Rung cảm và… dũng cảm thưởng thức nhạc cổ điển

14/09/2022 07:18 GMT+7

“ Âm nhạc cổ điển hay âm nhạc nghệ thuật nói chung không dành riêng cho ai, ai cũng có thể tiếp cận, thưởng thức được, chỉ cần chúng ta có sự rung cảm và dũng cảm đến với nó”.

Chia sẻ này của nhạc trưởng Trần Nhật Minh tại Tọa đàm âm nhạc (thuộc khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu lần 13 - 2022, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển những loại hình nghệ thuật chính thống tại VN) diễn ra chiều qua 13.9 ở Nhà hát TP.HCM, được nhiều chuyên gia là các nghệ sĩ biểu diễn, nhà quản lý văn hoá (PGS - nhạc sĩ Hoàng Cương, nhạc sĩ Dương Thụ, NSƯT Hoàng Ngọc Long - quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, nhạc trưởng Lê Ha My - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM - HBSO, NSƯT Hoàng Điệp, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng…) tham gia tọa đàm đồng tình.

Các diễn giả tham gia tọa đàm

N.V

Theo nhạc trưởng Trần Nhật Minh, “nếu ai đó hỏi rằng có cần phải hiểu mới nghe được nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng không, tôi xin trả lời: các bạn cứ mạnh dạn trải nghiệm, hãy mở lòng trước đã. Chúng ta coi như đó là chuyến đi phượt. Nếu có người thổ địa, ta sẽ có những cảm nhận sâu sắc hơn khi đến; nhưng ta vẫn có thể phượt nếu không có sự hướng dẫn hay bản đồ, cứ lên xe và khám phá thôi. Nếu thích, lần sau sẽ quay lại hoặc khám phá tiếp, bằng chính trải nghiệm thực tế, xúc cảm của mình. Âm nhạc cổ điển cũng vậy”.

Ví như buổi diễn vở thanh xướng kịch Carmina Burana (Vòng quay may mắn) của nhà soạn nhạc người Đức Carl Orff hôm 11.9. Trên sân khấu gần 200 nghệ sĩ, khán giả kín chỗ - khoảng 500 người. “Vở có trên 20 bài hát bằng tiếng Latin. Là người dàn dựng, hiểu trọn vẹn nội dung, lẽ ra tôi nên giải thích cho khán giả. Nhưng tôi nghĩ điều đó không còn quan trọng, mà hơn hết chính là năng lượng mang lại, sự đồng cảm, sức hấp dẫn của tác phẩm đã ra đời hơn 80 năm trước bởi một người xa lạ mà đến nay chúng ta vẫn rung cảm được”, nhạc trưởng Trần Nhật Minh nói.

Ở góc nhìn khác, nghệ sĩ violin Tăng Thành Nam chia sẻ: “Vì sao một bộ phim Hollywood chiếu rạp, khán giả VN rất hào hứng để xem? Bởi chúng ta có rạp chiếu đạt chuẩn để thưởng thức trọn vẹn sự hoành tráng của công nghệ điện ảnh Hollywood. Âm nhạc giao hưởng - một bộ môn nghệ thuật vốn đã có sẵn giá trị cũng vậy, nếu chúng ta có nơi để thưởng thức - một phòng hòa nhạc đủ tiêu chuẩn, đủ để khán giả đến cảm thấy “ồ, đẹp quá”, sau đó được hòa vào không gian với những hiệu ứng âm thanh tự nhiên từ các nhạc cụ cộng hưởng, tôi nghĩ khán giả sẽ đến và yêu thích dần nghệ thuật này”.

NSƯT Trần Vương Thạch, nguyên Giám đốc HBSO, đề nghị: “Khi chưa xây dựng nhà hát xứng tầm như kế hoạch, thành phố có thể giao Nhà hát TP.HCM cho HBSO nhằm giải quyết được nhiều khó khăn hiện nay, mở ra nhiều cơ hội cho đội ngũ nghệ sĩ tài năng phát huy hết năng lực”.

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, NSƯT Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: “Dự án nhà hát giao hưởng (hay còn gọi là nhà hát Thủ Thiêm) tạm dừng lại do cần ưu tiên cho an sinh xã hội và phục hồi các ngành nghề kinh tế sau đại dịch. Nhưng việc có nhà hát là nhiệm vụ đã được HĐND TP đặt ra. Chúng tôi mong muốn sớm có những thiết chế văn hóa, quan trọng là có nhà hát đạt chuẩn, để nghệ sĩ của chúng ta có thể giới thiệu những tác phẩm lộng lẫy đến công chúng, tạo cơ hội để giao lưu văn hóa… Và Sở VH-TT luôn đồng hành cùng HBSO trong hành trình này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.