Phần lớn các dự án điện than hiện nay đang thực hiện theo hình thức BOT. Nhiều chuyên gia cho rằng ngoài sức ép môi trường, các dự án này sẽ là gánh nặng lên hóa đơn tiền điện trong tương lai cùng nhiều rủi ro khác.
tin liên quan
Bùng nổ năng lượng tái tạoNăm 2017, VN đón nhận nguồn vốn đầu tư gần 5 tỉ USD vào 2 dự án nhiệt điện than. Đó là dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỉ USD. Dự án thứ 2 là xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1. Trước đó, cuối năm 2016 một thống kê của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết: VN có 11 dự án nhiệt điện than quy mô tỉ USD theo hợp đồng BOT ở khắp cả nước.
Những con số trên cho thấy số dự án nhiệt điện than theo hình thức BOT chiếm khoảng một nửa trong tổng số các dự án điện than. Phần lớn các dự án này đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Các dự án nhiệt điện than cần vốn lớn nên chính sách thu hút đầu tư theo hình thức BOT trước mắt tỏ ra hiệu quả. Tuy nhiên về lâu dài có thể có những hệ lụy không lường trước được.
Cụ thể an ninh năng lượng ngoài việc phụ thuộc vào công nghệ lạc hậu của các chủ đầu tư nước ngoài, nguồn than nhập khẩu, VN còn lệ thuộc vào các chủ đầu tư nước ngoài. Giả thuyết trong thời gian tới, giá than tăng đột biến hoặc vì một lý do nào đó các chủ đầu tư không vận hành đúng kế hoạch thì khoảng trống năng lượng đó sẽ không có cách nào lấp đầy. Hoặc nếu họ cùng nhau tăng giá bán so với giá đã ký hợp đồng ban đầu chúng ta cũng khó có giải pháp nào ứng phó. Những câu chuyện bất cập về BOT giao thông trong thời gian qua càng làm cho nhiều người lo lắng về các BOT điện than.
tin liên quan
Trung Quốc đổ vốn vào nhiệt điện than Việt NamChính vì vậy, với tiềm năng sẵn có về gió và năng lượng mặt trời, cộng với việc nhiều doanh nghiệp và người dân sẵn sàng bỏ tiền vào để đầu tư thì giải pháp khôn ngoan chính là tạo ra cơ chế thông thoáng để thúc đẩy điện sạch phát triển. Đó là chưa kể nếu duy trì một tỷ lệ lớn điện than theo Quy hoạch điện VII hiện nay, về tương lai sẽ là điểm trừ cho hàng hóa xuất khẩu. Bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa mà còn xem trọng giá trị bền vững hàng hóa đó đối với môi trường. Đó là lý do không phải nhiều “ông lớn” trong các lĩnh vực từ công nghệ, thực phẩm, tiêu dùng đang thi nhau lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại cơ sở sản xuất của mình.
Nhiều nhà sản xuất như: Intel, Samsung, Coca Cola, Heineken... đã thực hiện chiến lược sản xuất bằng năng lượng thân thiện với môi trường. Danh sách này sẽ ngày càng dài hơn vì với góc độ là một đất nước phát triển dựa vào xuất khẩu, tự thân các doanh nghiệp sẽ trang bị cho mình các loại “chứng chỉ” xanh như vậy để hàng hóa tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu, tiêu chuẩn mới của thế giới. Theo Nhóm đối tác năng lượng VN (VEPG), trong giai đoạn 2010 - 2015, cường độ sử dụng năng lượng của VN cao gấp 2 lần so với cường độ sử dụng năng lượng trung bình toàn cầu và là một trong những nước có cường độ sử dụng năng lượng cao nhất tại Đông Á. VN cũng cam kết giảm mức tiêu thụ năng lượng hằng năm trên một đơn vị GDP từ 1 - 1,5%.
Chính vì vậy, một điều quan trọng khác là nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Bên cạnh đó VN cũng cần có chính sách bao gồm các cơ chế khuyến khích và xử phạt để mọi đối tượng và các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
Bình luận (0)