Năm nay, lễ Sene Dolta đồng bào Khmer diễn ra trong 3 ngày (từ 13 - 15.10). Theo tiếng Khmer, từ "Sene" có nghĩa là cúng, từ "Dol" là bà và từ "Ta" có nghĩa là ông. Lễ Sene Dolta của đồng bào dân tộc Khmer có ý nghĩa như lễ Vu lan báo hiếu, thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà tổ tiên đã khuất.
Trong 3 ngày lễ, ngoài cúng ở nhà, mọi nghi thức quan trọng đều diễn ra tại chùa. Dưới mái chùa chung của cả phum, sóc, mọi người đều hướng lòng thành kính về đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và đặt hy vọng vào những điều tốt đẹp.
Tại các chùa Khmer Nam tông ở Sóc Trăng (tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống), không khí lễ hội nhộn nhịp, tưng bừng. Ngôi chùa Bôtum Vong Sa Som Rong (P.5, TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng) cũng như nhiều ngôi chùa khác của đồng bào Khmer đều được trang hoàng lộng lẫy với cờ, hoa và thanh âm rộn rã của dàn nhạc ngũ âm truyền thống. Hàng trăm người cũng đem cơm lên cúng tập thể tại chùa làm không khí thêm rộn ràng.
Tại các gia đình đồng bào Khmer, nhà cửa, bàn thờ tổ tiên được dọn dẹp sạch sẽ, nhiều món ăn truyền thống được chuẩn bị để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Từ người già, trẻ nhỏ đều xúng xính quần áo mới để đến các ngôi chùa vui trong những ngày lễ hội.
Bà Nguyễn Thị Lệ (47 tuổi, ngụ TP.Sóc Trăng) cho biết, như mọi năm cứ đến lễ là gia đình bà xúm nhau dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ sạch sẽ. Ngày đầu lễ, sẽ dọn mâm cơm, bánh trái, đốt nhang, đèn, khấn vái mời linh hồn ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu. Ngày thứ hai, chuẩn bị cơm cùng bánh, trái ngon nhất cho vào cà mên để mang vào chùa để tổ chức cúng chính hay còn gọi là cúng tập thể.
Tương tự, anh Thạch Sanh (30 tuổi, ngụ TP.Sóc Trăng), năm nào đến lễ Sene Dolta, gia đình anh cũng nấu bánh tét để chia cho bà con họ hàng, hàng xóm; chuẩn bị đồ ăn thật ngon đem vào chùa cúng người thân. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính với ông bà, người thân đã mất.
Bình luận (0)