Chiều 28.10, tại một căn nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM, chị Đỗ Thị Ngọc Phượng (36 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hoàng (33 tuổi) đang chuẩn bị soạn từng bộ quần áo cùng với những người bạn của mình để gửi cho bà con miền Trung, khi vừa chứng kiến những thảm cảnh của cơn bão số 9.
“Nơi đây chưa có đoàn nào đến”
Khuôn mặt ai nấy cũng hiện rõ những mệt mỏi vì đã đi dọc các tỉnh thành miền Trung suốt nhiều ngày qua. Mở chiếc ví rỗng tuếch, chị Ngọc Phượng nói: “Nhóm mình vừa kết thúc hành trình gần một tuần từ ngày 22 - 27.10 đi các tỉnh thành Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…. Điểm cuối cùng là một vùng núi ở tỉnh Quảng Ngãi, tại đây không đủ quà cho mọi người, thấy tội nghiệp nên mình lấy tiền trong ví cho luôn”.
Chìa chiếc điện thoại cho chúng tôi xem lại những bức ảnh đã chụp, chị Hoàng không khỏi xúc động khi lướt đến bức ảnh một người mặc quân phục, đứng ngoài mưa giơ tay chào.
Đó là câu chuyện vào ngày 24.10, khi đoàn trao quà ở những xã ven biển Triệu Vân, Triệu An…thuộc tỉnh Quảng Trị. Chị Hoàng kể: “Khi vừa lên tới đồn, mấy anh biên biên phòng chở mọi người đến từng điểm, từng nhà dân để trao quà nên cảm thấy rất là an toàn. Khi về lại đồn thì được đón tiếp bằng một bữa cơm do chính các anh nấu. Với mình, đó là một bữa thật sự tươm tất, thật sự rất xúc động vì cảm nhận được chân tình mà họ dành lại cho nhóm”.
|
Chị Hoàng rưng rưng nước mắt chia sẻ: “Vừa ăn xong bữa cơm, đoàn phải đi tiếp để đúng thời gian, một anh bộ đội hối hả chạy lên xe bắt tay từng người rồi khóc và nói gãy gọn 'cảm ơn tụi em lắm, từ khi có lũ đây là đoàn đầu tiên đến để trao quà cho bà con'. Xe bắt đầu lăn bánh, anh đứng dưới mưa, vẫy tay chào mọi người”.
|
|
Vận động xây cầu cho các em
Đó là ý định mà chị Ngọc Phượng chia sẻ với chúng tôi khi đã đi trao quà cho người dân ở khu Gò Khôn, xã Ba Giang (Quảng Ngãi). Những nơi vùng núi này nhiều nhà cửa bị sạt lở, bà con có cuộc sống rất khó khăn, trẻ em phải lội qua suối để đi học.
Chị Phượng chia sẻ để lên được những vùng kể trên phải nhờ mấy anh bộ đội biên phòng chở lên bằng xe máy.
Chị Phượng kể: “Khi mấy anh bắt đầu riết ga, xe chạy thẳng lên những con dốc đứng sợ muốn lọt tim ra ngoài, rồi đến những chiếc cầu gỗ khi chạy qua cứ ngỡ như là chuẩn bị sập. Nói chung mình không dám chạy nếu phải tự lái xe".
|
|
Chị Phượng tâm sự: “Bà con vùng núi khi đến nhận quà rất ôn hòa, cứ nhẹ nhàng lên lấy và rất là vui”.
Cũng tại điểm phát quà này, nhóm chị Phượng đã chứng kiến cảnh có những đứa trẻ bế em, người mẹ bế con, những người già phải đi hàng cây số, lội qua suối để nhận quà.
“Lúc trao quà xong, mình có xuống lội thử. Đi những bước đầu, mình cảm thấy rất đau lòng bàn chân vì ở dưới toàn đá, sỏi. Với lại nước này là chảy nhẹ, nếu nó chảy xiết thì sẽ như thế nào? Mình dặn lòng phải cùng với nhóm cố gắng vận động tiền để lên đây xây cầu cho mọi người, tránh nguy hiểm về sau”, chị Phượng bày tỏ.
Chia ca chiết nướckhông chỉ phát hàng ngàn phần quà, nhóm của chị Ngọc và chị Phượng còn trao tặng gần 5.000 lít nước cho bà con miền Trung.
“Nhóm mình mang 1.000 chai nước không (loại 5 lít) đi theo. Đến khách sạn nhóm xin nước và mang máy ra xử lý nước trực tiếp. Do không có thời gian, đến tối mỗi thành viên trong nhóm phải chia ca ra chiết nước, để sáng cho bà con ”, chị Ngọc Phượng nói.
|
Bình luận (0)