Người dân ra Bến xe Miền Tây về quê trên chuyến xe 0 đồng của TP tổ chức, Công ty Phương Trang tài trợ |
Vũ Phượng |
Hơn 4 tháng sống trong căng thẳng vì dịch Covid-19 tại TP.HCM, ai cũng chờ mong đến ngày nhịp sống quay trở lại như cũ. Từ 1.10, TP nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước mở dần các hoạt động, người lao động cũng dần có công việc trở lại. Đến cuối tháng 10, những chuyến xe 0 đồng đưa bà con về quê vắng khách, nhiều xe trống chỗ vì phân nửa người hủy vé.
Vậy nhưng trong số những người ra bến xe về quê hôm 26.10, trừ người lên thăm thân mắc kẹt vì dịch, vẫn còn một số trong độ tuổi lao động ôm hết tô, chén, thau nhựa khăn gói bỏ Sài Gòn, về quê ở hẳn. TP mở cửa, có công ăn việc làm trở lại nhưng vì sao họ rời đi?
Thanh Niên đã đi tìm câu trả lời cho câu chuyện này.
Sống khác sau đại dịch
Ngày 26.10, chị Võ Thị Kim Huyền (31 tuổi) một mình ôm bụng bầu 34 tuần ra Bến xe Miền Tây lên chuyến xe 0 đồng về Cần Thơ. Khệ nệ bụng bầu đi lại mình ên, chồng ở lại, nhưng chị Huyền thấy hạnh phúc vì đây là điều chị chờ mong ròng rã mấy tháng trời.
Chị Lê Thanh Thảo (39 tuổi), làm công nhân may tại TP.HCM dọn hết đồ đạc, trả phòng trọ để về quê ở gần gia đình |
vũ phượng |
7 năm trước, chị lên Sài Gòn làm công nhân, lập gia đình sinh con gửi về nhờ ông bà nội chăm sóc, vợ chồng quay trở lại với công việc. Vợ chồng chị cùng 2 người cháu khác thuê phòng trọ tại Q.Bình Tân với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Dịch ập đến, cả nhà thất nghiệp, kinh tế kiệt quệ. Ngày 20.8, chị Huyền phải nhập viện vì là F0 – khi ấy chị đang mang thai tháng thứ sáu.
Chị nhớ lại: “Ở ngay khu tâm dịch, xung quanh đều là F0, cũng có người mất vì nhiễm Covid-19, vào đến bệnh viện nhiều bà bầu trở nặng phải thở ô xy, tôi ám ảnh lắm. 4 đêm liền bị ho liên tục, không thể ngủ được vì lo sợ, căng thẳng. Ngay lúc đó tôi đăng ký về quê nhưng không được. Kinh tế sau dịch kiệt quệ, nhà tôi chuyển sang phòng trọ 1,5 triệu đồng/tháng chật chội đến mức chủ nhật ở nhà là phải chia ra 2 người ở trên, 2 người ở dưới. 1.10 vợ chồng tôi cũng đi làm trở lại, nhưng khi được thông báo về quê thì tôi xin nghỉ về luôn, không chần chừ, suy nghĩ gì nữa”.
Bỏ cha mẹ, bỏ con ở quê đi Sài Gòn 5 – 7 năm mong thay đổi cuộc đời mà làm hoài không dư, thôi về để bù đắp lại thời gian qua. Về quê sẽ không tốn tiền nhà trọ, thức ăn rau cháo qua ngày cũng rẻ hơn.
Chị cho biết có thể quyết định nhanh như vậy vì chị đã trải qua những ngày căng thẳng nhất của dịch giã, chứng kiến nhiều sự chia ly, mất mát vì đại dịch. Chị muốn về quê để được bên con gái lớn, chờ ngày sinh con thứ hai. Sau đó ổn định, hai vợ chồng chuyển hẳn về quê để gần cha mẹ già và chăm sóc các con.
Một số người chọn sống khác sau đại dịch |
vũ phượng |
“Bỏ cha mẹ, bỏ con ở quê đi Sài Gòn 5 – 7 năm mong thay đổi cuộc đời mà làm hoài không dư, thôi về để bù đắp lại thời gian qua. Về quê sẽ không tốn tiền nhà trọ, thức ăn rau cháo qua ngày cũng rẻ hơn. Tôi nói chồng ráng ở lại làm vài tháng nữa, kiếm chút vốn để về tôi buôn bán nhỏ, còn thời gian đưa rước con đi học, chồng thì tìm việc làm ở quê, kiểu gì cũng sống được”, chị Huyền bộc bạch.
Bản tin Covid-19 ngày 29.10: Cả nước 4.899 ca nhiễm mới | TP.HCM tăng tốc tiêm vắc xin cho trẻ em |
Vẫn sẽ quay lại kiếm chút vốn
Cũng có mặt trên chuyến xe 0 đồng từ Sài Gòn về Cần Thơ, nhưng chị Nguyễn Thị Kim Thùy (41 tuổi) xác định về đúng 1 tháng để thăm con, sau đó phải quay lại đây tiếp tục công việc 1 – 2 năm nữa, kiếm chút vốn rồi mới về hẳn.
Kiếm chút vốn – nhiều người ly hương làm ăn luôn mong muốn và hy vọng như vậy để thay đổi cuộc đời, không hẳn là giàu lên nhưng sẽ giúp cuộc sống bớt cực nhọc hơn đôi chút.
Ai cũng có lý do của riêng mình trước khi quyết định bỏ Sài Gòn về quê |
vũ phượng |
5 năm trước, chị Thùy để chồng và 2 con ở quê, một mình lên Sài Gòn giúp việc nhà, được chủ bao ăn, ở, sinh hoạt, mỗi tháng chị Thùy nhận được 5 triệu và gửi hết về nhà nuôi con.
Chị tâm sự: “Lúc đó dưới quê tôi không tìm được việc nên chấp nhận xa gia đình đi làm lo cuộc sống. Cả nhà không thể ôm nhau lên hết được vì sẽ phát sinh tiền thuê nhà. Thôi tôi ráng 1 – 2 năm nữa để lấy vốn về quê làm gì đó nho nhỏ. Qua mùa dịch, tôi càng thấm thía không gì hạnh phúc bằng được ở bên người thân yêu, phải về thôi”.
Trong khi đó, chị Lê Thị Kim Cúc (38 tuổi, quê Bến Tre) thì quyết định bỏ Sài Gòn về quê Bến Tre để sống luôn cùng chị dâu và 2 cháu. 4 tháng dịch Covid-19 hoành hành, công việc nhân viên bán hàng của chị Cúc bị tạm ngưng. Một mình ở phòng trọ, chị nhận được 2 đợt tiền trợ cấp.
Dù TP đã dần mở cửa, cuộc sống dần bình thường trở lại nhưng một số người vẫn chọn về quê |
vũ phượng |
Ngay từ 1,10, có việc làm nhưng chị Cúc vẫn quyết định về quê “vì sợ”. Chị nói: “Mùa dịch nên người mắc, người chết, lo sợ lắm. Lỡ mình có chuyện gì thì sao, tiêm vắc xin rồi nhưng vẫn sợ. Thôi về quê còn có chị dâu và các cháu, nhỡ có gì còn có người thân mình ở bên. Do vậy khi thấy thông báo về quê tôi ra đăng ký liền luôn, không phải đắn đo suy nghĩ gì hết, quyết định từ bỏ tất cả ở Sài Gòn”.
Sau hơn 2 giờ ngồi xe, đặt chân xuống lại đất Bến Tre, chị Cúc tranh thủ hít hà một hơi dài vào lồng ngực rồi thở phào: “Thật dễ chịu”.
Chị hạnh phúc kể: “Về quê trong lành, mát mẻ, đầu óc không phải suy nghĩ gì hết thoải mái lắm. Cách ly xong tôi sẽ đi tìm việc làm phù hợp với sức của mình. Còn khỏe mạnh để về quê và ở bên những người thân yêu của mình là điều tuyệt vời nhất rồi”.
Bình luận (0)