Rủ nhau đi bắt cá mùa dỡ xe

18/11/2020 08:00 GMT+7

Làng tôi nằm bên bờ con sông Lại. Ngày trước để lấy nước lên đồng làm ruộng, người ta phải làm những bờ xe nước băng ngang qua sông.

Tùy theo khúc sông rộng, hẹp mà Iàm bờ xe một guồng bánh, hai, ba hoặc năm bảy guồng bánh. Dùng sức nước làm quay bánh xe múc nước đổ lên đồng.
Chừng vào độ cuối tháng tám âm Iịch, khi những cơn mưa đã kéo dài và liên tục thì các bờ xe phải được tháo dỡ để thoát nước và không bị cuốn trôi. Hội đồng tự quản bờ xe (gọi là bạn xe) cho người dân được tham gia tháo dỡ những tấm phên độn để lấy những cây nẹp nhỏ và những cây hư gãy, còn bạn xe sẽ nhổ, tháo dỡ những cây cừ, cọc và dàn khung xe cất giữ để dựng lại bờ xe mới vào mùa sau. Chúng tôi ngày đó ở độ tuổi thiếu niên, là đám choai choai nhưng tham gia rất hăng hái. Hôm nào đi học thì một buổi còn ngày nghỉ thì cả ngày lặn ngụp dưới sông, tháo lượm đem về cũng được ba bốn chuyến, để dành làm củi đun, và dùng vào những việc khác rất tốt.
Khi các bờ xe dỡ xong nước sông rút cạn, thì cũng là lúc cơ hội đi bắt cá. Những con suối nhỏ, đìa, vũng cạn tầm thắt lưng trở xuống, hoặc cạn hơn là bắt được cá. Cả làng rủ nhau đi bắt cá, người đi rần rần. Trừ một số người có đồ nghề chuyên nghiệp, còn lại ai có dụng cụ gì thì dùng cái nấy, từ thau, chậu, rổ, rá gàu xách nước, mũ sắt… ham vui là chính. Vì vùng tôi ở vốn làm nghề nông nghiệp chứ không chuyên về đánh bắt cá, với lại một năm mới có một dịp như vậy. Cánh thanh niên trai tráng thì vác đôi nơm, nhủi, tay lưới, vó… Còn nhóm nghiệp dư thì rá, rổ tre, thau nhôm, gàu thiếc, gàu sòng… Bới theo cá cơm ăn trưa, nước uống. Người ta dàn quân xuống lòng suối dùng nơm úp, nhủi vào bờ tre, bờ lùng bắt những con cá lớn, đám chị em phụ nữ, con nít thì dùng vợt rổ hớt những con cá nhỏ như rô, diếc, cá trắng, ốc, tôm tép… Những người mò giỏi thì dùng tay lần vào hang hốc bắt trê, tràu, lươn, chạch… người ta quần xuống kéo lên suốt một đoạn suối dài ngoằn ngoèo. Khi một vài người nào vô nơm được cá to như chép, lóc thì họ ngửa nơm ra đưa lên khỏi đầu và vào bờ cho vào con vịt tre, hoặc xâu dây đeo ở lưng, những lúc như vậy là cả đoàn cùng ồ lên hoan hô vang dội rất là khí thế. Âm thầm lặng lẽ là đám con nít và mấy chị phụ nữ chỉ vớt được những con cá nhỏ, hoặc cua ốc, nhưng ai cũng ham hố dữ lắm. Sau một ngày lặn ngụp khi mặt trời đỏ quạch sau bờ tre thì đoàn người lục tục kéo nhau ra về, ai cũng có vẻ thỏa mãn với thành quả lao động của mình, bàn tán rôm rả lúc lên bờ trước khi chia tay ai về nhà nấy và không quên hẹn ngày mai nhé.
Khi về đến nhà thì mẹ tôi đã chờ sẵn tôi ở ngõ sau, tôi giao cho bà chiếc gàu thiếc, với ước chừng cỡ mấy ký cá nhỏ, thành quả Iao động một ngày của tôi, mẹ tôi cầm lấy và vui lắm, hối tôi đi tắm rửa nhanh kẻo Iạnh. Mẹ tôi đem ra bờ giếng rửa, nhặt nhạnh thật kỹ, lựa những con cá tràu để ra nấu canh chua với khế, còn lại ướp vào cái trã đất với nghệ tươi, hành tím, tiêu xanh rồi um lên, mùi khói, mùi cá kho thơm quyện một góc bếp. Bữa cơm tối dọn ra hôm ấy cả nhà được ăn bữa cơm nóng với nồi canh chua cá tràu, món cá đồng kho nghệ ngon đến mức vét sạch cả nồi cơm mà đứa nào cũng còn chép miệng. (Hồi ấy cha tôi đi làm công nhân xa nhà lâu mới ghé về một lần, nên việc gì cũng chỉ mấy mẹ con). Giờ mấy chục năm rồi ngồi nghĩ lại vẫn còn nuối tiếc giá mà hồi đó mình có chút “mưu lược” thì cũng đã bắt được cho mẹ mình những con cá to.
Làng tôi giờ đã thuộc vào thị xã, xóm nhà xưa nay gọi là khu phố. Con đường làng ngày trước giờ là con đường nhựa thẳng tắp, có hàng trụ điện lắp đèn cao áp sáng trưng không còn cảnh đèn vàng leo lét như xưa. Mẹ tôi giờ đã già, tóc bạc trắng, mắt mờ, tai Iãng, cánh trai làng ngày đó nay thành bác thành ông, đám con nít choai choai chúng tôi giờ cũng lên hàng ngũ tuần lục tuần. Tôi rời làng quê đi học rồi lập nghiệp luôn ở thành phố, một hai năm hoặc có khi mấy năm mới ghé về thăm nhà một bận.
Cảnh vật và người quê đã thay đổi khá nhiều. Bờ sông ngày trước có bờ xe nước giờ đã là bờ kè bê tông, con đường chạy dọc bờ sông được tráng nhựa, lắp điện đường, hàng quán mọc lên buôn bán nhộn nhịp. Tôi bước chân vào quán ngồi nhìn ra sông, gió từ bờ sông thổi vào mát rượi, ký ức ngày xưa lại trở về, những mùa dỡ xe, mùa đi bắt cá, khói bếp lam chiều... và bữa cơm tối với nồi canh chua cá tràu nấu khế, trã cá đồng kho nghệ thơm nức vẫn còn đọng mãi trong ký ức.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.