Lo con học chen chúc
Chị Hiền Minh (trú P.Linh Đàm, Q.Hoàng Mai) có con vào lớp 6 năm học tới chia sẻ: "Do sinh năm "rồng vàng", ở cấp tiểu học con chị đã phải chen chúc với sĩ số tới gần 60 học sinh/lớp. Lên lớp 6 lứa "rồng vàng", cộng với dân số tăng cơ học theo tốc độ đô thị hóa của Hà Nội nên có lẽ con chị vẫn không tránh được cảnh quá tải".
Theo chị Minh, vẫn biết trường tiểu học và THCS công lập có trách nhiệm tiếp nhận tất cả học sinh (HS) trong độ tuổi trên địa bàn, nhưng sĩ số vượt quy định quá cao cũng ảnh hưởng tới chất lượng học tập. 5 năm con học tiểu học cho thấy, việc quá đông HS trong một lớp khiến giáo viên rất vất vả, nhưng người thiệt thòi nhất chính là HS. "Nếu lớp học chỉ có 30 - 35 HS như quy định, cô sẽ quan tâm được tới từng con; sĩ số gần gấp đôi thì không thể đòi hỏi điều đó", chị Minh nói và cho biết vì thế mà từ lớp 1 chị đã phải cho con đi học thêm 2 - 3 buổi/tuần để củng cố kiến thức và được cô "quan tâm" hơn.
Anh Lê Hoàn (trú Q.Nam Từ Liêm) chia sẻ, con anh đang học tiểu học ở một trường tư thục trên địa bàn với học phí lên tới gần 10 triệu đồng/tháng. Mấy năm dịch bệnh kinh tế khó khăn hơn, gia đình anh tính toán lên cấp THCS sẽ cho con về trường công lập gần nhà học đúng tuyến để giảm áp lực chi phí. Tuy nhiên, nghe thông tin số HS vào lớp 6 năm tới ở Hà Nội tăng đột biến nên gia đình anh đang phải cân nhắc lại. "Hiện, cháu đang học ở trường tư sĩ số chỉ 25 HS/lớp, nếu lên lớp 6 về trường công mà sĩ số gấp đôi thì sợ rằng cháu sẽ bị "sốc", không theo kịp", anh Hoàn lo lắng.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, HS vào lớp 6 năm học tới sẽ tăng 38.519 em so với năm học trước. Tại cuộc họp giao ban với phòng GD-ĐT của các quận, huyện trên địa bàn mới đây, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội), cho biết số HS vào lớp 6 tăng rất nhiều tại hầu hết các quận, huyện. Ví dụ, tại Q.Hà Đông, HS vào lớp 6 cao hơn số lượng tuyển cả 3 cấp của một quận thông thường. Việc tăng đột biến số HS sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu phòng học. Do đó, Sở đề nghị các phòng GD-ĐT có phương án tham mưu với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai bổ sung thêm phòng học; đồng thời có phương án hợp lý để đảm bảo HS trong độ tuổi đều được đáp ứng nhu cầu học tập.
Giải pháp duy nhất là xây thêm trường
Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, từ năm học 2018 - 2019 đến nay, thành phố chỉ tăng 129 trường ở tất cả các cấp học. Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số quận chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập. Hà Nội khẳng định một số quận, huyện chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh, khu đô thị mới với quy mô dân số lớn song không đảm bảo tiến độ xây dựng trường học theo quy hoạch như Q.Hoàng Mai, Q.Hà Đông...
Bên cạnh đó, diện tích đất một số trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia như Q.Hoàn Kiếm, Q.Đống Đa… Một số trường học, sĩ số HS/lớp còn cao. Thậm chí, có trường tiểu học vẫn tồn tại lớp học 60 HS/lớp; nhiều trường duy trì sĩ số trên dưới 50 HS/lớp, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết: "Hiện, sĩ số trung bình cấp THCS của toàn quận khoảng 43 HS/lớp, trong quy định cho phép của Bộ GD-ĐT; tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng quá tải cục bộ ở một số trường THCS nằm trên địa bàn có tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Ở vùng giáp ranh, tại các huyện như Quốc Oai có khu đô thị với nhiều chung cư cao tầng nhưng không có trường công lập, hàng năm vẫn dồn HS sang cho Q.Hà Đông làm tăng thêm sức nóng tuyển sinh".
Theo bà Hằng, đúng là có việc HS vào lớp 6 năm học tới trên địa bàn quận tăng đột biến. Cụ thể, số HS tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 tăng 5.208 HS so với số HS lớp 9 ra trường, tương ứng cần thêm 116 phòng học. Do dự báo nhu cầu đột biến của năm nay cũng như nhằm giãn sĩ số HS hiện có, phòng cũng đã tham mưu UBND Q.Hà Đông xây dựng thêm đơn nguyên cho 5 trường THCS trên địa bàn.
"Giải pháp để giãn sĩ số trong những năm tới vẫn không có gì khác ngoài việc rà soát, dự báo số lượng HS tăng để có kế hoạch xây mới và sửa chữa các trường học, phòng học; đồng thời tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển để phụ huynh có thêm sự lựa chọn", bà Hằng nói.
Tương tự trường hợp Q.Hà Đông, năm nay Q.Bắc Từ Liêm cũng tăng tới 3.099 HS vào lớp 6 so với số HS lớp 9 ra trường; theo tính toán cần thêm 69 phòng học. Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Bắc Từ Liêm, cho biết: "Địa phương đang nỗ lực giãn sĩ số bằng cách tách trường, tách phòng nhưng rất khó khăn để có thể đáp ứng đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Giai đoạn 2023 - 2025, đơn vị đề xuất xây dựng thêm 24 trường học nữa mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu".
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024, HS các lớp đầu cấp tại Hà Nội đều tăng, đặc biệt là HS lớp 6. Cụ thể, toàn thành phố có 188.429 HS sẽ vào lớp 6, tăng 38.519 em so với năm học trước. So số lượng lớp 6 vào trường với khối lớp 9 ra trường, các trường THCS trên địa bàn thành phố sẽ tăng thêm 59.158 HS. Điều này đồng nghĩa phải có thêm 1.315 phòng học THCS để đáp ứng nhu cầu.
Bình luận (0)