Rủi ro khi đưa tranh đi nước ngoài

05/08/2017 07:33 GMT+7

Gần đây, một số họa sĩ, gallery đem tranh ra nước ngoài triển lãm và đã bán được nhiều bức với giá cao, thắp lên hy vọng về chỗ đứng tranh Việt trên thị trường quốc tế.

Thế nhưng, trên hành trình đem tranh xuất ngoại vẫn có nhiều rủi ro.
Khó mua bảo hiểm
Khi mang tranh đi nước ngoài tham gia các hội chợ nghệ thuật, để đề phòng rủi ro như hư hỏng, bị cháy, mất cắp, một số họa sĩ hoặc gallery thường mua bảo hiểm cho tranh, đặc biệt các tranh có giá trị cao.
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm - người từng bán nhiều tranh cho các gallery nước ngoài, cho biết các gallery ở Hồng Kông mà anh từng cộng tác phải bỏ rất nhiều chi phí để mua bảo hiểm trong quá trình vận chuyển tranh của anh đi tham dự triển lãm nghệ thuật tại các nước. “Tuy nhiên, quá trình này khá phức tạp, giá thành cao, phải khai thuế nên không phải gallery Việt nào cũng chịu mua bảo hiểm cho tranh”, anh nói.
Họa sĩ Tâm cũng cho biết việc bán bảo hiểm cho tranh hiện chỉ được áp dụng khi sử dụng hãng vận chuyển nước ngoài. Theo đó, đại diện bên bảo hiểm sẽ tới tận nhà họa sĩ để chụp ảnh, chứng kiến toàn bộ quá trình bọc tranh, đóng tranh và chụp ảnh gửi lại cho công ty và khách hàng.
Ngoài ra, một số nhà sưu tập người Đức, Anh vẫn sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để mua bảo hiểm khi đưa những tranh Việt có giá trị cao, ít nhất từ 10.000 USD/bức trở lên, về nước. “Các nhà sưu tập người nước ngoài của tôi phần lớn đều mua bảo hiểm khi mang tranh ra khỏi VN. Đặc biệt là họ phải chịu thuế xuất nhập khẩu rất cao nên luôn có ý thức tự mua bảo hiểm cho tranh để đề phòng rủi ro còn được đền bù”, họa sĩ Tâm chia sẻ.
Trong khi đó, theo bà Lý Bích Ngọc, đại diện nhà đấu giá Lythi Auction, VN không nằm trong Hiệp hội Bảo hiểm tài chính quốc tế nên các nhà bảo hiểm quốc tế chuyên bán cho các tác phẩm nghệ thuật, đồ xa xỉ phẩm đó không bán bảo hiểm tại VN, nên có muốn mua bảo hiểm cho tranh tại VN cũng không mua được. “Như vậy thì tôi cũng không thể mang tranh ra hay vào VN được. Mỗi lần mang tranh đắt tiền đi nước ngoài mà tranh không mua bảo hiểm được thì rất hồi hộp. Bán tranh chuyên nghiệp thì không thể như vậy được. Hầu hết những nhà sưu tập trả tiền những món lớn đều coi việc mua bán tranh như đầu tư tài chính, mà một trong các điều kiện bắt buộc của việc đầu tư là bảo hiểm”, bà Ngọc cho hay.

tin liên quan

Từ tranh chép đến tranh giả
Không ít họa sĩ nhận định: nếu tranh được chép nguyên cả chữ ký của họa sĩ sẽ thành tranh giả, điều này khiến nhiều người yêu nghệ thuật chưa có kinh nghiệm mua lầm.
Tranh bị giữ lại
Một số gallery Việt cho biết họ ngại nhất là vấn đề thủ tục hải quan khi đưa tranh ra nước ngoài, đặc biệt khi gửi tham gia các hội chợ nghệ thuật, triển lãm. Theo tìm hiểu, rủi ro nhất khi tranh bị hải quan nước bạn không cho thông quan sớm, bị giữ lại để kiểm tra. Gửi sớm quá thì tranh phải lưu kho, gallery phải trả thêm tiền thuê lưu kho, mà khi gửi sát gần triển lãm thì dễ không được thông quan. Một số trường hợp tranh còn bị thất lạc trong quá trình vận chuyển, “vi vu” sang tận nước khác.
Nhớ lại lần rủi ro khi cùng gallery Hồng Kông AP Contemporary đi tham dự Art Stage Jarkata hồi tháng 8.2015 tại Indonesia, họa sĩ Bùi Thanh Tâm vẫn còn bực bội. Anh cho biết hải quan Indonesia nhất định giữ tranh của anh lại không cho thông quan mà không nói rõ lý do. Kết quả là gian hàng anh đã thuê không có tranh để bày và tranh của anh bị giữ lại tới khi kết thúc hội chợ mới được trả. “Chuyến đi bất thành đó tiêu tốn của chúng tôi mấy chục ngàn USD. Tôi và gallery đã thề không quay lại Indonesia lần nào nữa. Bởi quá ức chế. Đầu tư cả một đống tiền mà cuối cùng không hề có một bức tranh nào để treo trong hội chợ”, họa sĩ Tâm bức xúc.
Ông Nguyễn Trọng Chức - Trưởng ngành lý luận - phê bình Hội Mỹ thuật TP.HCM, nhận định việc kiểm duyệt hải quan đối với tranh ảnh, đồ mỹ nghệ ở mỗi nước có những quy định riêng. Chẳng hạn một người bạn của ông từng mua một bức tượng Phật mỹ nghệ bằng gỗ từ Thái Lan về VN được nhập cảnh bình thường, nhưng khi định đưa sang Mỹ, thì Hải quan VN nhất định không cho làm giấy thông quan vì cho rằng đây là cổ vật. Do đó việc hải quan một nước không cho tranh từ nước khác “nhập cảnh” là chuyện vẫn có thể xảy ra.
“Tự mang tranh đi nước ngoài quá phức tạp và rủi ro, lại tốn kém. Tôi cũng nản không tự đi nữa mà bán đứt cho các gallery nước ngoài để họ chủ động”, họa sĩ Lưu Tuyền nói.
Nghệ sĩ phải tìm hiểu quy định của nước bạn
“Trước khi đưa tranh đi xuất ngoại, dù ở bất kỳ nước nào, người nghệ sĩ cũng cần phải tự tìm hiểu xem tranh của mình có phù hợp với nước sở tại hay không, vì mỗi nước có những quy định riêng. Cũng bức tranh này được triển lãm ở nước A nhưng không có nghĩa tất yếu cũng được triển lãm ở nước B. Phải tìm hiểu như vậy thì nghệ sĩ Việt mới có thể hội nhập quốc tế. Trường hợp tranh của họa sĩ nào đó bị hải quan nước khác giữ lại không cho thông quan thì cần phải xem lại tranh của họa sĩ đó có phù hợp với quy định của nước họ hay không”.
Ông Vi Kiến Thành
(Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm)
Cần có sự hỗ trợ của hội mỹ thuật
“Khi gặp trục trặc, khó khăn trong vấn đề đem tranh ra triển lãm nước ngoài, theo tôi, nghệ sĩ rất cần nhờ đến Hội Mỹ thuật của địa phương mà mình đang sinh hoạt để lên tiếng giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi. Và cao hơn nữa Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng có trách nhiệm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, người nghệ sĩ cũng cần tự tìm hiểu, nắm vững những kiến thức pháp luật cơ bản, chẳng hạn về việc ký kết hợp đồng triển lãm, hợp đồng mua bán tranh, thủ tục xuất nhập khẩu tranh... để giảm thiểu rủi ro”.
Họa sĩ Hứa Thanh Bình
(nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.