Rối với tên gọi chương trình đào tạo đại học

16/05/2023 07:27 GMT+7

Rất nhiều tên gọi chương trình đang được các trường ĐH sử dụng để tuyển sinh và đào tạo. Thực tế nhiều thí sinh và phụ huynh chưa hiểu rõ sự khác nhau giữa các chương trình này để có thể lựa chọn phù hợp và chính xác.

Chương trình đại trà, chương trình chuẩn, chương trình chất lượng cao (CLC), chương trình đào tạo (CTĐT) nước ngoài, chương trình liên kết quốc tế, chương trình quốc tế CLC, chương trình cử nhân tài năng… là tên gọi của các chương trình đang được các trường ĐH tuyển sinh và đào tạo.

Rối với tên gọi chương trình đào tạo đại học  - Ảnh 1.

Sinh viên chương trình chất lượng cao của một trường ĐH tại TP.HCM

V.N

TỪ ĐẠI TRÀ ĐẾN ĐỦ LOẠI CHẤT LƯỢNG CAO

Hiện nay, tại các trường ĐH tồn tại rất nhiều CTĐT khác nhau. Chẳng hạn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có chương trình đại trà, chương trình CLC, chương trình liên kết quốc tế, chương trình quốc tế CLC. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có chương trình ĐH chính quy CLC, chương trình ĐH chính quy quốc tế cấp song bằng và chương trình ĐH chính quy chuẩn.

Trường ĐH Tài chính - Marketing có chương trình chuẩn, chương trình đặc thù, chương trình CLC tiếng Anh toàn phần, chương trình CLC. Tuy nhiên đến năm 2023 trường không gọi là chương trình CLC nữa mà đổi thành chương trình tích hợp.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có chương trình CLC tiếng Việt, CLC tiếng Anh; Trường Kinh tế - Luật TP.HCM cũng có chương trình CLC, CLC bằng tiếng Anh, CLC tăng cường tiếng Pháp, CLC bằng tiếng Anh tích hợp chứng chỉ quốc tế (ngành kế toán); Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có thêm chương trình tiên tiến tiếng Anh, chương trình CLC tiếng Anh; ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có chương trình CLC, chương trình tiên tiến, chương trình liên kết Việt - Pháp; ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng có chương trình tiên tiến, chương trình CLC định hướng Nhật Bản; ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ngoài chương trình đại trà cũng có CLC…

Không nên gọi là "đào tạo đại trà"

PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học VN, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, nhìn nhận: "Đại trà có nghĩa là phổ biến, rộng khắp. Để phân biệt với các CTĐT khác thì Bộ GD-ĐT nên thay từ chương trình đại trà bằng chương trình chuẩn. Chuẩn là chung cho tất cả số đông các em đang theo học hiện nay".

Tương tự, theo PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, một số chương trình có nội hàm tương tự nhau thì nên thống nhất thành một tên gọi chung để tránh rối cho thí sinh và phụ huynh. Chẳng hạn chương trình đặc biệt của một số trường có mục tiêu và cách đào tạo giống chương trình CLC thì chỉ nên gọi là CLC theo quy định của Bộ GD-ĐT…

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lại có chương trình cử nhân tài năng cho các ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing, tài chính ngân hàng, kế toán và chương trình kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế. Trường ĐH Văn Lang có CTĐT đặc biệt với mục tiêu tăng cường năng lực ngoại ngữ, trải nghiệm, chú trọng đào tạo tư duy và khả năng thích ứng...

Trường ĐH Ngoại thương ngoài chương trình CLC và tiên tiến, còn có chương trình logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, chương trình kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, chương trình kế toán - kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, chương trình CLC luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp…

Rối với tên gọi chương trình đào tạo đại học
 - Ảnh 3.

Mức học phí khác nhau là một trong những điểm phân biệt giữa các chương trình đào tạo

ĐÀO NGỌC THẠCH

ĐIỀU KIỆN HỌC TẬP, HỌC PHÍ, CHUẨN ĐẦU RA KHÁC NHAU

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trường tuyển sinh và đào tạo nhiều chương trình nhằm giúp cho các thí sinh có thêm lựa chọn phù hợp với mỗi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.

Về đầu vào, tiến sĩ Nhân cho rằng điểm chuẩn của chương trình CLC phụ thuộc vào chỉ tiêu và số lượng thí sinh nộp hồ sơ. Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chỉ tiêu dành cho chương trình này thường là 20%.

Quy định đặt tên các chương trình của Bộ GD-ĐT

Theo Bộ GD-ĐT, chương trình đại trà là nhằm đào tạo trình độ ĐH đang được thực hiện hợp pháp tại cơ sở đào tạo, có mức trần học phí theo quy định hiện hành của Chính phủ (đối với cơ sở đào tạo công lập).

CTĐT nước ngoài là chương trình đang được áp dụng ở một trường ĐH trong khu vực hoặc trên thế giới đã được công nhận đạt chất lượng bởi tổ chức kiểm định chất lượng có uy tín hoặc được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép thực hiện và cấp văn bằng, được tham khảo để xây dựng và phát triển CTĐT CLC của cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, Nghị định 86 còn đề cập tới chương trình giáo dục tích hợp, là chương trình của VN được tích hợp với chương trình giáo dục của nước ngoài bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục VN; chương trình liên kết đào tạo là hợp tác giữa cơ sở giáo dục ĐH VN và nước ngoài nhằm thực hiện CTĐT để cấp văn bằng hay chứng chỉ.

Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, chương trình đại trà được gọi là "chương trình chuẩn". "Với chương trình tích hợp, khối lượng kiến thức học bằng tiếng Anh chiếm 20 - 40% đồng thời tích hợp với các chương trình đào tạo tiên tiến khác. Nếu học phí chương trình chuẩn là 25 triệu đồng/năm thì chương trình CLC là 40 triệu đồng/năm…", thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, chia sẻ.

Tương tự, sinh viên chương trình CLC Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng được học tiếng Anh tăng cường và các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, được học nhiều chuyên đề kỹ năng mềm, lớp học chỉ 40 sinh viên, giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài… Tuy nhiên sinh viên phải đóng mức học phí là 35 - 36 triệu đồng/năm, trong khi chương trình chính quy chuẩn là 14 - 15 triệu đồng/năm.

Tại Trường ĐH Ngoại thương, chương trình tiên tiến thông tin là chương trình nhập khẩu từ trường đối tác nước ngoài, được giảng dạy bằng tiếng Anh trong khi chương trình CLC là được thiết kế tiệm cận chương trình tiên tiến, ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh. Học phí dự kiến năm học 2023 - 2024 với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm, chương trình CLC là 45 triệu đồng/năm và chương trình tiên tiến là 70 triệu đồng/năm.

Chương trình cử nhân tài năng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh và theo thông tin của trường là được công nhận bởi FIBAA (chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của Thụy Sĩ) và CPA Úc khẳng định chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ý KIẾN

Có quyền đặt tên nhưng không nên mơ hồ, gây ảo tưởng hoặc nhầm lẫn

Giáo dục ĐH hiện nay là một thị trường nên nếu không cấm thì các trường toàn quyền được đặt tên gọi cho các CTĐT. Và nhìn một cách tích cực thì đó là việc đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người học - khách hàng. Quan trọng là thông tin cần minh bạch rõ ràng không nên mơ hồ, gây ảo tưởng hoặc nhầm lẫn. Bên cạnh đó, làm sao để chất lượng đào tạo tương xứng với tên gọi và với học phí mà người học đã đóng vào.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Dễ được làm việc ở công ty nước ngoài

Học chương trình CLC em thấy có hơn về cơ sở vật chất, chương trình học thì toàn bộ bằng tiếng Anh trong khi các lớp đại trà thì chỉ có học bằng tiếng Việt. Chính vì thế, tụi em chưa tốt nghiệp đa số đã được nhận vào công ty nước ngoài và mức thu nhập cũng tương đối cao.

Nguyễn Duy Kiên (cựu sinh viên chương trình CLC ngành cơ điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Như vậy có thể thấy điểm khác biệt lớn nhất giữa chương trình chuẩn và các chương trình CLC, tiên tiến, tích hợp, đặc biệt… tại các trường ĐH, là sinh viên phải đóng mức học phí cao hơn, được học bằng tiếng Anh (30%, 50% hoặc 100% chương trình tùy từng trường) và chuẩn đầu ra tiếng Anh cũng như kỹ năng mềm cao hơn. Với mức học phí đó, sinh viên được học lớp học sĩ số từ 40 - 50, được trang bị phòng ốc hiện đại, có máy lạnh, giảng viên là những người có trình độ được tuyển chọn gắt gao hơn…

Lý giải thêm về việc các trường ĐH tuyển sinh và đào tạo nhiều chương trình, tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho hay: "Trước đây chỉ có chương trình chính quy đại trà, các trường không có điều kiện cung cấp các giá trị tăng thêm cho những người có khả năng chi trả để được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt hơn. Hiện nay thí sinh ngày càng có nhiều lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình. Với sự tồn tại của nhiều CTĐT, các trường ĐH có thể dung hòa các nhu cầu khác nhau mà vẫn đảm bảo số đông thí sinh có cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.