Rực rỡ cây nêu cờ Tổ quốc

05/02/2019 10:00 GMT+7

Đã thành thông lệ, cứ đến cuối năm âm lịch là người dân xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương lại dựng cây nêu và treo cờ Tổ quốc để tiễn năm cũ đón năm mới.

Một ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, khi đang di chuyển trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chúng tôi bất ngờ nhìn thấy một vùng trời phất phới những lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió. Cả trăm lá cờ Tổ quốc còn mới tinh được treo chót vót trên những cây tre thẳng tắp, đẹp vô cùng. Hỏi thăm, chúng tôi biết đó là khu vực xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà (Hải Dương), nơi người dân vẫn giữ truyền thống dựng cây nêu đón tết.
Từ thành phố Hải Phòng, đi qua đò Quang Thanh, thuộc huyện An Lão (thành phố Hải Phòng) để về xã Thanh Cường, chúng tôi lân la vào nhà ông Lê Đình Toàn (57 tuổi, ngụ thôn Hạ Trường, xã Thanh Cường). Trên sân thượng, ông Toàn dựng một cây tre cao hơn 4 m thẳng tắp và còn nguyên ngọn. Xung quanh thân cây tre có trang trí đèn led. Giống như hình ảnh chúng tôi nhìn thấy từ xa, trên ngọn tre là lá cờ Tổ quốc còn rất mới. Thấy chúng tôi ngắm nghía, chụp ảnh cây nêu nhà mình, ông Toàn vừa bế cháu ngoại vừa cười: “Cây nêu truyền thống thôi mà. Ngày xưa ông bà ta chả có câu thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh mới ra ngày tết còn gì”.
Đon đả mời chúng tôi vào nhà, ông Toàn nói thêm về tục trồng cây nêu ở Thanh Cường: “Ngày xưa có tục dựng cây nêu thường buộc lên ngọn một cái liềm, một cái đèn dầu hoặc đèn bão. Bây giờ thì treo cờ Tổ quốc, đèn nháy cho đẹp. Ý nghĩa cây nêu thì vẫn là xua đuổi cái xấu, cái không may, tiễn năm cũ, đón năm mới về với nhiều điều tốt đẹp. Riêng lá cờ là để tượng trưng cho Tổ quốc luôn ở trên cao nhất”. Theo ông, cây nêu phải là tre tươi, thẳng, trên ngọn có nhiều tán thì mới tốt đẹp.
Thông thường cứ sau khi cúng ông Công ông Táo là người dân xã Thanh Cường bắt đầu dựng cây nêu. Nhà nào cẩn thận, có nhiều thời gian thì đi tìm tre về dựng, còn không thì đi mua. Mấy năm gần đây, thương lái mang tre về đây bán. Giá mỗi cây tre khoảng 50.000 đồng. “Người ta bán tre như bán cây quất, cây đào ngày tết vậy, trẻ con thích lắm. Nhà tôi mua chậm nên chỉ được cây tre cao hơn 4 m, chứ nhiều nhà cao lắm, đứng từ xa đã trông thấy rất đẹp”, ông Toàn vừa nói vừa dẫn chúng tôi lên nóc nhà xem cây nêu.
Về truyền thống treo cờ Tổ quốc lên ngọn cây nêu, ông Vũ Hữu Giáp (73 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Xá), Hội trưởng Hội người cao tuổi của xã, nói có từ khoảng năm 1954 - 1955, khi Hải Phòng mới giải phóng. “Truyền thống dựng cây nêu ngày tết thì có lâu rồi, hồi tôi còn nhỏ cũng có thấy làm. Sau khi Hải Phòng giải phóng thì có thêm lá cờ, khoảng 10 năm gần đây thì nhà nào cũng treo cờ lên cây nêu”, ông Giáp nói.
Ông Lê Công Bồng, Trưởng ban Văn hóa xã Thanh Cường, cho biết việc dựng cây nêu là một truyền thống có tính “tự phát trong dân”. “Đây không phải phong trào, phong tục do chính quyền địa phương hay hội nào phát động mà đã có và duy trì từ xưa. Cây nêu thể hiện sự đầm ấm của ngày xuân. Việc treo cờ là thể hiện tình yêu nước”, ông Bồng nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.