Hoàng hôn trên sông quê mang cảm giác yên bình |
Nguyễn Điền |
Đất quê mình còn quá nhiều cảnh đẹp
Ở lại quê nhà, ngoài giờ học trực tuyến, các bạn trẻ còn làm nhiều việc phụ giúp gia đình và tự tạo ra những niềm vui dân dã. Theo chân một bạn trẻ đi ngắm hoàng hôn trên một ngã ba sông tại chợ Cái Côn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi chợt thấy lòng bình yên và thấu hiểu lý do tại sao nhiều người vẫn tiếp tục ở lại quê nhà sau thời gian giãn cách.
Đứng trên cầu Cái Côn, nút giao nối liền giữa hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, đưa tầm mắt ra phía xa là hình ảnh ngã ba sông với hai bên là những ngôi nhà sàn nối tiếp nhau. Trên mặt sông từng đợt sóng lượn lờ theo sự chuyển động của những chiếc ghe chở nông sản, phía xa xa thỉnh thoảng có vài chiếc xuồng của người dân đi lưới cá.
Những ngôi nhà sàn nối tiếp nhau ven sông |
NGUYỄN ĐIỀN |
Đồng hồ điểm 18 giờ, cả mặt sông nhuộm một màu đỏ rực của hoàng hôn, phía xa là những đàn chim bay vội vã phút chốc chỉ còn lại những chấm đen rồi mất hút trong màn đêm. Từng đợt gió mát từ sông thổi vào khiến không khí trở nên dễ chịu, xoa dịu đi hơi nóng gay gắt còn lưu lại từ ban trưa.
Những chiếc ghe hàng vội vã trở về nhà sau ngày mưu sinh vất vả |
nguyễn điền |
Anh Nguyễn Tấn Phát, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Chúng ta có rất nhiều nơi để khám phá nhưng chỉ có một chốn để trở về, đó là chốn quê nhà. Nơi thành phố tuy có nhiều tiện nghi, là nơi giúp tôi có thể thực hiện đam mê của mình nhưng lại có muôn vàn áp lực. Đây là những phút giây tôi lấy lại được năng lượng tích cực, tận hưởng trước khi trở lại học tập và làm việc sau tết”, Phát chia sẻ.
Khoảnh khắc bầu trời hoàng hôn đỏ rực trên sông |
nguyễn điền |
Lớn lên từ vùng đất này, Phát tưởng chừng như mình đã quá quen thuộc với những con sông, chợ quê... nên anh đã phớt lờ đi vẻ đẹp vốn có của quê hương mình. Sau những áp lực nơi thành phố nhộn nhịp, giờ đây anh có thời gian nhìn ngắm nhìn lại những phong cảnh vô cùng thơ mộng, an yên chốn quê nhà.
Phát mong chia sẻ với người trẻ thông điệp: “Hãy dành thời gian ngắm nhìn và khám phá vẻ đẹp của quê hương mình. Ở quê còn nhiều cảnh đẹp, tại sao chúng ta phải đi xa”.
Làm bánh dân gian
Cùng quyết định ở lại quê đón tết, Ung Thị Kim Thoa, nữ sinh viên vừa tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, tìm niềm vui bằng việc cùng các thành viên trong gia đình làm bánh dân gian.
Dưới bóng mát cây mận ở cái sân nhỏ sau nhà, Thoa và em gái nhỏ cùng nhau bày biện để làm món bánh kẹp thơm giòn. Với nguyên liệu đơn giản như bột gạo, nước cốt dừa cùng vài quả trứng, cô gái trẻ khéo léo pha bột theo công thức được bà mình truyền lại.
Kim Thoa cho biết chiếc khuôn đổ bánh kẹp đã được ông bà để lại từ mấy chục năm về trước, đến thế hệ của cô vẫn được sử dụng để tạo ra cái hương vị đặc trưng của chiếc bánh kẹp.
Từng muỗng bột được đổ khéo léo trên chiếc khuôn nhuộm màu thời gian, phía dưới là bếp than đỏ lửa, Kim Thoa khéo léo lật bánh để có được màu vàng giòn. Sau 5 giờ nướng bánh, chị em Thoa đã thu về hàng trăm chiếc bánh kẹp thơm giòn để làm món quà vặt mỗi khi thèm ngọt.
“Trước khi trở về thành phố xin việc thì đây là khoảng thời gian quý giá mà tôi có thể ở bên gia đình. Tôi mong với sự gắn kết, kỷ niệm bên gia đình trong thời gian này sẽ giúp tôi có thêm năng lượng, động lực để vượt qua những ngày khó khăn phía trước”, Kim Thoa chia sẻ.
Người trẻ miền quê tìm niềm vui bằng việc làm những món ăn dân dã |
NGUYỄN ĐIỀN |
Cũng trở về nhà tránh dịch Covid-19 tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hơn 5 tháng, Nguyễn Thị Thùy Trang, nữ sinh viên vừa tốt nghiệp trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, quyết định ở lại quê nhà dù TP.HCM kết thúc giãn cách xã hội từ hồi đầu tháng 10.
Thùy Trang cho biết cô sẽ dành thời gian này để chăm sóc, phụ giúp gia đình trước khi trở lại thành phố tìm việc làm sau tết. Theo Trang, sau gần 4 năm học đại học thì đây là lần cô có cơ hội được ở nhà lâu như vậy.
Trong những ngày rảnh rỗi, Trang cùng chị em tận dụng những sản vật nhà trồng như chuối, khoai mì để tạo ra nhiều loại bánh dân dã ngon lành như chuối chiên, bánh cay, bánh cam...
Bánh cam (phải) và bánh cay được làm từ củ khoai mì qua bàn tay khéo léo của Thùy Trang |
NVVC |
Có hôm Trang đào được củ khoai mì to, thế là cô cùng chị gái lột vỏ, bào mịn phần thịt sau đó thêm gia vị như ớt, tiêu, nước mắm... rồi đem vo viên, chiên lên là được chiếc bánh cay thơm giòn. Ngày khác ra vườn tìm được buồng chuối chín cây, cô giáo tương lai pha bột gạo có sẵn trong nhà rồi khéo léo ép chuối, đem chiên giòn.
Mỗi ngày ở quê trải qua thật nhẹ nhàng, ít áp lực khiến Trang luôn nở nụ cười dù còn nhiều khó khăn đang chờ đợi khi cô quay lại thành phố tìm việc làm.
Bánh chuối chiên, chuối xào dừa được Thùy Trang làm ra từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà |
NVCC |
“Nhà là nơi để về, nơi mà mọi bão giông đều dừng lại sau cánh cửa. Có thể nhà mình không đầy đủ tiện nghi, không có những cuộc vui tưng bừng cùng bè bạn nhưng chắc chắn đó là nơi mỗi người cảm thấy bình yên nhất”, Trang chia sẻ.
Về kế hoạch đón tết, Trang cho biết sẽ cùng người thân tự tay làm những loại bánh kẹo từ các loại trái cây có sẵn ở nhà để có những ngày đầu của năm mới đầy ngọt ngào trước khi trở về thành phố làm việc.
Bình luận (0)