Mô hình quy hoạch này được Bộ Xây dựng đặt phía Trung Quốc làm từ khoảng nửa năm trước đó, mô phỏng “Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Xây dựng chủ trì (thuê tư vấn Hàn Quốc), có nêu việc quy hoạch “Trung tâm Hành chính Quốc gia đặt tại Ba Vì” và quy hoạch “Trục Thăng Long”, gồm 14 mô hình lớn nhỏ (có nhiều mô hình lớn, diện tích mỗi cái từ 400 - 600m2) làm bằng các chất liệu đồng, gỗ, nhựa mica. Trong đó có một khối bằng đồng mô tả kiến trúc Hà Nội cổ, một khối về kiến trúc nội đô Hà Nội hôm nay và tương lai gần...
Bộ Xây dựng cho biết, tiền làm mô hình là tiền tài trợ của nước ngoài, trong đó Công ty POSCO (liên doanh với Hàn Quốc) tài trợ 2,8 triệu USD và Công ty Tinh Vũ (Thượng Hải, Trung Quốc) tài trợ 350.000 USD.
Điều đáng nói, Bộ Xây dựng đã đặt làm mô hình này khi “Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang có những ý kiến tranh cãi trái chiều nhau.
“Trong khi các ý kiến về đồ án quy hoạch chung này đang nằm trong quá trình xem xét và phản biện, Chính phủ chưa phê duyệt thì việc khuếch trương làm mô hình quy hoạch của Bộ Xây dựng chẳng khác gì là sự thách thức đối với dư luận và những nhà chuyên môn” - TS Nguyễn Xuân Diện (Viện Khoa học xã hội VN) |
Tiếp xúc với Thanh Niên sáng 22.8, ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định trong mô hình quy hoạch sẽ được lắp đặt, chỉnh sửa tại Cung triển lãm Quy hoạch quốc gia ở Mỹ Đình, Bộ Xây dựng đã bỏ phần định hướng “Quy hoạch xây dựng Trung tâm Hành chính quốc gia tại Ba Vì” nhưng vẫn còn phần định hướng “Quy hoạch xây dựng trục Thăng Long” (bây giờ gọi là Trục Hồ Tây - Ba Vì).
TS Nguyễn Xuân Diện (Viện Khoa học xã hội VN) cho rằng: “Trong khi các ý kiến về Đồ án quy hoạch chung này đang nằm trong quá trình xem xét và phản biện, Chính phủ chưa phê duyệt thì việc khuếch trương làm mô hình quy hoạch của Bộ Xây dựng chẳng khác gì là sự thách thức đối với dư luận và những nhà chuyên môn”.
Cũng với tâm trạng khá bức xúc, kiến trúc sư (KTS) Ngô Doãn Đức, Phó chủ tịch Hội KTS VN, ủng hộ quan điểm không đưa Trung tâm Hành chính quốc gia lên Ba Vì và không xây dựng Trục Hồ Tây - Ba Vì của UBND TP Hà Nội, và cho rằng hiện nay Bộ Xây dựng vẫn đang đi theo một “kênh riêng”, quyết tâm thực hiện quy hoạch này. “Trong khi Hội KTS VN vừa nhận được công văn và sẽ có phiên họp báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô đang có nhiều ý kiến khác nhau này thì Bộ Xây dựng đã triển khai mô hình quy hoạch rồi. Và trong bản vẽ gửi Hội KTS VN, Bộ Xây dựng vẫn bảo lưu vẽ quy hoạch Trục Thăng Long”, KTS Ngô Doãn Đức nói.
KTS Đức cũng nhắc tới việc trong cuộc họp báo triển lãm quy hoạch chung cách đây vài tháng tại Vân Hồ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn có quan điểm bảo vệ việc xây Trung tâm Hành chính quốc gia tại Ba Vì và xây dựng trục Thăng Long, trong khi Quốc hội chưa có ý kiến và Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt đồ án quy hoạch này. Sau triển lãm đó, giá đất ở quanh trục Thăng Long đã lên cao tới mức không tưởng tượng nổi trong cơn sốt đất ở Hà Nội. “Từ những việc này, cho thấy Bộ Xây dựng có vấn đề trong việc xây dựng đồ án quy hoạch chung thủ đô để báo cáo Chính phủ khi đáng lẽ ra phải trưng cầu ý kiến các nhà khoa học, nhà chuyên môn, trưng cầu ý kiến của đại đa số nhân dân về vấn đề to lớn này. Làm mô hình quy hoạch tốn 60 tỉ đồng là một cách tiêu xài phí tiền dẫu tiền đó là tiền nước ngoài cho”, ông Đức phân tích.
2 tháng, 2 quan điểm ngược nhau Những kiến nghị về việc không di dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì cũng như không cần thiết xây dựng trục Thăng Long, trong văn bản Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký gửi Thủ tướng ngày 17.8 (Thanh Niên đã đưa tin) khiến những người theo dõi quá trình hình thành đồ án này lấy làm hồ nghi về sự ổn định, khả thi của quy hoạch Hà Nội - bản đồ án đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Trong phát biểu thảo luận tại Quốc hội hôm 15.6, ông Nguyễn Thế Thảo tuy khẳng định: “Không có một chủ trương, một sự chỉ đạo nào về việc dời đô như một số ý kiến đã nêu”, nhưng lại cho rằng, “việc quỹ đất ở trên Ba Vì sau khi xem xét quy hoạch thấy có thể quy hoạch thành đất đầu tư những trung tâm công cộng rất tốt, cho nên ý tưởng đề xuất của tư vấn và kể cả có ý kiến đồng ý thống nhất phản biện lấy đây là đất dự trữ để có thể sau này chúng ta xây dựng các cơ quan công cộng, trong đó có cơ quan hành chính của quốc gia”. Với trục Thăng Long, ông Thảo nhấn mạnh: “Hà Nội chúng ta hiện có 7 trục, nhưng hiện nay để tạo nên một trục không gian kiến trúc có những điểm nhấn và nổi bật của quy hoạch và của kiến trúc thì chúng ta chưa có. Đây chính là điều kiện và cơ hội để chúng ta tạo ra được quỹ đất để thực hiện trục này. Trên cơ sở đó, dự kiến kể cả những công trình như tượng đài Độc lập”. Nhưng ngày 17.8 vừa qua, cũng chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký văn bản (số 6496 - về góp ý cho đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050) kiến nghị với Thủ tướng và Bộ Xây dựng: không xây dựng trục Thăng Long từ Hồ Tây lên Ba Vì trên cơ sở không di dời trung tâm hành chính lên địa danh trên sau năm 2050. Trong văn bản này, ngoài việc khẳng định trung tâm chính trị - hành chính quốc gia luôn là chủ thể thống nhất không tách rời, khu vực Ba Đình vẫn sẽ là trung tâm chính trị - hành chính trong tương lai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận xét: “Về mặt không gian, Ba Vì không đủ các điều kiện thuận lợi về khí hậu, lịch sử, truyền thống, thể chế chính trị, khả năng tiếp cận với các loại hình giao thông; khả năng kết nối với các vùng xung quanh, khả năng gắn với một đô thị hành chính, chưa nói tới việc ảnh hưởng tới vùng sinh thái tự nhiên đặc biệt của quốc gia và Hà Nội. Hơn nữa, việc nghiên cứu xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì (kể cả chỉ xây dựng một số trụ sở của bộ, cơ quan ngang bộ và trực thuộc Chính phủ) sẽ phải đầu tư mới toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật để có thể đảm bảo mối liên hệ với Trung tâm Ba Đình và các vùng trong cả nước, sẽ không phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước”. Từ nhận định trên, UBND TP Hà Nội kiến nghị: “Không nên đặt vấn đề trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, quỹ đất đai tại khu vực này cần phải quản lý chặt chẽ gắn với không gian, bảo vệ cảnh quan Ba Vì”. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho rằng: trục Thăng Long không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế - chính trị - xã hội. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, lãnh đạo TP Hà Nội đưa ra 2 quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau đều về một nội dung là quy hoạch khu hành chính, trụ sở hành chính và việc xây dựng trục Thăng Long liên quan tới đồ án quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Chưa bàn đến ý nghĩa của các quyết định trên, tính đúng-sai nhưng đứng ở góc độ người làm quản lý thì có vẻ quan điểm “tiền hậu bất nhất” trong cùng một vấn đề nói trên của Hà Nội khiến cho không ít người hồ nghi tính ổn định lâu dài của đồ án quy hoạch thủ đô thời gian tới. Nguyệt Minh |
Việt Chiến
Bình luận (0)