Những ngày qua, trong khi các địa phương lần lượt đưa linh vật rồng ra trưng bày để chào đón xuân mới Giáp Thìn 2024, rất nhiều du khách và bạn trẻ đã tìm đến hồ Thủy Tiên thuộc khu vực đồi Thiên An (xã Thủy Bằng, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) để chiêm ngưỡng và chụp ảnh trước khi hình tượng rồng khổng lồ bị đập bỏ, tháo dỡ để lấy sắt vụn.
Bất chấp biển cấm, du khách vẫn tìm đường vào check-in trên đầu rồng khổng lồ ở Huế
Check- in trước khi rồng tháo dỡ
Một bạn trẻ vừa tranh thủ chụp hình với rồng vừa tiếc nuối: "Mặc dù con rồng này bị hoang phế, rêu phong nhưng nó cũng khá nổi tiếng với du khách. Thật tình thì con rồng này khá độc đáo, đây cũng là con rồng khổng lồ nhất của Huế. Con rồng nguyên là một tòa nhà nằm ngay giữa hồ, bên trong được đầu tư phục vụ cho du khách tham quan. Giờ phá bỏ, thấy cũng tiếc thật!".
Đại diện Công ty TNHH TM-DV Đại Nguyên Nam (trụ sở tại TP.Đà Nẵng), đơn vị trúng đấu giá tài sản trên đất sau khi ngân hàng phát mãi, cho biết do địa phương không có nhu cầu giữ lại công trình này nên đơn vị mua đấu giá đành phải phá bỏ và tháo dỡ để thu hồi tài sản.
Xem nhanh 12h ngày 29.1: Rồng hồ Thủy Tiên từng lên báo Mỹ sắp tháo dỡ, bán sắt vụn
"Vừa đập nhưng cũng rất tiếc, vì đây chắc là con rồng độc đáo có một không hai ở Việt Nam mình", vị đại diện công ty này nói.
Tháo dỡ vì dự án bị thu hồi
Dự án Khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên từng được đầu tư bởi Công ty Du lịch Cố đô, giai đoạn 1 đưa vào sử dụng vào năm 2004 khi chưa hoàn thiện với số vốn đầu tư hơn 70 tỉ đồng.
Dự án đã xây dựng các hạng mục: khu du lịch thủy cung, sân khấu nhạc nước (sức chứa 2.500 chỗ ngồi), hệ thống 20 phòng ngủ cao cấp nằm đan xen trên các triền đồi. Công trình được chú ý nhất chính là khu thủy cung giữa hồ, với kiến trúc là một con rồng khổng lồ.
Tuy nhiên, do đầu tư dang dở nên công trình hoạt động kém hiệu quả, không thu hút được du khách, năm 2008 Công ty Du lịch Cố đô chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH Haco Huế. Công ty TNHH Haco Huế đã thiết kế lại dự án với tổng kinh phí dự kiến đầu tư tiếp là 270 tỉ đồng, nhưng từ đó đến nay không đầu tư nên tất cả các hạng mục bị bỏ hoang.
Năm 2016, công trình hoang phế này xuất hiện trên tờ Huffington Post (Mỹ) như là một điểm đến dành cho những du khách ưa mạo hiểm, khám phá "du lịch rùng rợn". Từ đó, công viên hồ Thủy Tiên nổi tiếng là một địa điểm du lịch có phần kỳ bí.
Do dự án không tiếp tục triển khai nên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định thu hồi, giao cho UBND TP.Huế đầu tư khu công viên sinh thái cảnh quan phục vụ cộng đồng.
Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP.Huế (đơn vị được giao đầu tư công viên), cho biết do dự án trước đó có tài sản trên đất thế chấp ngân hàng, nên sau khi nhà nước thu hồi, ngân hàng đã phát mãi để thu hồi vốn. Hiện tại, đơn vị trúng đấu giá tài sản trên đất đang tháo dỡ công trình để bán tài sản thu hồi vốn.
Sau khi đơn vị trúng đấu giá thu hồi hết tài sản trên đất, UBND TP.Huế sẽ triển khai dự án đầu tư, chỉnh trang công viên để phục vụ cộng đồng.
Cụ thể, sau khi Ngân hàng Agribank chi nhánh Thừa Thiên - Huế yêu cầu phát mãi, Chi cục Thi hành án tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh tổ chức bán đấu giá tài sản trên đất. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH TM-DV Đại Nguyên Nam.
Các hạng mục tài sản trên đất mà đơn vị trúng đấu giá đã mua và đang tháo dỡ gồm: san nền khu vực cổng và bãi đậu xe, đường dạo ven hồ và 2 cầu vòm, cổng chính, quảng trường trung tâm, thủy cung (tòa nhà mang hình con rồng khổng lồ), sân vườn bờ kè 2 cống thoát, khu biểu diễn ngoài trời, trò chơi trên hồ, 2 nhà hàng tranh, hệ thống điện, tác phẩm nghệ thuật của Công ty TNHH HACO Huế...
Dù sao, con rồng khủng giữa hồ Thủy Tiên tại TP.Huế bị tháo dỡ ngay trong năm rồng đã mang lại chút ngậm ngùi, tiếc nuối cho nhiều người và du khách.
Bình luận (0)