Rừng Hoàng Liên cháy dữ dội

06/03/2012 03:16 GMT+7

Chỉ với những phương pháp chữa cháy thủ công, nên đã bước sang ngày thứ 5 nhưng diện tích rừng bị cháy tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, thuộc H.Sa Pa, tỉnh Lào Cai, không những chưa được khống chế mà còn có dấu hiệu lan rộng.

>> Cháy rừng ở Sa Pa

Mới 6 giờ sáng nhưng con đường duy nhất rải toàn đá hộc, dẫn vào xã Séo Mý Tỷ (H.Sa Pa) đã đông người qua lại. Hỏi ra mới biết, không phải đồng bào Mông xuống chợ phiên, mà họ tập hợp nhau lại để đi dập lửa trên rừng Hoàng Liên.

 

 
Khắp những cánh rừng, đâu đâu cũng thấy tàn tro kèm khói đen - Ảnh: Minh Sang

 

Hàng trăm điểm nghi cháy rừng tại 34 tỉnh, thành

Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT) cho biết, chiều 5.3, qua vệ tinh đã phát hiện tổng cộng 344 điểm cháy tại các khu vực rừng thuộc 34 tỉnh và thành phố, gồm: An Giang, Bình Dương, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Kon Tum, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, TP.Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai, Lai Châu, Phú Yên, Sóc Trăng, Tiền Giang, TP.Đà Nẵng, Bạc Liêu… Tuy nhiên, chưa xác định chắc chắn là cháy rừng, có thể do đốt nương làm rẫy hoặc đốt ruộng. Cục Kiểm lâm đề nghị kiểm lâm địa phương kiểm tra, xác minh, nếu cháy rừng thì phải tổ chức dập tắt ngay.

Quang Duẩn

Trước đó, ngày 2.3, đám cháy được phát hiện tại khu vực thôn Nà Háng, xã Séo Mý Tỷ. Không lâu sau đó, đám cháy lan nhanh sang các khu vực giáp với xã Tả Van và xã Lao Chải đều thuộc H.Sa Pa.

Theo Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng tỉnh Lào Cai, trong các ngày từ 3 - 5.3, đã có hơn 500 người thuộc các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và người dân sinh sống tại các xã lân cận tích cực tham gia chữa cháy. Theo ước tính ban đầu, tới hết ngày 4.3, đã có khoảng hơn 80 ha rừng bị cháy rụi.

Tuy nhiên, trong sáng 5.3, theo khảo sát của Thanh Niên, các khu vực cháy vẫn tiếp tục lan rộng. Hơn 200 người cùng lực lượng y tế cũng được H.Sa Pa điều động tăng cường tới Séo Mý Tỷ để phục vụ công tác chữa cháy. Bên cạnh đó, một trạm thông tin của Viettel đã được lắp đặt cạnh điểm trường thuộc xã Séo Mý Tỷ. Tuy nhiên, do địa điểm xảy ra đám cháy cách chừng 4 giờ đi bộ, địa hình hiểm trở, nên hầu hết các thông tin liên lạc là rất khó.

Người chữa cháy bị cô lập

Ngoài những lực lượng được tăng cường như trên, trong sáng  5.3, hàng chục chị em phụ nữ sinh sống tại các xã lân cận Séo Mý Tỷ, như Tản Van, Lao Chải… cũng được huy động để phục vụ công tác hậu cần như nấu cơm, gùi đồ ăn, nước uống… để tiếp tế tới các lều dã chiến.

Chị Hoàng Thị Dung ở thôn Tả Van Dáy 2, người đã trực tiếp tham gia gùi cơm, nước cho lực lượng từ ngày 3.3, cho biết: “Tới tận chiều muộn ngày 4.3 và sáng sớm 5.3, nhiều người tham gia chữa cháy mới nhận được đồ ăn và nước uống”. Do đám cháy lan rộng, gió thổi mạnh và đổi hướng liên tục, nên nhiều nhóm chữa cháy lọt thỏm trong khu vực cháy. Do vậy những người như chị không thể tiếp cận để đưa cơm ăn, nước uống.

Anh Vàng A Chính ở Séo Mý Tỷ, một trong số những người bị ngọn lửa bao vây khi tham gia chữa cháy, nhớ lại: nhóm anh gồm 5 người đang tích cực chữa cháy ở khu vực ngọn núi nơi cuối xã Séo Mý Tỷ, thì bất ngờ thấy từng cơn gió giật tung chiếc mũ bảo hộ, kèm theo đó là từng mảng tro tàn, than rơi rào rào phía sau.

Ngay ập tức, lớp lá khô, cành mục bén lửa cháy bùng bùng. Nhận thấy đường rút bị ngọn lửa bao vây, 5 người trong đó có anh Chính vội hò nhau tìm những mỏm đá, rồi khẩn trương phát thật quang khu vực xung quanh. Tới hết đêm đó, rồi cả sáng ngày 4.3, trong vòng bán kính hàng trăm mét quanh khu vực anh Chính cùng mọi người trú ẩn, lửa vẫn cháy. Và đây là nguyên nhân khiến nhóm của anh Chính bị cô lập. “Hơn một ngày sống giữa đám cháy, 5 anh em chúng tôi phải chia nhau ăn sống 3 gói mì tôm. Còn nước uống thì cứ vục nước suối mà uống”, anh Chính cho biết.

Tới sáng qua, những trường hợp bị cô lập như anh Chính đã được giải tỏa.

Dập lửa bằng chân, tay và dao

Theo chân những đồng bào Mông vào khu vực cháy, chúng tôi ghi nhận ngọn lửa đã bắt đầu lan nhanh xuống khu vực phía dưới những ngọn núi và có dấu hiệu lan nhanh sang các dãy núi liền kề. Đáng lo ngại hơn là ngoài việc địa hình hiểm trở, khiến việc tiếp cận đám cháy là vô cùng khó, thì gió to, trời hanh, cộng việc dập lửa hoàn toàn là thủ công đã khiến đám cháy lan rộng theo từng giờ.

 

Chúng tôi đã phải cùng nhau làm một đường băng rộng tới trên 150m, với hy vọng ngăn được đám cháy lan rộng, nhưng vô ích

Anh Hảng A Túngngười tham gia dập lửa từ 3 ngày qua

“Chúng tôi đã phải cùng nhau làm một đường băng rộng tới trên 150m, với hy vọng ngăn được đám cháy lan rộng, nhưng vô ích”, anh Hảng A Túng (SN 1987, sinh sống ở thôn Tả Van Mông, xã Tả Van), người tham gia dập lửa từ 3 ngày qua cho hay. Trong khi đó, Vàng A Trải, một người Mông tham gia chữa cháy ở xã Séo Mý Tỷ, cho biết, dân bản anh được huy động đi chữa cháy thì ngoài con dao quắm, chiếc bi đông đựng nước mang từ nhà, anh và nhiều người khác chỉ được phát thêm túi cơm nắm. Công việc của anh Trải cùng dân làng khi tiếp cận được đám cháy là đứng chặn đầu đám cháy ở một khoảng cách đủ xa, sau đó phát quang, làm đường băng, rồi ngồi canh và cố gắng không để ngọn lửa lan rộng.

Sáng qua, sau gần 4 giờ leo núi, chúng tôi đã vào đến khu vực chữa cháy và tiếp cận được nhóm của anh Túng. Khi ấy, nhóm của anh Túng đang dùng bữa với cơm nắm kèm thịt hộp. Nhưng khi mọi người đang ngon miệng thì phải tháo chạy vì cây đổ.

Theo chị Dung, người có nhiệm vụ đưa nước uống, cơm bữa chiều tối cho nhóm anh Túng, chỉ phía dưới chân núi mới có sóng vô tuyến để liên lạc, còn từ lưng núi trở lên hoàn toàn không có sóng. Do vậy những người tham gia chữa cháy chỉ có thể làm việc đơn lẻ theo nhóm, mà không có được sự điều hành hay chỉ huy từ những người đứng đầu, hoặc nắm rõ việc chữa cháy.

650 người dùng từng can nước, cành cây dập lửa

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, các đám cháy tại khu vực rừng Hoàng Liên thuộc địa phận Sa Pa (Lào Cai) phát ra ở độ cao từ 1.500 đến 2.000m so với mực nước biển. Vì thế, không thể sử dụng phương tiện cơ giới, hiện đại để dập lửa. Các tổ đội PCCC rừng và lực lượng liên ngành của địa phương đang sử dụng cành cây, cuốc, xẻng, nước hoặc phá rừng tạo đường băng khoanh vùng đám cháy... để dập lửa.

 
Một nhóm thanh niên dân bản tham gia chữa cháy rừng - Ảnh: Minh Sang

Theo ông Dũng, hiện đã có vệ tinh để phát hiện và cảnh báo kịp thời các đám cháy cho địa phương nhưng lực lượng kiểm lâm chưa được trang bị máy bay chuyên dụng để chữa cháy rừng. “Chúng tôi đang nghiên cứu tăng cường năng lực chữa cháy cho lực lượng kiểm lâm, trong đó có tính tới phương án trang bị máy bay chữa cháy”, ông Dũng cho biết.

Trao đổi với Thanh Niên tối qua, từ hiện trường, ông Hà Công Tuấn, Tổng cục phó phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngọn lửa vẫn đang cháy trên phạm vi khoảng 100 ha rừng thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia Hoàng Liên. Lực lượng chữa cháy của địa phương gồm 650 người chủ yếu dập lửa bằng phương pháp thủ công. “Lực lượng chữa cháy đã triển khai khoanh vùng cháy men theo các con suối và khe núi, quyết tâm không để ngọn lửa lan sang khu vực rừng có đa dạng sinh học cao. Tại những nơi ngọn lửa đã quét qua, mọi người đang nỗ lực dùng từng can nước, cành cây để dập tắt triệt để, không để lửa âm ỉ rồi bùng lên trở lại”, ông Tuấn nói.

Quang Duẩn

Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.