Sau khi ăn, chén bát và các vật dụng liên quan như dĩa, nồi, đũa, muỗng cần sớm được rửa sạch. Nếu để quá lâu, đây sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Khi rửa chén bằng tay, mọi người cần vệ sinh thật kỹ miếng bọt biển để hạn chế vi khuẩn sinh sôi và phát tán |
SHUTTERSTOCK |
Vi khuẩn có thể tồn tại trên các bề mặt đến 4 ngày, ngay cả ở bề mặt sạch. Vì vậy, chén và các vật dụng trong bếp được rửa sạch sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh.
Khi rửa chén bằng tay, vật dụng tiếp xúc có nhiều vi khuẩn nhất chính là miếng bọt biển rửa chén. Trong khi đó, máy rửa chén cũng dễ bị nhiễm khuẩn không kém. Các nghiên cứu cho thấy 100% máy rửa chén có chứa vi khuẩn, chủ yếu tập trung ở miếng đệm cao su của máy, theo tờ Columbia Daily Tribune (Mỹ).
Ngoài ra, một nghiên cứu công bố năm 2018 trên chuyên trang Applied and Environmental Microbiology đã kiểm tra 24 máy rửa chén. Kết quả là phát hiện nhiều loại vi khuẩn và nấm trên các máy rửa chén này.
Tuy nhiên, tất cả chúng đều được xếp vào loại mầm bệnh cơ hội, tức là về cơ bản chúng vô hại với người khỏe mạnh. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch bị tổn thương có thể phát bệnh nếu bị nhiễm vi khuẩn và các loại nấm này.
Dù vi khuẩn vẫn xuất hiện trong máy rửa chén nhưng thiết bị này vẫn được xem là tốt cho sức khỏe hơn so với rửa bằng tay. Nguyên nhân chính là do nhiệt độ nước của máy rửa chén. Máy rửa chén sử dụng nước nóng từ 60 đến 63 độ C. Nhiệt độ này có thể gây bỏng da. Do đó, máy sẽ tiêu diệt vi khuẩn tốt hơn và giúp chén bát sạch hơn.
Hơn nữa, rửa chén bằng máy sẽ không phải dùng miếng bọt biển, vật dụng vốn là nơi cư ngụ của nhiều vi khuẩn và mầm bệnh. Với những người vẫn yêu thích rửa chén bằng tay, cách chuyên gia khuyến cáo hãy thường xuyên vệ sinh kỹ miếng bọt biển để giảm thiểu vi khuẩn phát tán lên chén dĩa và các vật dụng khác trong bếp, theo Healthline.
Bình luận (0)