Hóa đơn điện tử sẽ hạn chế được tiêu cực
Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư số 78/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của luật Quản lý thuế ngày 13.6.2019; Nghị định số 123/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Nội dung Thông tư số 78 quy định một số nội dung mới về hóa đơn điện tử, trong đó một nội dung hoàn toàn mới là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế và đảm bảo không trùng lắp về số hóa đơn để tham gia dự thưởng.
Dù Thông tư 78 có hiệu lực từ năm sau nhưng ngành tài chính hiện đang quyết liệt triển khai. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế lập kế hoạch triển khai theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 1.11.2021 tại 6 tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định; đến 1.7.2022 triển khai trên toàn quốc.
Do từ nay đến tháng 11 chỉ còn 2 tháng, trong khi các công việc triển khai còn rất nhiều và phức tạp, Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi UBND 6 tỉnh thành trên đề nghị tiếp tục quan tâm, phối hợp chỉ đạo một số công việc trọng tâm tại địa phương khi triển khai hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Người mua hàng có thể kiểm tra ngay hóa đơn trên hệ thống, tránh nhận hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích. Cơ quan thuế không tốn nhiều thời gian, chi phí đối chiếu hóa đơn như hiện nay, giúp ngăn chặn hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế. Hóa đơn điện tử góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn như lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên và làm giả hóa đơn.
Càng đơn giản càng thuận tiện
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty luật TNHH Việt Tín Nghĩa, cho biết các doanh nghiệp lớn tại TP.HCM hiện đã triển khai hóa đơn điện tử khá nhiều. Điều này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như thuận tiện trong công tác kê khai thuế, không phải nhập dữ liệu từng số hóa đơn giấy như trước, xuất hóa đơn cũng tiện hơn khi ở đâu cũng có thể thực hiện được… Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp ngăn chặn lây lan dịch khi được chuyển qua email thay vì cầm hóa đơn giấy, rất bất tiện trong việc xịt khử khuẩn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho rằng có một điểm cần hoàn chỉnh trong thực hiện. Chẳng hạn, đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử phải có quy trình bảo mật an toàn, tránh bị lợi dụng lấy cắp dữ liệu thông tin hóa đơn của các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dịch vụ. Đồng thời, các doanh nghiệp này cần có hệ thống máy dự phòng lưu trữ dữ liệu của khách hàng để tránh mất thông tin khi bị hacker, mất điện, cháy nổ… gây gián đoạn việc cung cấp hóa đơn điện tử.
Ngoài ra, việc thực hiện hóa đơn điện tử không chỉ được triển khai cho các doanh nghiệp mà còn có sự tham gia của hộ kinh doanh, cá nhân. Chính vì vậy mẫu hóa đơn cần thật sự đơn giản, dễ hiểu nhất để mọi người có thể thực hiện.
Trên mỗi hóa đơn điện tử chỉ cần nhập đúng mã số thuế là đủ, bởi mã số thuế như một ID bao gồm các thông tin như tên, địa chỉ trên đó thì không nhất thiết bắt ghi đầy đủ thông tin. Mẫu hóa đơn càng đơn giản, càng dễ thực hiện và người ghi không bị sai để dẫn đến việc vi phạm hành chính không đáng có. Hơn nữa công tác kiểm tra của cơ quan chức năng cũng dễ hơn. Những tồn tại này, theo ông Nghĩa chỉ cần chỉnh sửa về kỹ thuật.
Đặc biệt, việc áp dụng hóa đơn điện tử tham gia dự thưởng được đề cập từ nhiều năm nay, khi triển khai cũng sẽ khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn từ đơn vị bán hàng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết trong nhiều năm qua, hóa đơn điện tử đã được triển khai ở các tỉnh thành, trong đó 90% doanh nghiệp tại 6 tỉnh thành thực hiện giai đoạn 1 đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử song song với hóa đơn giấy. Đến ngày 1.11.2021, hóa đơn điện tử sẽ được triển khai rộng trên các tỉnh thành này.
Trả lời vấn đề về trường hợp các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử nhưng khi lưu thông hàng hóa trên đường khó có thể trình cho các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an, vị đại diện Tổng cục Thuế cho hay Thông tư 78 có hướng dẫn về việc xử lý trong trường hợp này khi người bán hàng xuất hóa đơn cho người mua, đồng thời dữ liệu chuyển về cơ quan thuế, hệ thống cơ quan thuế sẽ liên ngành với các cơ quan chức năng khác để có thể kiểm tra được trên hệ thống. Trong quá trình triển khai giai đoạn 1, nếu có phát sinh những vướng mắc trong thực hiện, cơ quan chức năng sẽ chỉnh sửa kịp thời để tạo thuận lợi cho người nộp thuế có thể thực hiện.
Có hiệu lực từ 1.7.2022Thông tư 78 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2022 đối với tổ chức, cá nhân tại các địa bàn đáp ứng điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, riêng một số trường hợp không đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang hóa đơn điện tử.
|
Bình luận (0)