Chiều cao của núi Đá Bia (706 m) khá khiêm tốn so với bộ sưu tập những đỉnh núi mà dân mê du lịch từng chinh phục từ Kinabalu (Malaysia - 4.101 m), Fansipan (Lào Cai - 3.143 m), Langbiang (Lâm Đồng - 2.167 m), Yên Tử (Quảng Ninh - 1.086 m nhưng khó leo hơn Langbiang) cho đến Bà Đen (Tây Ninh - 986 m), Chứa Chan (Đồng Nai - 837 m)…
Núi Đá Bia chỉ cao hơn núi Tà Cú (Bình Thuận - 649 m). Vì thế, thật thích hợp khi chọn Đá Bia là nơi để... test sức khỏe!
tin liên quan
Vĩnh biệt người cả đời tìm kiếm 'Kho vàng 4.000 tấn' ở núi TàuCụ đã bỏ ra hàng nghìn lượng vàng trong mấy chục năm qua với mục đích “lấy vàng lên cho ngân khố quốc gia”. Cụ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tìm vàng cho mình.
Chúng tôi chia đều thành 4 đội, tính điểm tập thể thời gian “làm bài tập” và có điểm cộng cho đội nào thu gom được nhiều rác dọc đường nhất với mong muốn mình đi tới đâu, chỗ đó phải sạch, đẹp hơn.
Leo núi nào cũng mệt. Nhất là đối với dân làm văn phòng. Kinh nghiệm mấy lần leo trước, hễ chủ quan là “lãnh đủ”. Thông thường càng khó, càng phải chuẩn bị kỹ, từ tập luyện, tâm lý đến trang phục, vật dụng, thực phẩm, nước uống… Thực tế, khi chinh phục Langbiang, có vài thành viên từng đứng trên nóc nhà Đông Dương phải bỏ cuộc khi gần tới đỉnh vì thiếu nước.
Thông tin cho biết, đoạn đường lên đỉnh dài khoảng 2.500 m với 2.071 bậc thang và một số cây cầu bắc qua các gộp đá lớn. Người bình thường lên và xuống mất khoảng trên dưới 4 giờ. Việc đầu tiên là tìm cho mình “chiếc gậy Trường Sơn”, vừa làm vật chống, đỡ khi lên xuống dốc cao vừa đề phòng rắn rết.
tin liên quan
Cụ ông 86 tuổi đi phượt khắp đất nước bằng xe cub 50Cụ Phạm Văn Ngọc, 'phượt thủ' siêu đẳng tuổi 86 đã đi khắp đất nước trên xe cub 50. Hôm qua, cụ đã dừng chân tại Hà Nội trên chuyến hành trình lên Cao Bằng.
Tôi mang theo 1 lít nước chanh muối pha loãng, mấy viên kẹo sô cô la và vài trái chuối. Lên đường, ai đi tới đâu tôi túc tắc lên tới đó. Chọn đi vào sáng sớm để xuống núi, về Tuy Hòa kịp ăn trưa. Núi Đá Bia cách T.P Tuy Hòa 27 km, sát chân đèo Cả, QL 1. Ngay lối vào núi có mấy quán nhỏ, khách có thể mua nước mang theo. Dọc đường leo núi sẽ không có bán bất cứ thứ gì.
|
Từ ngoài bãi xe, đi bộ chừng 300 m đường mòn thoai thoải là tới chân núi. Nghe nói đường lên đỉnh chỉ hơn 2,5 km thì tưởng dễ ăn nhưng bé cái lầm. Đây là đường leo núi duy nhất có sẵn bậc thang nhưng toàn dốc ngược, bậc thang cao từ 3 - 5 tấc. Đi chừng vài trăm mét là phải dừng để thở, nếu không dễ bị hiện tượng ép tim.
Đường đẹp, cứ vút lên giữa ngút ngàn xanh cây lá. Càng lên cao khí hậu càng dịu nhưng ai cũng đẫm mồ hôi vì leo dốc. Có đoạn phải gập người bò qua mấy bụi tre như xuất hiện để cố tình gây khó dễ. Cây hai bên đa phần là tre, trúc; có đến mấy chục loại. Lá tre, lá cây trải đầy lối đi, dịu dàng đưa đẩy. Xa hơn là mấy thân cổ thụ như chò, trâm, dẻ, cồng, thị, cà ná…
Nhiều loại hoa và nấm lạ rất đẹp, chưa ai biết tên gì. Càng lên cao gió càng hào phóng, như tưởng thưởng và khuyến khích khách bộ hành. Trời nắng nhẹ, rất đẹp cho chuyến đi. Càng đi, đất càng thấp hơn, đỉnh càng gần hơn và cảnh trí càng mê hoặc. Các nhóm bắt đầu phân hóa theo sức bền. Nhóm đi đầu cứ băng băng và chuyện trò rôm rả, vang vọng cả núi rừng. Nhóm trung bình thì âm thầm, lặng lẽ, cố “vượt qua chính mình”...
Khó nhất là đoạn cuối. Chỉ mấy trăm bậc thang, có tay vịn nhưng dốc 45 - 60 độ nên phải mấy lần dừng để thở. 8 giờ 30 xuất phát thì 10 giờ nhóm đầu tiên lên đỉnh núi, trong khi nhóm cuối phải gần 11 giờ mới tới nơi. Đỉnh Đá Bia tràn ngập màu áo đồng phục dã ngoại và rộn rã những nụ cười chiến thắng. Hôm đó đang nắng đẹp bỗng dưng mưa lất phất rồi rát mặt. Mây nghịch ngợm sà xuống, bủa vây tứ phía, che khuất mọi tầm nhìn. Cứ hư thực như lạc vào chốn thinh không, chỉ thấy đá và mây quấn quýt.
Núi Đá Bia thuộc dãy đèo Cả. Từ đỉnh cao 706 m, thấy sừng sững một khối đá khổng lồ cao chừng 80 m. Trời quang có thể nhìn thấy từ xa trên 50 km. Tùy khoảng cách mà khối đá có hình thù khác nhau. Ở ngoài biển nhìn vào trông hệt ngón tay cái, như ngọn hải đăng ban ngày cho tàu thuyền định hướng.
Từ Khánh Hòa ra thấy giống mũi giáo chĩa lên không trung hoặc linga của vũ trụ, hay ngòi bút của trời (“Bi sơn bút thế’’ - thế núi như ngòi bút). Từ Tuy Hòa vào ngó tựa tượng Phật hoặc nhà sư đang xuống núi, nên có người bảo đó là sơn thần. Lưng chừng núi, tùy góc mà nhìn thì lại giống cùi bắp, bia mộ hay tháp Chăm cổ. Đến gần nom hệt như sư tử nằm xuôi sườn núi…
Núi Đá Bia là danh sơn không chỉ của Phú Yên mà cả nam Trung bộ, được nhắc nhiều trong các thư tịch cổ của VN, Trung Quốc và cả phương Tây. Có người còn đồn đại rằng “Đá Bia có huyệt đế vương, vượng khí rất nhiều; từng bị Cao Biền (nhà Đường, Trung Quốc) yểm huyệt’’…
Núi còn có tên là Thạch Bi Sơn, được vua Minh Mạng cho khắc vào Tuyên Đỉnh (trong Cửu Đỉnh ở Thái Miếu) kinh thành Huế từ năm 1840. Tương truyền, năm 1471, vua Lê Thánh Tông từng dừng chân và cho người khắc bia trên núi.
Ngoài tên gọi trên, núi Đá Bia còn có các tên khác như: Đồng Trụ Sơn, Lingaparvata (nghĩa là Linga - đấng Đại sơn thần, ngọn núi thiêng, hiện thân của thần Siva trong đạo Hindu), Le Doigt de Dieu (Ngón Tay Chúa, cách gọi của người Pháp cuối thế kỷ 19), Hơ Đoang Ktor (núi Cùi Bắp, cách gọi của người Chăm ở Phú Yên), Kut Bhih hoặc Kut Hbia Kmhêng (nghĩa là mộ của bà Bhih hoặc mộ bà chúa Cọp, cách gọi của người Ê đê ở Phú Yên) hay núi Ông Bia (cách gọi phổ biến của dân địa phương, thể hiện sự tôn kính). Mỗi tên gọi đều gắn liền với những sự tích kỳ thú...
Xuống núi với mịt mùng mây, cứ tưởng đang lơ lửng giữa trời. Khỏe sức, đi một mạch không nghỉ, cũng mất hơn một giờ. Vừa đi vừa nghỉ thì phải mất gấp đôi. Ai cũng giật mình vì độ dốc của con đường mình vừa đi qua.
Hoàn thành bài kiểm tra thể lực thú vị và ấn tượng với núi Đá Bia, bộ sưu tập leo núi của chúng tôi được bổ sung cho rõ là “đỉnh núi Đá Bia” chứ không phải đỉnh Đá Bia, vì chưa ai lên được đỉnh của khối đá cao 80 m.
Chợt nghĩ, Phú Yên có thể mở cuộc thi “leo núi Đá Bia” hằng năm để du khách gần xa đến xứ nẫu “kiểm tra thể lực “ và thưởng thức nhiều món ngon, cảnh đẹp của “Một vùng đất Phú, trời Yên”, Tại sao không nhỉ!
Bình luận (0)