Rộn ràng sân khấu học đường

26/03/2023 07:13 GMT+7

Bên cạnh những suất diễn bán vé cho khán giả bình thường, nhiều sân khấu tại TP.HCM có thêm các suất diễn đặc biệt với khán giả là học sinh, sinh viên. Nhà đầu tư và nghệ sĩ đang tìm được nguồn cảm hứng từ lớp khán giả này dù doanh thu rất khiêm tốn.

MỐI DUYÊN BẤT NGỜ

Có thể coi như "mối duyên bất ngờ" đã đưa sân khấu Hoàng Thái Thanh đặt bước chân đầu tiên vào học đường. Năm 2012, khi Hoàng Thái Thanh đang công diễn các vở mang tính văn chương như Mùa đông cuối cùng (Đèn không hắt bóng), Nửa đời ngơ ngác, Tình duyên thuở trước…, có một cô giáo dạy văn của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) hay đi xem. Cô rất thích và bày tỏ với đạo diễn Ái Như mong muốn cho các em học sinh của mình được xem kịch. Cô cùng thầy giáo trong tổ Văn vận động để trường tổ chức cho các em xem thử một suất. Không ngờ xem thử rồi "dính" luôn, các em rất thích, và nhà trường tiếp tục tổ chức cho học sinh xem kịch vào mỗi học kỳ, kéo dài cho tới bây giờ.

Rộn ràng sân khấu học đường - Ảnh 1.

Một suất diễn tại trường học của CLB Lạc Long Quân

HOÀNG KIM

Hiệu ứng đó lan truyền tới các trường khác, đến nay đã có 17 trường học tại TP.HCM trở thành "khán giả thân thiết" của Hoàng Thái Thanh, như các trường THPT Trần Phú, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Thị Diệu, Bùi Thị Xuân, Trần Hữu Trang, Thanh Đa, Lê Quý Đôn, Marie Curie… Suất nào các em cũng ngồi xem kín rạp, và có trường ký hợp đồng 4-5 suất/năm. Đạo diễn Ái Như nói: "Các em xem chăm chú lắm, ghi chép cẩn thận để về viết thu hoạch. Thầy cô gửi một số bài thu hoạch cho tôi xem, không ngờ các em viết kỹ lưỡng, quan sát tinh tế đến vậy. Và khi xem các em khóc cười đều "dữ dội", khiến diễn viên rất hứng thú. Có em khi giải lao còn ra băng ghế ngồi khóc tiếp".

Thú vị nhất là các em đã thành khán giả "ruột" tương lai cho sân khấu. Đạo diễn Ái Như kể: "Nhiều em lớn lên, đi làm, mua vé vào xem và gặp lại tôi, hỏi cô có nhớ em không. Tôi ngỡ ngàng, vô cùng cảm động".

Các em xem chăm chú lắm, ghi chép cẩn thận để về viết thu hoạch. Và khi xem các em khóc cười đều "dữ dội", khiến diễn viên rất hứng thú.

Đạo diễn Ái Như

Nhà hát Thế Giới Trẻ cũng có mối duyên bất ngờ như vậy. Năm 2018, NSND Hoàng Yến sản xuất vở Yêu là thoát tội. Vở kịch được một doanh nhân yêu thích và tìm cách đưa đến với học sinh. Anh mời một thầy của Trường Lê Quý Đôn xem thử, thầy khen và giới thiệu với nhà trường. Rồi tiếng lành lan ra các trường khác. Từ đó hình thành một không khí "sân khấu học đường" nhộn nhịp. Yêu là thoát tội tuy không ghi chính thức nhân vật chính là Nguyễn Trãi, Thị Lộ để tránh bị bắt bẻ khi hư cấu, nhưng xem thì ai cũng ngầm hiểu đó là hai nhân vật lịch sử, và trong chương trình lớp 10 đang học về Nguyễn Trãi nên các em nôn nao được đi xem. Có trường phải tổ chức cả chục suất mới đủ cho lượng học sinh của mình.

NSND Hoàng Yến nói: "Nhà trường không ép các em mua vé, em nào thích thì tự nguyện đăng ký, rồi thầy cô tổ chức. Có ngày chúng tôi phải diễn 4 suất, bởi thầy cô tính toán lịch học ngoại khóa sít sao cho thuận tiện thuê xe, quản lý. Xem xong các em viết bình luận vào trang web của trường rất hào hứng, và bố mẹ thì điện thoại hỏi thăm nhiệt tình". Ngoài Yêu là thoát tội, Thế Giới Trẻ còn vở Thành Thăng Long thuở ấy cũng là kịch lịch sử, nói về vua Trần Thái Tông và Lý Chiêu Hoàng, cũng được các trường quan tâm. Tết năm 2023, bà bầu Hoàng Yến hợp đồng với các trường được 15 suất, thuê Nhà hát Trần Hữu Trang diễn suốt.

ĐỊNH HƯỚNG RÕ RÀNG

Nếu như Hoàng Thái Thanh và Thế Giới Trẻ đến với học sinh nhờ một khán giả "bắc cầu", thì sân khấu Hồng Vân và Câu lạc bộ Lạc Long Quân lại chủ động hướng tới đối tượng khán giả trẻ này.

CLB Lạc Long Quân ra đời từ năm 2005, trực thuộc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM; từ 2019 chuyển sang trực thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang, ngay từ ban đầu đã có định hướng biểu diễn phục vụ thiếu nhi, học sinh. Chủ nhiệm CLB là nhà báo Thanh Hiệp đã "dẫn quân" đi khắp các trường học ở TP.HCM, thậm chí còn đi tận Huế, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bạc Liêu… Chương trình rất phong phú, ngoài kịch ngắn, ca nhạc còn có cải lương, sử ca đầy tính dân tộc, góp công không nhỏ vào tình yêu sử Việt của các em. Ngoài các diễn viên trẻ từ các trường sân khấu hoặc trung tâm đào tạo diễn viên, CLB còn có sự tham gia của các nghệ sĩ chuyên nghiệp như Kim Tiểu Long, Võ Minh Lâm, Huyền Trâm, Huỳnh Quý, Chấn Cường, Cao Mỹ Châu, Nhật Khánh, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng…

NSND Hồng Vân thì kết hợp với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xây dựng hẳn sân khấu UEH trong khuôn viên trường để biểu diễn cho sinh viên xem. Đây cũng là cơ hội cho lứa diễn viên trẻ có đất làm nghề. Diễn viên trẻ diễn cho khán giả trẻ xem, rất hợp lý. Trong số các vở diễn, Ai tư vãn - Uẩn khúc Ngọc Hân là một vở sử chỉn chu rất được các em yêu thích. 

TRỒNG HOA CHO TÂM HỒN NGƯỜI TRẺ

Sân khấu học đường bán vé giá rất thấp, chỉ đủ chi phí mặt bằng, âm thanh, ánh sáng… còn diễn viên lãnh cát sê tượng trưng. Bà bầu Hoàng Yến tiết lộ: "Cát sê chỉ 500.000 đồng thì mọi người hiểu rồi đó, chỉ đủ tiền xăng xe và son phấn. Coi như mình đóng góp vào xã hội những giá trị tinh thần". Đạo diễn Ái Như cũng tâm sự: "Không lời lãi gì đâu, nhưng chúng tôi vui, vì "lãi" thứ khác. Những giá trị đọng lại trong tâm hồn các em làm sao đo đếm được". Còn bà bầu Hồng Vân thì bán vé 50.000 đồng, cũng chỉ đủ cho diễn viên tiền xăng xe, son phấn.

Riêng CLB Lạc Long Quân được Sở VH-TT TPHCM cấp kinh phí nên diễn không bán vé. Nhưng kinh phí nhà nước thì rất thấp, cát sê cho diễn viên cũng chỉ vài trăm ngàn, thậm chí đạo diễn Thanh Hiệp phải tự viết kịch bản, dàn dựng để… tiết kiệm chi phí. Anh nói: "Vậy mà anh em đều nhiệt tình biểu diễn, bởi rất hiểu ý nghĩa công việc mình đang làm. Chúng tôi biết mình đang đi trồng hoa cho tâm hồn các em".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.