Loạt nông sản mang về tỉ USD
Sầu riêng, cà phê, gạo, hồ tiêu… là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã về đích dù năm 2024 còn đến 3 - 4 tháng nữa mới kết thúc. Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) trước nay luôn cập nhật số liệu nhanh và cung cấp thông tin cho báo chí một cách thời sự nhất nên khi vừa kết thúc tháng 9, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT, hồ hởi chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: "Chỉ mất 9 tháng năm 2024 xuất khẩu rau quả đã bằng cả năm 2023, chủ yếu cũng nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của trái sầu riêng. Ước tính đến hết tháng 9, xuất khẩu sầu riêng đã vượt mốc 2,5 tỉ USD, vượt qua kỷ lục xuất khẩu sầu riêng đạt được trong năm 2023 là hơn 2,2 tỉ USD".
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, hiện nay số người Trung Quốc "biết ăn" sầu riêng chưa nhiều và mới chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn và vùng ven biên giới với Việt Nam. Dù vậy thị trường vẫn đạt quy mô khoảng 8 tỉ USD vào năm 2023. Do đó, dung lượng thị trường vẫn còn khả năng mở rộng trong nhiều năm tới. Bên cạnh Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, các quốc gia châu Âu cũng bắt đầu biết ăn sầu riêng và tăng nhập sản phẩm của Việt Nam. Năm 2025, sầu riêng nhiều khả năng sẽ tiếp tục là "ngôi sao sáng" và riêng mặt hàng sầu riêng đông lạnh có thể mang về doanh thu thêm 300 triệu USD để nâng tổng kim ngạch vượt 4 tỉ USD.
Cũng không ai có thể ngờ, quả chuối quen thuộc trong vườn nhà của mỗi người Việt giờ đây đã vượt mặt "ông trùm" Philippines để chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường tỉ dân Trung Quốc. Sự tăng tốc bất ngờ này giúp chuối trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ ba của ngành rau quả Việt Nam sau sầu riêng và thanh long. Các loại mít, xoài, dừa, dưa hấu, bưởi… mà người Việt ăn hằng ngày cũng đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số. Theo dự báo của VINAFRUIT trong năm 2024 xuất khẩu rau quả có thể mang về kim ngạch lên tới trên 7 tỉ USD, tăng trên 1,3 tỉ USD so với năm 2023. Tại thị trường Trung Quốc, trong 5 loại trái cây có kim ngạch nhập khẩu cao nhất thì Việt Nam có đến 4 sản phẩm là sầu riêng, chuối, măng cụt và dừa tươi.
Điều tương tự cũng ghi nhận được ở mặt hàng cà phê. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt con số kỷ lục là 4,2 tỉ USD (1,6 triệu tấn). Sang năm 2024, chỉ mất 8 tháng Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê hơn 4 tỉ USD dù sản lượng chỉ khoảng 1,1 triệu tấn.
Gạo cũng có kịch bản rực rỡ về lượng và giá. Nếu so 8 tháng của năm 2024 thì lượng gạo xuất khẩu tương đương năm 2020 và 2021 nhưng giá trị tăng lần lượt đến 700 và 500 triệu USD. Còn ước tính đến hết tháng 9, xuất khẩu gạo có thể bằng cả năm 2022 (năm 2023 là năm có lượng xuất khẩu lịch sử 8,1 triệu tấn).
Bên cạnh những "ông lớn" với kim ngạch xuất khẩu vài tỉ USD thì "vàng đen" - hồ tiêu cũng kịp chạm mốc lịch sử 1 tỉ USD. Nhiều năm qua, hồ tiêu liên tục phấn đấu quay trở lại "câu lạc bộ tỉ USD" nhưng cũng không ít lần lỡ nhịp. Năm 2024 cục diện đã thay đổi, hồ tiêu chỉ mất 9 tháng để hoàn thành mục tiêu nhờ giá tăng cao. Tại thị trường trong nước, giá duy trì quanh mốc 150.000 đồng/kg trong một thời gian dài khiến bà con trồng tiêu cải thiện thu nhập sau nhiều năm gặp khó khăn.
Hưởng lợi từ… biến đổi khí hậu
Thành tích "lấp lánh" của các loại nông sản nói trên thật bất ngờ lại đến chủ yếu từ tình trạng biến đổi khí hậu. Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nguồn cung sụt giảm mạnh trên quy mô toàn cầu.
Hồi tháng 8, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết đây là tháng 8 ấm nhất trong lịch sử. Nhiệt độ trung bình của đất liền và bề mặt đại dương toàn cầu cao hơn tới 1,27 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20. Tháng 8 cũng đánh dấu tháng thứ 15 liên tiếp nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục. WMO sử dụng các tập thông tin dữ liệu từ các tổ chức uy tín của Mỹ (NOAA, NASA) châu Âu (C3S) cho thấy nếu năm 2023 là năm có nhiệt độ trung bình cao nhất lịch sử thì theo những số liệu hiện tại, khả năng mức nhiệt độ của năm 2024 tiếp tục vượt 2023.
Tổng thư ký WMO, bà Celeste Saulo nhận định: Ngay cả khi hiện tượng La Nina xuất hiện cũng sẽ không thay đổi xu hướng nhiệt độ toàn cầu tăng do lượng khí nhà kính giữ nhiệt trong khí quyển không giảm. Trong 3 tháng 6, 7, 8, chúng ta chứng kiến thời tiết khắc nghiệt trên diện rộng, bao gồm cả nhiệt độ cao và lượng mưa lớn đến mức cực đoan ở nhiều nơi. "Hạn hán là mối nguy hiểm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nó đe dọa an ninh lương thực và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng di dân trong nước ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nó có thể gây ra tác động tàn phá đối với môi trường và nền kinh tế, đồng thời đảo ngược tiến trình phát triển bền vững", bà Celeste Saulo nói.
Bối cảnh này đã mang lại lợi thế lớn cho hạt gạo Việt Nam. Bởi cũng chính nắng nóng do hiện tượng El Nino cường độ mạnh khiến quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ phải áp dụng hàng loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu. Trong suốt 14 tháng, nguồn cung này chỉ đáp ứng nhu cầu gạo thế giới theo cấp chính phủ vì mục tiêu nhân đạo. Ở chiều ngược lại, hầu hết các nước đều phải tăng nhập khẩu để bổ sung sự thiếu hụt tại thị trường nội địa. Ngay cả Nhật Bản cũng đối mặt với tình trạng lượng gạo dự trữ giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm gần đây. Người dân lao đến siêu thị vét khiến những kệ gạo trống trơn. Đến mức, nước này phải khuyến cáo mỗi người chỉ mua 1 túi gạo mỗi lần và không nên tích trữ nhằm tránh làm thiếu hụt thêm căng thẳng. Tại các nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới như Philippines và Indonesia, lượng gạo nhập khẩu trong năm 2023 hay trong năm 2024 đều ở mức cao kỷ lục. Ở các nguồn cung thay thế như: Thái Lan, Việt Nam hay Pakistan, Myanmar… giá gạo vượt mức 600 USD/tấn trong thời gian dài. Tại Việt Nam đỉnh điểm giá gạo lên tới trên 650 USD trong suốt tháng 11 và 12.2023.
Trong khi giá gạo tăng gấp rưỡi thì giá cà phê đã tăng gấp đôi, gấp 3, còn cơn sốt giá cà phê đã kéo dài đến năm thứ tư và dự báo sẽ còn tiếp tục vì nguồn cung vẫn hạn chế. Điều tương tự cũng diễn ra với một số mặt hàng khác như hồ tiêu.
Có thể thấy, nếu biến đổi khí hậu khiến nhiều nước rơi vào tình trạng thiếu hụt lương thực - thực phẩm thì Việt Nam lại đang hưởng lợi khá lớn.
Việt Nam thuận thiên để tạo lợi thế
Với Việt Nam nói chung, đặc biệt là ĐBSCL - một trong 3 đồng bằng trên thế giới bị tác động nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng - thì vấn đề càng trở nên phức tạp. Vì ngoài yếu tố tự nhiên, ĐBSCL phụ thuộc vào lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Những năm gần đây, nguồn nước này chịu nhiều tác động từ phía thượng nguồn, nhất là các đập thủy điện và kênh đào. Do đó, trong những năm tới, ĐBSCL đối diện thách thức lớn trong việc sử dụng tài nguyên nước hợp lý và hiệu quả. Ngoài ra, nước tưới cũng là vấn đề với vùng đất Tây nguyên - vựa cà phê, sầu riêng, hồ tiêu. Những năm gần đây, mực nước mặt hạn chế trong khi nước ngầm cũng nhiều lần bị cảnh báo sụt giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức.
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ xác định hướng phát triển thuận thiên (Nghị quyết 120) theo từng vùng sinh thái ở ĐBSCL là hướng đi phù hợp. Đặc biệt, việc thông qua Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp để đẩy mạnh sản xuất lúa theo phương pháp mới tiết kiệm nước, ướt - khô xen kẽ; được xem là giải pháp kỹ thuật nhằm sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Đó là định hướng chiến lược chung, đối với từng vùng sinh thái cũng như từng đối tượng cây trồng vật nuôi cần được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất với phương châm sử dụng tài nguyên tối thiểu để tạo ra giá trị tối đa.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nêu quan điểm: Về cơ bản chúng ta có 2 giải pháp. Thứ nhất là tìm cách giảm lượng phát thải khí nhà kính để làm chậm quá trình và thứ hai là tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu. Đối với giải pháp thứ nhất trong nông nghiệp chúng ta có Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là hành động cụ thể và nỗ lực rất đáng hoan nghênh của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn chính là thích nghi với nó thì chúng ta vẫn còn chưa có nhiều hành động tích cực tương tự như Đề án 1 triệu ha lúa nói trên. Các nước đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực khoa học phục vụ sản xuất xanh.
Chẳng hạn như Trung Quốc đầu tư nghiên cứu giống lúa giảm phát thải khí methane. Ở góc độ khoa học, từ năm 2000 người ta không còn tư duy chạy theo sản lượng mà tập trung vào phẩm chất sản phẩm; họ chuyển đổi hệ thống đo lường từ kg/ha sang Kcal/ha. Trong lĩnh vực lúa gạo, nhiều nước phát triển các giống lúa giàu dinh dưỡng dành riêng cho từng đối tượng như người bệnh tiểu đường, tim mạch… Mới đây, Philippines cũng bắt tay với Hàn Quốc nghiên cứu phát triển giống lúa có chỉ số đường huyết thấp. "Trong chiến lược thích nghi về lâu dài với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần đầu tư mạnh và chủ động hơn cho công tác nghiên cứu khoa học để phát triển giống mới, kỹ thuật canh tác mới, công nghệ hiện đại vì đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững", GS-TS Bùi Chí Bửu khuyến nghị.
Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu là quá trình không thể đảo ngược, dẫn đến diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan và con người chỉ có thể làm chậm lại sự tiến triển của nó. Chính vì vậy với những vùng sản xuất nông nghiệp lớn như ĐBSCL và Tây nguyên, giải pháp công trình là cần thiết. Tuy nhiên công trình ở đây cần được đầu tư dựa trên nguyên tắc tôn trọng tự nhiên. Những công trình có quy mô nhỏ và vừa để phục vụ cho từng khu vực sinh thái, dân cư và sản xuất; hạn chế những công trình quy mô lớn vì như vậy vô tình chúng ta sẽ tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên.
Với xu hướng tăng trưởng hiện tại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, các chuyên gia trong ngành đã dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2030. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi việc mở rộng danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cũng như sự phát triển của các sản phẩm chế biến như sầu riêng đông lạnh và sấy. Dự báo đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam thậm chí sẽ có thể đạt mốc 15 tỉ USD.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT)
Bình luận (0)