Thêm một lần nữa, việc giới trẻ Việt phát cuồng vì các ngôi sao Hàn Quốc lại thành thông tin hot những ngày qua. Người chỉ trích, lo ngại cho giới trẻ, người cho rằng đây chỉ là cảm xúc nhất thời của những đứa trẻ đang tuổi dậy thì và nên tôn trọng. Nhưng, chưa thấy ai bàn về căn nguyên...
Cuồng nhiệt khi được gặp thần tượng - Ảnh: Độc Lập
|
Hình ảnh đêm nhạc và những clip quay lại buổi trình diễn của đêm Music Bank cho chúng ta thấy các ngôi sao Hàn Quốc đều trẻ, đều đẹp và có phong cách năng động trong những bộ trang phục ôm sát thân người rất bắt mắt và hợp thời trang. Hình ảnh tươi đẹp đó dĩ nhiên có sức cuốn hút mạnh những người trẻ lớn lên trong trào lưu xã hội mà thông tin tràn ngập về những hot girl, hot boy và ca tụng những tấm gương thành đạt nổi tiếng.
Đối tượng đi xem đêm nhạc Music Bank ở sân Mỹ Đình dĩ nhiên là giới trẻ - trên dưới 20 tuổi - nhưng để có thể mua vé vào xem đêm nhạc này (với giá từ 300.000 đồng - 2,5 triệu đồng) đa phần là những đứa trẻ con nhà giàu có hoặc được nuông chiều, chưa biết làm ra tiền nhưng sành điệu trong xài tiền.
Không phải lo lắng việc kiếm tiền sinh sống, không phải làm bất cứ việc gì, bọn trẻ có nhiều thời gian rảnh để tụ tập, lên mạng tám về thời trang, về “xe lép” (celebrity - người nổi tiếng) và rập khuôn theo các hình tượng mà mình si mê… là điều hiển nhiên. Và hệ quả tất yếu là những cô cậu "không đi trên mặt đất" đó dễ dàng bị lóa mắt, bị "choáng" trước hào quang của các thần tượng, nhất là khi họ hiện diện trước mắt.
Âm nhạc luôn là một môn giải trí tuyệt vời của nhân loại. Yêu âm nhạc là điều vốn dĩ được khuyến khích để đời sống này có thể giảm tải nhiều áp lực. Yêu thích những ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ… đến mức xem họ là thần tượng trong cuộc sống vẫn là điều bình thường. Nhưng say mê thần tượng âm nhạc đến mức phải gào thét, rơi lệ, hay ngất xỉu… khi gặp gỡ, hay thậm chí hôn ghế họ từng ngồi… lại là một sự ám ảnh, không tự tin vào bản thân. Những đứa trẻ hôm nay nước mắt ràn rụa hay gào thét, ngất xỉu khi gặp gỡ thần tượng rồi sẽ lớn lên, khả năng kiềm chế cảm xúc có thể sẽ tốt hơn nhưng cũng dễ dàng trở thành "bản sao" của ai đó vì bản thân vốn không được dạy dỗ hoặc tự học hỏi để xác định bản ngã của mình.
Nguy hiểm hơn, sự ám ảnh bởi thần tượng bộc phát đến mức nào đó sẽ trở thành “fan cuồng”. Trong lịch sử âm nhạc và điện ảnh của thế giới, không thiếu những fan cuồng luôn bị ám ảnh bởi thần tượng đến mức đeo bám khiến họ phải sợ hãi, có fan cuồng thậm chí còn đe dọa và sát hại thần tượng của mình. May thay, không phải tất cả giới trẻ ngày nay đều như vậy. Thực tế, mỗi đứa trẻ lớn lên thành người như thế nào đều phản ánh quá trình nuôi dạy chúng từ gia đình. Chỉ có những đứa trẻ được thỏa mãn mọi điều kiện về vật chất trong gia đình, được nuôi dạy và úm kỹ như “gà công nghiệp”, thiếu "thần tượng" là những người thân yêu, không có kỹ năng ứng phó với cuộc sống mới như thế.
Hình ảnh kết thúc đêm nhạc Music Bank cho ta thấy hai lớp người trẻ khác nhau: Một bên rơi nước mắt, nghẹn ngào lưu luyến khi thần tượng âm nhạc của mình chia tay; một bên lại lui cui dọn rác, bao bì thực phẩm, thức uống, vương vãi trên sân Mỹ Đình. Trên trang mạng xã hội Facebook hoặc trên các diễn đàn, tôi vẫn thấy nhiều bạn trẻ kêu gọi và thông tin cho nhau những chương trình thiện nguyện, những bí quyết học hỏi tiếng Anh và những cơ hội “săn tìm” học bổng ở các trường đại học nước ngoài. Chúng ta không nên quá lo lắng về tương lai giới trẻ Việt. Đang và vẫn sẽ có những người trẻ thành công trong học tập, trong việc làm, trong khởi nghiệp… ở Việt Nam hay ở nước ngoài.
Câu chuyện này cuối cùng cho thấy rằng người lớn chúng ta phải nhìn lại mình. Rằng chúng ta đã và đang nuôi dạy những đứa trẻ của mình như thế nào mà thôi.
Bình luận (0)