Rời phố về quê làm việc

22/05/2018 07:37 GMT+7

Các đô thị lớn không còn quá hấp dẫn bạn trẻ, một số người chọn về quê hương mình làm việc ngay sau khi ra trường, hoặc sau một thời gian bôn ba nhiều nơi để có thêm trải nghiệm, kiến thức.

Hạnh phúc là được làm chủ
Đang có một cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô ăn nên làm ra trên phố Lò Đúc, Hà Nội, một ngày nọ Hoàng Hữu Quốc (37 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) quyết tâm trở về quê ở thôn Hoàng Các, xã Tiên Tiến, H.Phù Cừ (Hưng Yên) để trồng cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn. Trên gần 7 ha đất vườn có sẵn của cha để lại, Quốc tự đọc thêm sách, học hỏi những người đi trước để trồng cây ăn trái theo phương pháp sạch, kết hợp nuôi cá, mỗi năm lợi nhuận trên 2 tỉ đồng.
Tốt nghiệp Trường ĐH Mở TP.HCM nhưng chỉ làm việc ở TP 2 năm, sau đó Nguyễn Minh Tuấn (35 tuổi) đã về quê ở H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre cùng bà con nơi này làm dầu dừa và nhiều sản phẩm từ cây dừa như: son, nước màu, xà phòng… cung cấp toàn quốc. Tuấn vui vì vừa có cuộc sống thanh bình nơi làng quê, vừa tìm được đầu ra cho cây dừa được trồng bạt ngàn nơi này.

2 năm trước, Phạm Văn Độ (34 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) quyết định từ bỏ công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin với thu nhập ổn định tại một công ty ở Q.3, TP.HCM để trở về xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai nuôi dê, trồng mít, sầu riêng, bơ… Độ cho biết cuộc sống ở phố thị quá xô bồ, trong khi đất đai ở quê nhà quá rộng đang bỏ không rất lãng phí. “Trái cây bắt đầu cho thu hoạch, vợ chồng tôi có thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, vừa làm vừa nghỉ ngơi, ăn uống thực phẩm sạch nhà trồng, ở nơi thoáng đãng, điều này hơn hẳn làm ở TP”, anh Độ nói.
Xu thế không còn xa lạ
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho hay xu hướng dịch chuyển lao động từ các đô thị lớn về các tỉnh thành khác xuất hiện từ một vài năm nay, còn ở nhiều nước trên thế giới đã không còn xa lạ.
“Nếu trước đây lao động từ TP.HCM về các tỉnh chủ yếu là kỹ sư đi công trình và không nhiều thì bây giờ là xu hướng lớn, dịch chuyển theo hướng lao động có trình độ ĐH, CĐ, trung cấp về các vùng kinh tế đang phát triển phía nam như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An…”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, ước tính có từ 10.000 - 15.000 lao động từ TP.HCM về các tỉnh. Sự dịch chuyển này không chỉ ở sinh viên mà cả những người đã đi làm 2 - 3 năm và có kinh nghiệm. Những ngành nhiều nhất là kinh doanh dịch vụ, kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, công nghệ nông nghiệp, sư phạm…
Ông Tuấn cũng cho rằng xu hướng rời phố về quê là hướng đi sáng suốt, cần được hoan nghênh để lao động, đặc biệt lao động trẻ, phát huy được năng lực, kiến thức, khát vọng tạo ra giá trị cao. “Thay vì học xong ĐH cố bám trụ ở các TP lớn để có công việc với thu nhập thấp, tại sao không về các tỉnh thành khác đang phát triển nhưng thiếu nhân lực có trình độ để được phát huy đúng năng lực, có thu nhập tốt, ổn định cuộc sống bền vững?”, ông Tuấn nêu.
Trong khi đó, Nguyễn Đức Máy, đồng sáng lập nhóm khởi nghiệp Demeter và nhiều dự án khác, cũng là người cải tạo Đầm Sam (phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, quê hương anh) thành khu du lịch sinh thái, khuyên bạn trẻ cần trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng để thành công khi dịch chuyển.
“Muốn quay về quê nhà phát triển tốt, mình nghĩ bạn trẻ phải nhận ra được giá trị ưu thế của quê nhà so với TP là gì để mà phát triển. Hoặc với những thứ đang có, cần phải nạp thêm những giá trị gì để mình có thể làm nên sự khác biệt hay phát triển. Với những người làm trong lĩnh vực dịch vụ, cần luôn đặt câu hỏi tại sao khách hàng tới tận quê của mình để sử dụng nó chứ không phải nơi khác?”, Máy chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.