Gửi kiến nghị đến Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cử tri Hà Nội đề nghị nhiệm kỳ tới, Quốc hội giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, khắc phục bằng được tình trạng không công nhận tư cách đại biểu hoặc phải bãi nhiệm tư cách đại biểu như trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.
Theo đó, tại nhiệm kỳ này, Quốc hội đã giảm 14 người trong số 496 vị trúng cử ở đầu nhiệm kỳ, trong đó có 5 vị qua đời, 1 vị chuyển công tác và 9 vị bị cho thôi, bãi nhiệm hoặc không được công nhận tư cách đại biểu vì có sai phạm.
Cụ thể, 2 vị không được công nhận tư cách đại biểu là ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (doanh nhân).
2 vị mất quyền đại biểu vì bị kết án là ông Đinh La Thăng (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM) và ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN).
4 vị khác được cho thôi nhiệm vụ đại biểu (các vị này đều bị kỷ luật Đảng) là bà Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai), ông Lê Đình Nhường (Thái Bình), ông Hồ Văn Năm (Đồng Nai) và ông Võ Kim Cự (Hà Tĩnh).
Có 5 vị đại biểu đã qua đời là nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang (đại biểu TP.HCM), Trưởng lão Hoà thượng Thích Chơn Thiện (đại biểu Thừa Thiên - Huế), đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hoá) và mới đây nhất là đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) hy sinh khi đi cứu nạn tại thuỷ điện Rào Trăng 3.
Trong nhiệm kỳ, có 1 đại biểu được cho thôi nhiệm vụ để làm nhiệm vụ khác là ông Ngô Đức Mạnh đi làm Đại sứ tại Nga.
Ngoài ra, dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ quyết định việc bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn TP.HCM, vì có quốc tịch Síp nhưng không khai báo. Nếu Quốc hội thông qua, ông Phạm Phú Quốc là đại biểu đầu tiên bị bãi nhiệm tại nhiệm kỳ này.
Trả lời kiến nghị cử tri, Ban Công tác Đại biểu cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trình Ban Chấp hành T.Ư.
Trong đó, các nội dung về tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã được tập trung nghiên cứu kỹ để quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, làm cơ sở để lựa chọn được những người có trình độ, năng lực, phẩm chất, xứng đáng là người đại biểu đại diện của nhân dân.
Ban Công tác đại biểu đã tiếp thu ý kiến này của cử tri và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để phục vụ tốt cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cử tri Đà Nẵng đề nghị giới thiệu một Ủy viên Bộ Chính trị ứng cử tại địa bàn
Cử tri TP.HCM đề nghị trong nhiệm kỳ tới cần tăng số lượng các đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm, nhằm giúp đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò giám sát của mình; đồng thời, có thể đeo bám sâu sát vào đời sống nhân dân cũng như có thể phản ánh, kiến nghị giải quyết kịp thời các vấn đề người dân cần giải quyết.
Phúc đáp cử tri, Ban Công tác đại biểu thừa nhận ý kiến của cử tri phản ánh là rất xác đáng, vấn đề này đã được thực hiện bằng chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư khóa 13.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, đã thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Theo đó, khoản 2 điều 23 quy đinh tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội (trước đây là 35%).
Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho Quốc hội khóa 15 và các khóa tiếp theo, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Liên quan chất lượng hoạt động của đại biểu, cử tri tỉnh Long An cũng đánh giá hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ qua có nhiều đổi mới, sáng tạo, kịp thời;… nhưng cho rằng vẫn còn một số đại biểu phát biểu thiếu tập trung, chưa mang tính xây dựng và tinh trần trách nhiệm.
Cử tri đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có biện pháp chấn chỉnh vấn đề này, đồng thời, trong nhiệm kỳ tới cần lựa chọn những người có đầy đủ tài - đức để đưa ra cử tri bầu chọn vào Quốc hội.
Cử tri Đà Nẵng có kiến nghị cụ thể hơn, là “đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quan tâm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 sắp đến giới thiệu một đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội tại TP.Đà Nẵng".
Trả lời kiến nghị, Ban Công tác đại biểu cho biết, để chuẩn bị cho công tác bầu cử, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.
Căn cứ luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ ban hành nghị quyết về nguyên tắc phân bổ ứng cử viên ở T.Ư về địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.
Việc phân bổ về cơ bản được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc phân bổ và nguyện vọng đăng ký địa bàn ứng cử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 15.
Ban Công tác đại biểu cho biết nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền trong việc tham mưu, xây dựng các văn bản liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15.
Bình luận (0)