Nguyễn Thanh Tuấn gọi điện thoại cho tôi ngỏ ý xin lỗi vì e ngại chuyện “sẩy chân” hồi năm 2006 của mình đã làm “liên lụy” đến tác giả bài viết trên Báo Thanh Niên.
tin liên quan
Chàng 8X thành tỉ phú nhờ đam mê gà 'độc', giá vài chục triệu/cặpHơn 10 năm gầy dựng chỉ từ vài con gà nhỏ, đến nay anh Phan Minh Hồng (32 tuổi, ngụ Thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương) đã sở hữu gần 1.000 con gà kiểng trưởng thành trong 10 giống từ nhiều nước trên khắp thế giới.
Đó là một ngày đầu năm 2010. Một cuộc điện thoại đối với Tuấn lúc ấy cũng rất khó khăn. Lưỡng lự suốt thời gian dài, chờ ngày thực sự thành công mới đủ tự tin nhấc máy… Cuối năm ấy, Tuấn được mời ra Hà Nội để nhận giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn trao tặng.
Bắt đầu từ đó, Tuấn trở lại đường đua…
“Cứ tưởng cuộc đời chấm hết”
|
Tuấn ở trại K4 Xuân Lộc (Đồng Nai) 18 tháng rồi được đặc xá. Trong thời gian thụ án, anh nổi trội với thành tích giúp xóa mù chữ cho hơn 100 phạm nhân. Nhờ Tuấn, họ biết đọc, tự tay viết thư về cho gia đình và được Phòng Giáo dục H.Xuân Lộc cấp chứng nhận phổ cập lớp 5. Nhưng niềm vui nho nhỏ đó không thể khỏa lấp hết những buồn tủi. Mới cưới vợ 14 ngày đã phải nhận lệnh triệu tập vào TP.HCM. Nhập trại, anh nhất quyết không cho vợ thăm nuôi. Những lần liên lạc qua điện thoại thì động viên ngược để vợ khỏi lo buồn, rằng chỉ vài tháng thôi anh sẽ về lại nhà và ráng sửa sai... Là nói thế thôi, nhưng xấu hổ lắm, vì vợ là giáo viên Trường THPT Núi Thành lại có chồng là phạm nhân. Còn khi rời trại biết làm gì? Không vốn liếng. Người xung quanh dị nghị. Bế tắc. “Cứ tưởng cuộc đời đã chấm hết”, Tuấn hồi tưởng quãng thời gian khủng khiếp đó.
Trang trại cũ hoang tàn ngày anh trở về. Đã lâu không người chăm nom, cá và ếch dưới hồ mất dạng. Xoài, dó bầu trên mấy ngàn mét vuông cũng còi cọc. May quá, còn 1 con bò. Anh dắt bán, kiếm được 13 triệu đồng làm vốn vào Bình Thuận xem cách người ta nuôi nhông trên cát. Dần dà, chính quyền địa phương thôi nghi ngại, cho vay vốn. “Máu” làm ăn chảy lại trong người Tuấn.
Biết ơn vùng cát
Tuấn dẫn tôi đi thăm lại đồi D35 ở Tam Hiệp. Trang trại của ông chủ trẻ “lấy bằng tin học để làm nông dân” ngày nào giờ đã rộng gần gấp đôi, chừng 10.000 m2 . Dưới chân đập Thái Xuân cách đó một cây số đường chim bay, thêm trang trại mới rộng gấp rưỡi. Trang trại thứ ba gần đó cũng xấp xỉ 6.000 m2. Ở các khu này, Tuấn cùng với nhóm nhân công chăn thả đủ loại vật nuôi, nào bò, gà thả vườn, nhông, kỳ đà, heo, vịt trời, gà Đông Tảo... Nhẩm ra, doanh thu mỗi năm chừng 5 tỉ đồng.
Sau hoạn nạn, Tuấn chọn tên mới cho trang trại cũ. Ân Cát, theo cách lý giải kiểu nửa Hán nửa Nôm của anh, là “biết ơn vùng cát”. Vùng đồi cát này đã cho anh cơ hội làm lại cuộc đời, thậm chí còn sở hữu “bộ sưu tập” thành tích đỉnh cao. Sau giải thưởng Lương Định Của, năm 2011 Tuấn lại được vinh danh Gương mặt trẻ tiêu biểu VN. Liên tiếp 3 năm liền 2013 - 2015, anh nhận giải thưởng Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Năm 2015, anh vào top 10 “Sao thần nông cho mùa vàng bội thu”. Năm 2016, anh nhận bằng khen từ Bộ NN-PTNT và Bằng khen Thủ tướng Chính phủ dành cho gương thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi.
tin liên quan
Hướng tới mọi người dân đều khao khát khởi nghiệp: Dân giàu thì nước mạnhĐó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài viết Hướng tới mọi người dân đều khao khát khởi nghiệp trên Thanh Niên số ra ngày 17.10.
Thương hiệu Ân Cát của Tuấn đang có sức hấp dẫn đặc biệt. Nơi từng là điểm đến của nông dân nhiều tỉnh miền Trung trước “sự cố 2006”, sau nhiều ngày bỏ hoang giờ đã lại nhộn nhịp khi các đoàn đại biểu thanh niên khu vực duyên hải miền Trung - Tây nguyên tìm tới để chia sẻ kinh nghiệm. Ngay cả những phạm nhân trại K4 (Đồng Nai) quê ở Thanh Hóa ngày nào cũng xem Ân Cát như một chỗ dựa, đến “mượn” con giống mang về quê làm ăn. “Vì họ có tiền đâu mà mua? Thôi thì coi như mình may mắn hơn, có điều kiện giúp nhau”, Tuấn nói nhẹ tênh. Và lòng anh cũng thư thái trở lại khi trở thành người đầu tiên ở Quảng Nam nhận bằng khen của Bộ Công an hồi năm 2014 dành cho người chấp hành xong án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng. Gánh nặng tâm lý đeo đẳng trước đó như được trút bỏ…
“Lâu nay tôi vẫn hay biếu, cho con giống để các hộ nghèo gầy dựng kinh tế gia đình. Nếu làm ăn khấm khá hơn, tôi sẽ có thêm điều kiện để giúp đỡ các thanh niên và những hộ nông dân nghèo bớt đi cảnh tha hương cầu thực và thoát nghèo bền vững bằng chính sản phẩm nông nghiệp sạch trên quê hương mình. Tôi nhận thấy cơ hội rất nhiều cho những người theo đuổi sản phẩm nông nghiệp ở Quảng Nam”, Tuấn bộc bạch.
Lội thăm hết các trại gà, trại heo và nhìn đàn vịt trời bay tứ phía khi có người lạ, tôi thật sự khâm phục khi hình dung Tuấn đã tạo được cơ ngơi hơn 10 tỉ đồng chỉ từ một con bò còn sót lại ở trang trại cũ cùng với đoạn đời trĩu nặng. Ở tuổi 40, như một ý thơ của Nguyễn Đình Thi, chàng trai ấy đã rũ bùn đứng dậy, sáng lòa…
tin liên quan
Đầu năm bàn chuyện khởi nghiệpNăm 2017, khởi nghiệp sẽ không còn là phong trào mà trở thành tâm
điểm của người trẻ, bởi chưa bao giờ khởi nghiệp nhận được sự quan tâm
và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ như bây giờ...
“Cây sáng kiến”
Từng đoạt giải thưởng “Phát minh xanh Sony” thời sinh viên ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, bây giờ Nguyễn Thanh Tuấn thỏa sức tìm tòi, thử nghiệm với đàn gia súc, gia cầm. Chỉ bằng mẹo nhỏ trộn men rượu vào thức ăn, anh đủ sức “giữ chân” đàn vịt trời, dù chúng bay đi kiếm ăn ở đâu nhưng cuối ngày vẫn quay về vì nghiện món ăn lạ. Dưới chân đập Thái Xuân, anh gieo nhiều loài thảo mộc (chó đẻ, tần ô, tía tô, húng, ngủ ngày...). Gà ăn các loại lá cây ấy sẽ tăng khả năng chống dịch. Kinh nghiệm “trồng cây thảo mộc để nuôi gà thả vườn” sẽ được anh đúc kết, nhân rộng trong năm 2017.
Năm 2014, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng nhông trên cát của anh đã đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc.
|
Bình luận (0)