Tờ Haaretz và nhiều hãng truyền thông vừa đồng loạt đăng phóng sự điều tra phanh phui một tổ chức đã thao túng hơn 30 cuộc bầu cử trên khắp thế giới, dưới sự cầm đầu của cựu lính đặc nhiệm Israel Tal Hanan (50 tuổi), với bí danh "Jorge". Phóng sự cho thấy hoạt động can thiệp bầu cử có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, bằng nhiều phương tiện, thủ đoạn.
Can thiệp khắp nơi
Theo điều tra, tổ chức của Hanan (còn gọi là Đội Jorge) đã thao túng kết quả của các cuộc bầu cử ở châu Phi, Nam Mỹ, Trung Mỹ, nước Mỹ và châu Âu. Thỏa thuận với khách hàng, tổ chức này sẽ tìm cách làm gián đoạn hoặc phá hoại các chiến dịch tranh cử của đối thủ. Thông tin từ Hanan cho thấy nhóm đã can thiệp 33 cuộc bầu cử cấp tổng thống, trong đó hắn tuyên bố đã thành công trong 27 cuộc. Đội Jorge cho biết có thể nhận chi trả bằng tiền tệ của nhiều nước hoặc tiền kỹ thuật số, với chi phí lên đến 15 triệu euro (380 tỉ đồng) cho mỗi chiến dịch can thiệp.
Tại Mỹ, tòa án ở Boston (Massachusetts) mới đây kết án doanh nhân Nga trong vụ tấn công mạng nhằm đánh cắp dữ liệu tài chính của các công ty Mỹ. Theo CNN đưa tin ngày 15.2, doanh nhân Vladislav Klyushin hiện đối diện mức án 30 năm tù giam và số tiền phạt hàng trăm ngàn USD. Doanh nhân này có công ty an ninh mạng được cho là có ký hợp đồng với Điện Kremlin. Một bị cáo khác trong vụ việc là sĩ quan Nga Ivan Ermakov, người từng bị truy tố ở Mỹ vào năm 2018 về cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi đánh cắp và rò rỉ tài liệu từ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Ermakov hiện vẫn đang ngoài vòng pháp luật. Trong một diễn biến khác, doanh nhân Nga Yevgeny Prigozhin sáng lập nhóm lính đánh thuê Wagner mới đây thừa nhận việc sáng lập Cơ quan Nghiên cứu internet (IRA), một tổ chức khét tiếng bị Washington cấm vận vì can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Thủ đoạn tinh vi
Khi ban hành cấm vận IRA, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc tổ chức này đăng hàng ngàn mẫu quảng cáo tiếp cận hàng triệu người ở Mỹ, tổ chức các cuộc vận động chính trị trước bầu cử năm 2016. Thậm chí IRA còn sử dụng bất hợp pháp thông tin cá nhân của nhiều công dân Mỹ để mở tài khoản tài chính nhằm tài trợ cho các hoạt động của mình.
Doanh nhân thân cận Tổng thống Putin xác nhận Nga can thiệp bầu cử Mỹ?
Trong trường hợp của Đội Jorge, theo tờ The Guardian, thủ đoạn của nhóm này là thu thập tình báo, tạo nội dung và phát tán để gây tác động tối đa. Chúng thường dùng công cụ AIMS giúp tạo đến 5.000 trợ lý ảo để phân phối thông điệp hàng loạt và tuyên truyền. Ông Hanan cho biết công cụ này từng được dùng để can thiệp 17 cuộc bầu cử. Để thu thập thông tin, cựu binh này tuyên bố nhóm có thể tấn công các tài khoản thư điện tử hoặc ứng dụng nhắn tin như Telegram, dùng chương trình Profiler tấn công các thiết bị di động hoặc dùng công cụ Global Bank Scan để lập hồ sơ tài chính của mục tiêu, bao gồm các tài khoản bí mật ở nước ngoài và những lần chuyển khoản. Thậm chí tổ chức này còn từng gửi một đồ chơi tình dục thông qua Amazon đến nhà một chính khách, khiến người vợ nghi ngờ chồng mình ngoại tình.
Cảnh báo trước thềm bầu cử Mỹ
Hãng AP ngày 17.2 dẫn lời những quan chức hàng đầu về bầu cử và an ninh mạng tại Mỹ cảnh báo về những mối đe dọa từ Nga và các bên khác trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Theo đó, hệ thống phi tập trung của hàng ngàn khu vực bầu cử địa phương ở Mỹ, đã tạo lỗ hổng đáng kể. Bà Jen Easterly, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Hạ tầng liên bang Mỹ, cho rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và nỗ lực viện trợ Kyiv của Washington có thể là động cơ khiến Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Bà còn đề cập Trung Quốc là một nguồn có thể can thiệp bầu cử, nhất là khi mối qua hệ 2 bên xấu đi. Phó trợ lý giám đốc bộ phận mạng của FBI Cynthia Kaiser cũng cảnh báo với những quan chức phụ trách bầu cử các bang trên cả nước rằng tin tặc Trung Quốc là "mối đe dọa gia tăng". Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 17.2 đã bác bỏ cáo buộc của bà Kaiser. Các bên khác từng bị Washington cáo buộc như Nga và Iran đều luôn bác bỏ việc can thiệp bầu cử Mỹ.
Bình luận (0)