Rolls-Royce đổi chủ mới có thoát 'dớp' xui xẻo cho đại gia Việt?

24/11/2021 12:03 GMT+7

Những chủ nhân từng mua xe Rolls-Royce tại Việt Nam hầu hết đều bị "dớp" dính tới những rủi ro kinh hoàng nhất đời họ.

Trong suốt 7 năm qua, Rolls-Royce Motor Cars tại Việt Nam đã hoạt động không hiệu quả về mặt kinh doanh. Vì vậy, thương hiệu này đã ngừng hoạt động đại lý Rolls-Royce Motor Cars Hanoi từ ngày 13.10.2020.

Không ít chủ xe Rolls-Royce tại Việt Nam gặp vận hạn sau khi mua xe

Hiện nay, thương hiệu xe siêu sang này đã có nhà phân phối mới. Tuy nhiên, đối với giới siêu giàu và những người làm ăn kinh doanh lớn, xe Rolls-Royce từng gắn với nhiều "tai tiếng" cũng như rủi ro cho những người Việt Nam từng sở hữu.

Những chiếc Rolls - Royce 'xấu số' của những ông chủ Việt

Tiến vào thị trường Việt Nam từ những năm 2014, với mức giá "khủng" từ 31,4 - 54,3 tỉ đồng, Rolls - Royce thực sự đã trở thành biểu tượng quyền lực của giới nhà giàu. Để thể hiện đẳng cấp, rất nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi hàng triệu USD để tậu xe Rolls-Royce. Tuy nhiên, không ít người vướng vòng lao lý, làm ăn chật vật từ khi mua xe.

Nổi bật nhất là vận đen đến với chủ nhân chiếc Rolls-Royce mang biển “siêu khủng” 77L-7777 - bà Dương Thị Bạch Diệp là một ví dụ. Để có chiếc Rolls-Royce Phantom này, bà Diệp đã phải bỏ ra 2,3 triệu USD, trong đó giá tiền đặt mua xe gần 1 triệu USD, còn 1,3 triệu USD là tiền thuế, phí các loại.

Chiếc Rolls-Royce Phantom biển số khủng của bà Dương Thị Bạch Diệp

Tháng 10.2020, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Nguyễn Thành Tài cùng 8 đồng phạm khác tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Mới đây, Hội đồng xét xử cũng đã chính thức tuyên phạt bà Dương Thị Bạch Diệp mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một nữ đại gia khác là bà Phạm Thị Diệu Hiền ở Cần Thơ cũng khiến báo giới tốn không ít giấy mực khi sở hữu chiếc Phantom mang biển tứ quý 3 khủng. Chiếc xe siêu sang của bà Diệu Hiền có trị giá khoảng 25 tỉ đồng ở thời điểm đó. Bà từng nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco).

Lỡ dính vào Rolls-Royce Phantom khiến bà Diệu Hiền cũng rơi vào cảnh “long đong” khi từng bị nông dân vây nhà đòi tiền cá và phải sang Mỹ để chữa bệnh, để lại phía sau món nợ hàng trăm tỉ đồng.

Một ví dụ còn đen đủi hơn là Dũng "mặt sắt" - một ông trùm nổi danh giang hồ ở Quảng Ninh. Trước khi bị bắt, Dũng "mặt sắt" mua một chiếc Rolls-Royce Ghost có kính chống đạn, cùng 3-4 cận vệ bên người. Năm 2013, Cảnh sát đã bắt giữ vợ của Dũng “mặt sắt” là Bùi Thị Phương và thu giữ chiếc Rolls-Royce Ghost chống đạn này.

Đại gia quê Hà Tĩnh là ông Trần Văn Thạch, chủ một doanh nghiệp lớn kinh doanh gỗ tại huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cũng từng gây xôn xao dư luận trong cả nước khi sở hữu chiếc Rolls-Royce Phantom mang biển khá đẹp 38A - 028.88, trị giá 40 tỉ đồng.

Rolls-Royce Phantom Rồng gây tai nạn nghiêm trọng của đại gia Hà Tĩnh

Tuy nhiên, chiều ngày 20.8.2013, chiếc Rolls-Royce Phantom Rồng này đã gây tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người đi xe máy tử vong.

Năm 2018, sau những lùm xùm liên quan tới lụa "made in China" được phanh phui, chuỗi cửa hàng của Khải "Silk" đã lần lượt bị đóng cửa. Ông Hoàng Khải phải rời bỏ vị trí người đại diện pháp luật của chuỗi này. Lâu đài TajmaSago và nhà hàng Cham Charm cũng đã đổi chủ sở hữu. Tháng 8.2018, một showroom tư nhân đã chào bán chiếc Rolls-Royce Phantom của ông Khải với giá hơn 9 tỉ đồng.

Ông chủ Khải Silk gặp hạn, phải rao bán xe Rolls-Royce Phantom

Một đại gia khác cũng gặp “vận hạn” khi sử dụng xe siêu sang Rolls-Royce là ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ. Sở hữu Rolls - Royce hàng triệu USD cùng khối tài sản vài ngàn tỉ đồng, nhưng trong suốt nhiều năm qua ông Vũ đã bị vướng vào vụ li hôn tốn nhiều giấy mực, tiền của với vợ cũ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, cùng những tranh chấp về tài sản, quyền sở hữu tại Trung Nguyên.

Ông chủ cà phê Trung Nguyên từng rao bán chiếc Rolls-Royce Wraith với ngoại thất trắng muốt của mình tại một showroom siêu xe ở TP.HCM. Rõ ràng, ai cũng hiểu rằng, ông chủ thương hiệu cà phê này không cần tiền đến mức phải bán xe.

Ngoài vấn đề "phong thủy", Rolls-Royce chính hãng gặp khó tại Việt Nam vì giá bán

Việc thay đổi chính sách thuế ô tô tại Việt Nam, đặc biệt là thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 7.2016, khiến Rolls-Royce gặp không ít khó khăn tại Việt Nam khi phân phối những dòng xe có dung tích động cơ lớn.

Giá bán mỗi chiếc Rolls-Royce tăng từ 13 - 30 tỉ đồng do việc thay đổi thuế khiến các dòng xe này càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, việc các đại lý tư nhân, không chính hãng nhập khẩu, phân phối Rolls-Royce “lướt” cũng phần nào tạo áp lực cạnh tranh đối với nhà phân phối chính hãng.

Nhiều người chọn mua xe Rolls-Royce không chính hãng từ DN tư nhân có mức giá dễ chịu hơn

Nhà phân phối mới của Rolls-Royce tại Việt Nam chọn một địa điểm tại trung tâm quận 1 - TP.HCM làm showroom trưng bày xe. Điều này có thể tiêu tốn không ít chi phí vận hành của doanh nghiệp, tất nhiên chi phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên giá xe phân phối đến tay khách hàng. Rõ ràng, việc mua một chiếc xe Rolls-Royce thông qua đặt hàng tư nhân sẽ có lợi hơn nhiều về mặt kinh tế.

Số tiền mua xe Rolls-Royce, khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn khác kinh tế hơn nhiều nhưng vẫn đủ thể hiện "đẳng cấp" thuộc các thương hiệu như Mercedes-Maybach, Bentley. Trong khi đó vẫn còn dư tiền để mua thêm siêu xe Lamborghini hay Ferrari. Nếu buộc phải mua Rolls-Royce, các lựa chọn xe cũ, chạy lướt vẫn tốt hơn nhiều so với việc mua xe mới có giá cao hơn hàng chục tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.