Xe

Rón rén nới ‘giờ giới nghiêm’

01/09/2016 06:00 GMT+7

Việc nới “ giờ giới nghiêm ” của Hà Nội còn rón rén, cởi nhưng chưa mở khi chỉ áp dụng 3 ngày cuối tuần cũng như ấn định thời gian mở chỉ đến 2 giờ.

Video clip quay cảnh nhiều du khách ở Hà Nội tiếc nuối vì chơi chưa đã, quán xá phải nháo nhào dọn dẹp khi bị chính quyền sở tại nhắc nhở vì vi phạm “giờ giới nghiêm” lan truyền trên mạng 2 ngày nay thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều đáng nói là cảnh này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra ngay khi Hà Nội nới “giờ giới nghiêm” vào hôm nay.
Từ 1.9, UBND TP.Hà Nội thí điểm cho phép các nhà hàng, quán bar thuộc Q.Hoàn Kiếm hoạt động đến 2 giờ sáng vào 3 ngày cuối tuần. Tuy nhiên, theo đánh giá của người dân, đại diện nhiều hãng lữ hành cũng như chuyên gia về du lịch, việc nới “giờ giới nghiêm” của Hà Nội còn rón rén, cởi nhưng chưa mở khi chỉ áp dụng 3 ngày cuối tuần cũng như ấn định thời gian mở chỉ đến 2 giờ.
Du lịch chỉ 3 ngày cuối tuần?
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng, nói thẳng việc chỉ mới thí điểm cho phép các nhà hàng, quán bar tại Hà Nội hoạt động đến 2 giờ sáng, áp dụng vào 3 ngày cuối tuần là giải pháp chắp vá tạm thời, chưa thể gọi là chủ trương mang tầm chiến lược.
“Kiểu như cây đang khô hạn, thêm trận mưa rào thôi”, ông Lộc ví von và cho rằng muốn phát triển ngành công nghiệp không khói, hãy để thị trường phát triển một cách tự nhiên, người quản lý nên đặt mình vào vị trí người dùng dịch vụ.
"Tại sao lại có chuyện “mở cửa” 3 ngày cuối tuần, vì tư duy của chúng ta đang nghĩ cuối tuần mới có chuyện nghỉ ngơi, du lịch và tiêu xài. Điều này là sai từ trong suy nghĩ. Bởi khách du lịch đâu có chuyện lựa ngày cuối tuần mới đi. Người ta du lịch theo lịch nghỉ phép, ở VN đầu tuần, sang Thái Lan, Singapore cuối tuần rồi về Pháp, Mỹ mà", ông Lộc đặt vấn đề.
Không chỉ khách du lịch nước ngoài, người dân trong nước cũng có nhu cầu đi chơi giải trí về đêm Ảnh: Ngọc Thắng
Không chỉ khách du lịch nước ngoài, người dân trong nước cũng có nhu cầu đi chơi giải trí về đêm. Ảnh: Ngọc Thắng

Cũng theo ông Lộc, chúng ta thường có tư duy nhậu là say, gây mất an ninh trật tự, nhưng với khách du lịch không phải đến nhà hàng quán bar chỉ để nhậu. Với họ, uống vài chai tán gẫu bạn bè, trò chuyện quan trọng hơn việc uống say đến chết quên đường về. Vì thế, không nên mặc định một lịch ngày này mở, ngày kia đóng. “Nếu đã mở, hãy mở một cách thoải mái, không nên giới hạn ngày nào. Chúng ta có muốn định hướng cho người nước ngoài đến VN du lịch và làm việc không khi chỉ “cho phép” họ vui chơi trong 3 ngày cuối tuần thôi?”, ông Lộc nói.
Kinh nghiệm các nước quản lý hoạt động về đêm không khó, Hà Nội và các thành phố lớn của VN có thể học hỏi. Như cách làm của Singapore là mở cửa thoải mái nhưng sau 24 giờ thì taxi hay nhà hàng đều thu phí cao hơn. Việc tính phí phục vụ cao tiện cả đôi đường, nhà nước vừa thu thuế cao hơn, người kinh doanh có doanh thu tốt hơn khi phải phục vụ khuya. Người có nhu cầu đi chơi có chỗ để chơi
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc VYC Travel

Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp, nói thẳng cách quản lý của chúng ta vẫn luôn nặng tư duy “mở cửa he hé”. Cái gì cũng phải hé hé quan sát, nghe ngóng thế nào đã. “Thực tế trong phát triển dịch vụ du lịch, có những điều chúng ta cần cẩn trọng hơn, chẳng hạn về an ninh, về cạnh tranh chèn ép, về tiền tệ… nhưng không phải việc họ đi nhà hàng ngày nào, giờ nào. Hãy cứ để mọi cái tự nhiên, như các nước lân cận đang làm và làm rất tốt. Ngành công nghiệp không khói là dịch vụ du lịch không có giới hạn cho ngày đầu tuần hay cuối tuần, đừng để du khách nghĩ về VN hay thủ đô Hà Nội với mặc định rằng: Chỉ được phép đến đó vào những tối cuối tuần, mới được uống cốc bia chuyện trò trễ được, còn lại, sẽ bị… đuổi đấy. Nghe phản cảm quá phải không. Nhưng kiểu thông tin truyền miệng là vậy đó”, ông Hòa cảnh báo.
Không khó quản lý
Là người thường xuyên đi du lịch, anh Nguyễn Xuân Vũ (33 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ ở châu Âu và Úc, các quán bar đều được mở đến gần sáng. “Tôi đến Brisbane (Úc) quán bar mở đến 3 - 4 giờ sáng tất cả các ngày trong tuần. Khách trong nước phải có thẻ căn cước, khách nước ngoài có hộ chiếu mới được vào bar, chủ yếu uống bia giải trí, phần lớn là thanh niên rất vui vẻ. Quán có vệ sĩ chuyên nghiệp, cảnh sát đi tuần thường xuyên nên rất trật tự, quán nào ầm ĩ bị xử lý ngay. Hà Nội cũng nên mở cửa thông thoáng như thế, không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi lành mạnh cho khách du lịch nước ngoài mà cả người dân trong nước”, anh Vũ chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Văn Trường, Giám đốc VYC Travel, cho biết đã đi gần 80 nước, trừ những nước bất ổn, những nước ổn định phát triển không ai áp dụng giờ giới nghiêm cho hoạt động vui chơi giải trí về đêm. “Khách phương Tây đến VN đều bị lệch múi giờ, nhiều khi không ngủ được, muốn đi chơi đêm cũng không có chỗ, bắt nằm chèo queo trong khách sạn rất tội cho du khách”, ông Trường nói và cho rằng nếu cơ quan quản lý lo ngại vấn đề an ninh thì tính toán chế tài xử lý nghiêm các địa điểm vi phạm vấn đề an ninh trật tự, ô nhiễm tiếng ồn…
Lãnh đạo Công ty VYC Travel cũng cho hay, nên cho phép các địa điểm vui chơi giải trí được mở cửa sau 24 giờ tất cả các ngày trong tuần, việc này không mất mà được nhiều hơn. Bởi ngoài khách tour, khách tự đi, khách đi công tác vài ngày có nhu cầu đi chơi rất nhiều. “Kinh nghiệm các nước quản lý hoạt động về đêm không khó, Hà Nội và các thành phố lớn của VN có thể học hỏi. Như cách làm của Singapore là mở cửa thoải mái nhưng sau 24 giờ thì taxi hay nhà hàng đều thu phí cao hơn. Việc tính phí phục vụ cao tiện cả đôi đường, nhà nước vừa thu thuế cao hơn, người kinh doanh có doanh thu tốt hơn khi phải phục vụ khuya. Người có nhu cầu đi chơi có chỗ để chơi, không phải như trẻ con đến giờ thì bắt đi ngủ”, ông Trường nhìn nhận.
Nhiều du khách không biết đi chơi đâu vào đêm tại Hà Nội vì hàng quán đóng cửa quá sớm
Nhiều du khách không biết đi chơi đâu vào đêm tại Hà Nội vì hàng quán đóng cửa quá sớm

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Quyền, chuyên gia du lịch, Hà Nội đang trong tình trạng mở nhưng không dám mở hết. Có thể Hà Nội còn ngại mở rộng quá không biết quản lý thế nào, tâm lý “thủ” còn rất nặng nề. Nhưng đã mở là phải mở hết, không nên nửa vời vì không có nhiều tác dụng, vô hình trung gây khó cho doanh nghiệp.
Lý do, theo chuyên gia này, an ninh trật tự tại thủ đô đã được quản lý tương đối chặt, không đến mức phải e ngại không quản lý được các hoạt động về đêm. “Vấn đề là tính toán cụ thể cách thức quản lý cho hiệu quả. Lý tưởng nhất là du lịch phải gắn liền với cộng đồng, tức địa phương phải thu được lợi nhiều từ hoạt động du lịch. Thái Lan, Malaysia, Singapore đều không ngại chuyện mở cửa muộn. Ví dụ như Thái Lan xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, khách càng thức khuya càng tiêu tiền nhiều. Nếu khách chỉ ru rú trong khách sạn thì không thể tiêu tiền. Đây là lý do suất chi tiền của khách du lịch tại Thái Lan nhiều hơn VN, vì khách có cơ hội để tiêu tiền nhiều hơn”, ông Quyền phân tích.
“Chúng ta muốn khách vào nhiều nhưng không tạo điều kiện cho khách xài tiền nhiều, sau đó lại than thở là khách đến rồi không quay lại hoặc nguồn thu từ khách không lớn. Điều này cũng bắt nguồn từ việc chúng ta còn cấm đoán nhiều quá”, ông Quyền nhìn nhận.
Nhu cầu không chỉ khách du lịch
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Redtour, đã phát triển du lịch thì không nên mở chỉ 3 ngày cuối tuần, vì khách không chỉ chơi vào cuối tuần. “Việc nới giờ hoạt động cho các quán bar, địa điểm ăn uống không chỉ là nhu cầu của khách du lịch mà còn của chính giới trẻ, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Trong thời gian thí điểm trước mắt có thể sẽ có nhiều vấn đề phát sinh về an ninh trật tự, phản ứng của người dân khu vực về tiếng ồn, ánh sáng, vệ sinh đô thị... nhưng ta có thể vừa làm vừa xử lý”, ông Hoan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.