Ân nhân vô tri
Khu rừng nguyên sinh độc đáo này nằm ở thôn Đông Thành, xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), chỉ cách TP.Đồng Hới khoảng 10Km, cách QL1 chừng 4km. Các vị cao niên ở thôn Đông Thành lý giải, sở dĩ gọi là rừng Lòi Chùa vì trước đây trong rừng có một ngôi chùa cổ khá lớn. Nhưng trải qua chiến tranh, ngôi chùa đã bị bom đạn đánh sập và đến bây giờ chỉ còn lại một số tảng đá lớn nằm vùi dưới đám cỏ dại.
|
Bà Võ Thị Hợi (77 tuổi, trú thôn Đông Thành) nhớ lại: “Không biết chùa có từ khi nào, nhưng các thế hệ dân làng Đông Thành xem đây là ngôi chùa cổ linh thiêng. Hằng năm, cứ đến ngày lễ, tết là dân làng tập trung đến thắp hương, cầu nguyện những điều may mắn, tránh bất trắc tai ương. Nhưng một điều đáng tiếc là chùa đã bị phá nát bởi bom đạn của kẻ thù”.
Vườn nhà bà Hợi cách không xa khu rừng. Trong trí nhớ của bà, ngôi chùa được xây dựng trên vùng đất cao, nằm giữa khu rừng nguyên sinh.
Chỉ tay ra cánh rừng sau nhà, bà Hợi xúc động khi nhớ lại ký ức của những cơn “đại hồng thủy” năm nào: “Ngày xưa, làng nằm ở vùng đất trũng, nên hay xảy ra lũ lụt. Mỗi khi có mưa lớn, đàn ông trong gia đình sẽ nhanh chóng kết bè đưa vợ con, người già và trâu bò, gia cầm... lên rừng trú ẩn, chờ đến khi nước rút mới quay về. Với chúng tôi, rừng như ân nhân, chở che và cứu sống biết bao thế hệ con người ở đây”. Không chỉ là nơi trú ngụ của dân làng mỗi khi có lũ lụt, trong chiến tranh rừng cũng đã bao phen chở che cho người dân và bộ đội tránh mưa bom, bão đạn…
Dẫn chúng tôi vào thăm rừng Lòi Chùa, ông Võ Văn Thuyên, trưởng thôn Đông Thành kể rằng xưa kia vùng đất này không chỉ có rừng Lòi Chùa. Nhiều khu rừng rậm khác bao quanh làng. Nhưng rồi người dân dần chuyển đến đây sinh sống, các khu rừng cũng mất đi, duy chỉ có rừng Lòi Chùa là còn vẻ nguyên sơ.
Theo lời người dân ở đây, vào mùa hè dù trời nắng gay gắt nhưng trong khu rừng vẫn rất mát mẻ nhờ được các tán cây che chở. Lòi Chùa trở thành “lá phổi xanh” cho cả dân làng.
Lộc trời ban
Nhìn từ ngoài, rừng Lòi Chùa được bao bọc một phía bởi thôn Đông Thành. Theo ông Võ Văn Thuyên, hiện có gần 40 nhà dân sống cạnh rừng. Mặc dù nằm “sát cạnh” làng quê đông đúc nhưng khu rừng nguyên sinh Lòi Chùa vẫn tồn tại hàng trăm năm nay. Nói đến đây, ông Thuyên không giấu được vẻ tự hào: “Rừng tồn tại nguyên vẹn đến giờ là nhờ ý thức tự giác trong việc giữ gìn, bảo vệ của mỗi người dân. Một số vụ chặt phá rừng xảy ra đều do bà con phát hiện và kịp thời báo lại cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng điều tra, xử phạt”.
|
Để giữ được rừng, người dân thôn Đông Thành họp bàn, cử ra một người trông coi. Nếu người này nghỉ, thì người khác thay. Ông Võ Công Húy đang đảm trách khâu giữ rừng ngót 5 năm, tiền công chỉ gọi là chỉ với 1,2 triệu đồng/năm. Hằng ngày, ông Húy vẫn cần mẫn vào rừng kiểm tra xem có người nào mang theo cưa, dao rựa... để báo với chính quyền và lực lượng kiểm lâm.
“Rừng rộng hơn 5ha, nếu người dân không có ý thức bảo vệ rừng thì một mình tôi làm sao đảm đương nổi? Ý thức bảo vệ rừng đã ăn sâu vào máu thịt mỗi người dân và đã được đưa vào hương ước của làng từ hàng chục năm nay”, ông Húy chia sẻ.
Chúng tôi tận mắt nhìn thấy rất nhiều loại cây cao từ 15 - 20m, thậm chí có những cây cao gần 30 m, trong khu rừng nguyên sinh Lòi Chùa. Nhiều gốc cổ thụ phải 2 người ôm mới xuể. Những lớp cây cao lớn như huỵnh, phao lái, trám... xen lẫn các cây gai mọc chằng chịt khắp khu rừng. Trận lốc xoáy vào cuối năm 2016 đã làm gãy hàng chục thân cây lớn trong rừng. Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người dân không khỏi xót xa. Tuy nhiên, với tâm thức bảo vệ rừng đến cùng, người dân ở đây chỉ chặt những cành cây đã bị gãy đổ, phần gốc vẫn giữ nguyên để cây tiếp tục lên chồi.
Nhà bà Lê Thị Dương (65 tuổi, trú thôn Đông Thành) nằm sát rừng, nhưng chưa bao giờ bà vào rừng chặt cây. Mỗi lần cần củi đun bếp, bà chỉ vào rừng nhặt những cành cây khô rơi xuống đất. Bà quả quyết: “Rừng là lộc trời ban cho làng, vì vậy phải bảo vệ”.
tin liên quan
Nộp cưa để… giữ rừngUBND xã Tr’Hy (H.Tây Giang, Quảng Nam) tìm nhiều cách để giữ rừng, trong đó có phương án vận động đồng bào... giao nộp cưa cho già làng, trưởng thôn.
Bình luận (0)