Rời Trung Quốc, Apple chọn Việt Nam hay Ấn Độ?

29/01/2019 07:44 GMT+7

Thông tin Apple có thể đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc đang dấy lên đồn đoán VN sẽ đón vốn đầu tư từ công ty lớn nhất thế giới này trong xu thế dịch chuyển đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

iPhone tìm kế “thoát Trung”

Trong khi các hãng khác đã có vị thế tại thị trường này bằng chiến lược về giá thì iPhone bao nhiêu năm qua vẫn chưa “được lòng” người tiêu dùng Ấn Độ lắm. Tôi vẫn cho rằng, chọn VN, iPhone có nhiều lợi thế hơn so với Ấn Độ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Đại học Bách khoa TP.HCM
Một số trang tin quốc tế gần đây liên tục đưa tin Hãng Apple có kế hoạch dời nhà máy từ Trung Quốc sang Ấn Độ hay VN để tránh “bão” từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, Apple cũng đang đối diện mối quan hệ “cơm không lành canh không ngọt” với hãng công nghệ đồng hương Qualcomm tại thị trường tỉ dân này. Tháng 12.2018, sau khi thắng Apple trong một vụ kiện về bản quyền tại Trung Quốc, Qualcomm lại tiếp tục yêu cầu tòa án ở Trung Quốc cấm bán các dòng điện thoại iPhone XS, XS Max và XR. Trước đó, tòa án Trung Quốc cũng đã ra phán quyết cấm nhập khẩu 7 model iPhone vào Trung Quốc. Theo số liệu phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường Canalys, tính đến hết tháng 11.2018, Apple xếp vị trí thứ 5 tại thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc sau Huawei, Vivo, Oppo, Xiaomi.
Tạp chí Bloommberg bình luận: “Apple dường như đang ở trong tình huống khó khăn nhất” và đây được xem là mối đe đọa hết sức nghiêm trọng cho “nhà táo”. Thực tế, một số dây chuyền lắp ráp của chiếc iPhone đã được dời khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ trong thời gian qua. Từ đầu năm nay, một số bộ phận lắp ráp iPhone được Hãng Foxconn của Đài Loan và Apple của Mỹ chuyển sang bang Tamil Nadu thuộc miền nam Ấn Độ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Đại học Bách khoa TP.HCM, có nhiều năm nghiên cứu tại Thâm Quyến (Trung Quốc), Apple phụ thuộc cả trăm nhà cung cấp, tập trung ở Thâm Quyến nên không thể nói chuyển là chuyển ngay được. Một vài công đoạn của Foxconn đã được chuyển đến Ấn Độ trong thời gian qua mới là cái “rẻo” trong dây chuyền sản xuất vĩ đại của chiếc iPhone. Cho đến nay, Apple cũng chỉ mới lắp ráp các mẫu iPhone SE và 6S tại thị trường này. "Tuy nhiên, trong bối cảnh người Trung Quốc đang có xu hướng quay lưng với chiếc điện thoại iPhone vì lòng tự tôn dân tộc và cả tính năng tiện lợi, giá rẻ của chiếc điện thoại nội địa mang lại, iPhone không sớm thì muộn nên chọn con đường “thoát” thị trường Trung Quốc, tìm kiếm thị trường mới càng sớm càng tốt”, vị này nhận định.
Thị trường đông dân nhất thế giới lại đang bị sụt giảm mạnh về doanh thu, trong thư gửi cổ đông mới đây, lãnh đạo Apple cho rằng, họ đang hy vọng vào các thị trường Mexico, Ba Lan, Malaysia và VN. Tuy nhiên, việc chọn quốc gia khác để di dời nhà máy lắp ráp iPhone từ Trung Quốc, nhiều dự đoán lại đặt Ấn Độ và VN lên bàn cân và chính nhà lắp ráp Foxconn cũng đã không ít lần đề cập đến.

VN có nhiều lợi thế hơn ?

Người Việt vốn nổi tiếng trong độ ưa thích chiếc iPhone mỗi khi hãng này có dòng sản phẩm mới. Câu chuyện nhiều người Việt sang tận Singapore để xếp hàng mua iPhone đời mới đã được đưa lên truyền thông quốc tế và không ít lần quảng cáo hiệu quả cho “nhà táo”. Tuy nhiên, do giá thành không mềm, thị phần của iPhone tại VN cũng chỉ đạt trên dưới 5%. Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa phân tích, so với Ấn Độ, VN không có nhiều lợi thế để iPhone chọn mở rộng thị trường, bởi chiếc iPhone có làm tại VN hay Ấn Độ, người Việt vẫn có nhu cầu mua chiếc iPhone khi có cơ hội hoặc chỉ vì thích. Ông nói: “Hiện tại thị trường Ấn, chiếc iPhone vẫn còn là sản phẩm xa xỉ bởi giá thành quá cao so với các loại điện thoại cấp thấp mà thị trường này đang chấp nhận và tiêu thụ. Nếu tìm một thị trường mới để mở rộng tăng trưởng, nhà đầu tư sẽ chọn Ấn Độ bởi tiềm năng khai thác cao hơn VN. Biết đâu xuất xứ “made in India” sẽ hấp dẫn người tiêu dùng Ấn tăng mua hơn”.
Ông Đỗ Hòa cho rằng, với VN, chỉ có một lợi thế duy nhất có thể đưa ra mặc cả là hấp lực của thị trường, giá nhân công, chính sách ưu đãi để nhà đầu tư có thể giảm giá thành sản xuất. Tuy nhiên, hiện công nghiệp phụ trợ của VN vẫn chưa phát triển lại là rào cản lớn trong việc giúp nhà đầu tư giảm giá thành sản xuất xuống tối thiểu, bởi hầu như mọi nguyên phụ kiện làm chiếc iPhone đều phải nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn lại cho rằng Ấn Độ chưa hẳn lợi thế hơn VN trong cuộc đua mời gọi Apple. Bởi Apple muốn thành công tại Ấn Độ, thì cần một sản phẩm rẻ tiền hơn do thuế nhập khẩu iPhone vào thị trường này tăng từ 15% lên 20% vào cuối năm 2017. Chính sách bảo hộ sản phẩm điện tử “made in India” của Ấn Độ sẽ không tạo nhiều cơ hội cho hãng điện tử nước ngoài vào thị trường này hiện nay. “Trong khi các hãng khác đã có vị thế tại thị trường này bằng chiến lược về giá thì iPhone bao nhiêu năm qua vẫn chưa “được lòng” người tiêu dùng Ấn Độ lắm. Tôi vẫn cho rằng, chọn VN, iPhone có nhiều lợi thế hơn so với Ấn Độ”, chuyên gia này phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.