/2015 12:50 GMT+7

(TNO) Nghi vấn cơ phó cố tình làm rơi máy bay đang hầu như được xác định. Nhưng làm sao anh ta có thể thực hiện điều đó giữa thời đại bao nhiêu là biện pháp giá trị bạc tỉ đô la đã đổ ra để tăng cường an toàn hàng không?

(TNO) Nghi vấn cơ phó máy bay Airbus A320 của hãng Germanwings cố tình làm rơi máy bay đang hầu như được xác định. Nhưng làm sao anh ta có thể thực hiện điều đó giữa thời đại bao nhiêu là biện pháp giá trị bạc tỉ đô la đã đổ ra để tăng cường an toàn hàng không?

Không nên để phi công một mình trong buồng lái đang là vấn đề được quan tâm - Ảnh Reuters
Phi công một mình trong buồng lái
Đây là thắc mắc của không ít người. Giả sử có ai đó, chẳng hạn một tiếp viên bình thường ở cùng với cơ phó trong buồng lái thôi thì kết quả đã có thể rất khác. 
Trong vụ rơi máy bay của hãng Germanwings vừa qua, cho tới giờ phút này, các nhà điều tra cho rằng cơ trưởng đã ra ngoài đi vệ sinh, để lại một mình cơ phó trong buồng lái nên anh ta mới có thể toàn quyền cố tình làm rơi máy bay.
Chuyên gia phân tích hàng không của hãng truyền thông CNN David Soucie cho biết theo quy định ở Mỹ, ở trường hợp 1 trong 2 phi công rời buồng lái, một nhân viên phi hành đoàn phải vào thay thế để đảm bảo trong buồng lái lúc nào cũng có 2 người. Điều này không áp dụng bắt buộc với các hãng hàng không quốc tế.
Ô cửa thoát hiểm
Ở phần dưới của cửa buồng lái có một ô thoát hiểm. Người ngồi trong buồng lái có thể mở cái ô này mà thoát ra ngoài trong trường hợp hệ thống khóa điện tử bị hỏng. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện một chiều từ trong buồng lái, còn người bên ngoài thì đành “bó tay”, theo báo Independent.
Còn phát ngôn viên Lufthansa (hãng hàng không mẹ của Germanwings) là Wager Joerg thì trả lời như sau: “Các quy định và luật lệ cho phép phi công ở một mình trong buồng lái. Các quy định chỉ hướng dẫn rằng quãng thời gian phi công ở một mình nên hạn chế tối thiểu. Chúng tôi tuân thủ mọi quy định hàng không của Đức và châu Âu”.
Tuy nhiên, sau những gì vừa xảy ra, nhiều hãng hàng không tuyên bố họ đang sửa đổi chính sách để bắt buộc trong buồng lái lúc nào cũng phải có 2 thành viên phi hành đoàn.
Đây hẳn là một thay đổi đột phá so với trước đây, khi mọi tập trung đều dồn vào chuyện gia cố cánh cửa buồng lái, hệ thống khóa cửa để ngăn cản khủng bố cướp máy bay từ sau vụ tấn công 11.9.
CNN dẫn lời Desmond Ross, Giám đốc hãng Dịch vụ hàng không chuyên nghiệp DRA nói: “Những cánh cửa này được thiết kế chống lựu, tất nhiên là anh không thể nào xô ngã bằng tay được”.
Chế độ “không thèm đếm xỉa”
Giải mã thông tin từ hộp đen chiếc máy bay của hãng Germanwings vừa rơi, các nhà điều tra nhận thấy cơ trưởng khi quay lại đã gõ cửa và sau đó là xô mạnh cửa từ bên ngoài buồng lái.
Điều này là hoàn toàn bất thường. Theo quy trình thường quy, anh ta chỉ việc bấm vào phím # trên hệ thống bàn phím, cơ phó ngồi trong sẽ gạt cần điều khiển qua nút mở khóa là cơ trưởng có thể vào được. 
Camera an ninh bên ngoài cánh cửa sẽ giúp người ngồi trong xác định đó là ai. Trong trường hợp cơ phó bị gì đó không động đậy được đi chăng nữa thì cơ trưởng cũng có thể bấm mã số khẩn cấp để vào. Chỉ khi bị người bên trong cố tình không cho phép, tức cố tình gài chế độ khóa thì người bên ngoài mới không thể vào. Đây là chế độ “không thèm đếm xỉa” đến mọi yêu cầu vào trong.
Cánh cửa buồng lái thời nay khác hẳn với cánh cửa sơ sài trước sự kiện 11.9 - Ảnh: Reuters
Tất cả những gì xảy ra trùng khớp với nhận định phi công tự tử, vốn đã xảy ra 8 lần trên thế giới trong 40 năm vừa qua.
Lắp camera an ninh trong buồng lái?
Vụ rơi máy bay thảm khốc vừa qua lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi đã cũ: có nên lắp camera an ninh trong buồng lái?
Máy bay vỡ vụn, xác người không nguyên vẹn... - Ảnh: Reuters
Giữa thời đại mà camera an ninh mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi, các phi công vẫn khước từ nó.
Chuyên gia phân tích hàng không và cũng là một phi công, Jim Tilmon, cho rằng dùng camera an ninh trong buồng lái là xâm phạm quyền riêng tư của phi công, là điều không cần thiết.
“Có nhiều cách khác để lấy thông tin. Tôi không thích biết là viên phi công có đang móc mũi hay không”, ông nói.
Trong khi đó, Soucie, chuyên gia phân tích hàng không của CNN nhận định rằng công nghệ hiện nay cho phép chuyển các thông tin trực tiếp từ buồng lái xuống mặt đất ngay giữa các chuyến bay.
Ông nhận xét: “Chuyện đi tìm hộp đen cũng giống như chúng ta đang làm việc của ngành khảo cổ học vậy”.
Ba quy trình đóng/mở cửa buồng lái
Dưới đây là 3 “kịch bản” đóng/mở cửa buồng lái trên máy bay Airbus theo hướng dẫn của hãng này.
Quy trình thường quy
1. Thành viên phi hành đoàn gọi vào buồng lái thông qua hệ thống liên lạc nội bộ.
2. Sau khi gọi, người đứng ngoài nhấn nút # trên bàn phím hệ thống khóa, vốn là thao tác giúp gửi tín hiệu vào trong buồng lái. Camera an ninh cho phép người ngồi bên trong biết ai đang yêu cầu được vào.
3. Phi công sẽ gạt cần điều khiển cửa buồng lái từ nút “NORM” (bình thường) sang “UNLOCK” (mở).
4. Đèn xanh bật sáng trên hệ thống khóa, báo hiệu cho người đứng ngoài biết khóa đã mở.
5. Người ngoài có thể mở cửa bước vào trong.
Nhân viên phi hành đoàn nhận định phi công gặp trục trặc.
1. Nếu nhân viên phi hành đoàn tuân theo quy trình thường quy kể trên mà không nhận được phản ứng gì từ trong buồng lái, anh ta sẽ nhấn mã số khẩn cấp trên hệ thống khóa. Tất cả nhân viên phi hành đoàn đều biết mã số này.
2. Sau 30 giây, nếu trong buồng lái không phản ứng, khóa sẽ tự động mở. 5 giây sau, nó sẽ khóa lại.
Phi công cố tình không cho người khác vào
1. Nếu phi công hoặc ai đó trong buồng lái cố tình không cho người khác vào, họ chỉ việc gạt cần qua chế độ “LOCK”.
2. Chế độ “LOCK” sẽ ngăn cản người bên ngoài vào trong, ngay cả khi họ bấm mã số khẩn cấp. Mỗi lần họ bấm mã số này, chế độ “LOCK” sẽ ngăn được trong 5 phút. Người ngồi trong sẽ phải “LOCK” lại lần nữa nếu vẫn không muốn cho ai vào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.