Rối rắm phán quyết của Tòa tối cao Mỹ về di trú

29/06/2017 08:00 GMT+7

Phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ về sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump đang trở thành đề tài tranh luận sôi nổi.

Tòa án tối cao Mỹ hồi đầu tuần đã bật đèn xanh cho một phiên bản giới hạn của sắc lệnh di trú gây tranh cãi do Tổng thống Donald Trump đưa ra cuối tháng 3. Thay vì chặn đứng hoàn toàn sắc lệnh như phán quyết của tòa cấp dưới, các thẩm phán Tòa tối cao cho phép chính quyền cấm nhập cảnh một số đối tượng đến từ 6 quốc gia đa số theo đạo Hồi bị cho là có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Ngoài ra, tòa cũng chấp nhận nghe phía chính quyền tranh biện để có thể gỡ bỏ mọi rào cản đối với sắc lệnh di trú. Các phiên tranh biện sẽ diễn ra sớm nhất là vào tháng 10, cho phép các cơ quan liên quan, như Bộ An ninh nội địa đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ và lập luận.
Theo tờ The Washington Post, Tòa tối cao cho phép chính quyền cấm nhập cảnh trong vòng 90 ngày đối với người từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen không thể chứng minh được quan hệ “có thật” với công dân hoặc tổ chức của Mỹ. Phán quyết nêu một số ví dụ về quan hệ “có thật” như có liên hệ thân nhân gần gũi với công dân Mỹ, có giấy tiếp nhận từ các trường đại học hoặc được doanh nghiệp Mỹ nhận vào làm.
Sau thông báo của Tòa án tối cao, Tổng thống Trump tuyên bố đây “chiến thắng rõ rệt đối với an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo phán quyết mới có thể dẫn đến nhiều rắc rối pháp lý còn nghiêm trọng hơn so với thời điểm sắc lệnh vừa được công bố. Lý do là trên thực tế, đa số những người muốn đến Mỹ từ 6 quốc gia bị nêu tên đều có thân nhân là công dân nước này hoặc nhập cảnh để du học, đi làm. Tờ Fortune dẫn lời ông Jamal Abdi, Giám đốc chính sách của Hội đồng người Mỹ gốc Iran, cho biết đa số công dân Iran đến Mỹ đều có người thân đã nhập quốc tịch.
Tuy nhiên, ngoài một số ví dụ nêu trên, Tòa án tối cao không giải thích cặn kẽ thế nào là quan hệ “có thật”. Điều này có thể dẫn đến cách diễn giải khác nhau giữa Nhà Trắng và người muốn nhập cảnh. Các quan chức Bộ Tư pháp, Bộ An ninh nội địa và Bộ Ngoại giao cho biết đang tập trung nghiên cứu phán quyết, nhằm quyết định đối tượng nào sẽ bị ảnh hưởng.
Giáo sư về luật di trú Stephen Yale-Loehr của Đại học Cornell dự đoán tình hình hỗn loạn sẽ tái diễn tại các chốt hải quan, khi nhiều người tự tin là đã đáp ứng đầy đủ điều kiện để được nhập cảnh, nhưng khi đến nơi thì bị chặn lại vì giới hữu trách có cách diễn giải khác về quan hệ “có thật”. Có thể sẽ bùng nổ kiện tụng, tranh cãi về pháp lý do các đương đơn sẽ tranh luận mãnh liệt để chứng minh họ được quyền nhập cảnh. Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, sắc lệnh sẽ được áp dụng từ sáng 29.6 (giờ Mỹ) và nguy cơ hỗn loạn tại các phi trường cũng có thể bắt đầu từ thời điểm này.
Yemen đã bày tỏ thất vọng trước quyết định của Tòa án tối cao Mỹ và cho rằng điều này “không giúp ích trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan mà càng khiến người Hồi giáo cảm thấy trở thành mục tiêu”. Ngày 28.6, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemicho chỉ trích “thái độ phân biệt đối xử với người Hồi giáo” và tuyên bố nước này sẽ có biện pháp đáp trả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.