Duyên phận
|
Chuyện bắt đầu như một duyên phận khi nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ tình cờ ghé thăm CLB đờn ca tài tử Khoảng trời phương Nam của NSƯT Triệu Trung Kiên (Phó trưởng đoàn 1 Nhà hát Cải lương VN), rồi ông mê luôn loại hình nghệ thuật của đất Nam bộ. Ông tiết lộ với Trung Kiên rằng đã ấp ủ một tác phẩm kịch thơ, không biết có chuyển thể thành cải lương được không, vì xem ra tác phẩm này rất hợp với chất tự sự ngọt ngào của cải lương.
Trung Kiên đồng ý ngay, bởi anh cũng từng ấn tượng mạnh mẽ với chợ tình Mèo Vạc, nơi những người đàn ông, những người phụ nữ đến đây một mình, mắt buồn thăm thẳm, ngồi lặng ở một góc đá nhớ về người yêu đã mất. Chợ tình không chỉ có niềm vui và sum họp. Chợ tình còn có những câu chuyện buồn không kém câu chuyện huyền thoại về nàng Út và chàng Ba mà tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã kể lại. Thế là Triệu Trung Kiên chuyển thể và dàn dựng thành vở cải lương Chuyện tình Khâu Vai. 4 đêm diễn ở Hà Nội không còn một ghế trống, sau đó lưu diễn ở Nghệ An, Hà Giang, được hoan nghênh rất nhiều. Và bây giờ là chuyến lưu diễn ở TP.HCM, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp.
|
Một câu chuyện buồn
Trên sân khấu, khán giả gặp lại nghệ sĩ Quang Khải trong vai chàng Ba người Nùng, nhà nghèo nhưng tài hoa, dũng cảm, đã yêu nàng Út (Như Quỳnh) con của tộc trưởng người Giáy uy quyền. Dĩ nhiên mối tình đó bị ngăn cấm, vì tục lệ khác tộc không được lấy nhau, mà cũng vì không môn đăng hộ đối. Hai người đã dắt nhau bỏ trốn lên đỉnh Khâu Vai hun hút không ai tìm thấy được.
Nhưng hạnh phúc chưa được bao ngày thì hay tin bộ tộc hai bên vì mối tình này mà xô xát đến đẫm máu, thế là họ đành chia tay trở về làng bản. Vì chữ hiếu, nàng Út lấy Cố Sầu, cận vệ của cha mình, còn chàng Ba cũng cưới vợ để mẹ có cháu nối dõi tông đường. Nhưng đến ngày hẹn năm xưa, hai người đã băng rừng lội suối trở lại Khâu Vai để gặp mặt nhau, thỏa lòng mong nhớ. Rồi nàng Út đã chọn con đường quyên sinh để giữ cho gia đình chàng Ba trọn vẹn hạnh phúc. Chàng Ba mỗi năm lại lần bước lên Khâu Vai thăm thẳm tìm người xưa trong gió núi mây ngàn. Hình ảnh ông lão u buồn đã tạc lên Khâu Vai vết khắc văn hóa, để sau này Khâu Vai có một chợ tình mà mỗi năm người ta tìm về với chút hoài niệm yêu thương, không còn nặng nề tâm sự nữa.
Hai gương mặt Như Quỳnh và Minh Hải được khán giả ái mộ vô cùng trong các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ. Lần này Minh Hải đóng vai phản diện, ngụy âm thật giỏi, từ giọng của kép đẹp sang giọng của kẻ ác, không đơn giản chút nào. Còn Như Quỳnh hát hay, ngoại hình đẹp, đúng là một cô đào đang độ chín. Quang Khải có chất giọng trầm ấm nghe rất dễ chịu. Hầu như tất cả diễn viên trong đoàn đều ca diễn chuẩn mực, ngay cả những màn hài hước cũng vừa phải, nhất là trang trí hoành tráng, mơ mộng, khiến khán giả miền Nam thú vị. Thật sự, cải lương phía bắc vẫn có những tri âm ngay tại mảnh đất Nam bộ.
Hoàng Kim
>> “Đuổi” sân khấu ra ngoại thành ?
>> Sân khấu kịch Phú Nhuận đào tạo diễn viên trẻ
>> Kịch IDECAF khai phá sân khấu Đà Nẵng
>> K-Pop khuấy động sân khấu Việt
Bình luận (0)