Rừng ngập mặn chết, không thể phục hồi vì ngập nước quá lâu

18/10/2021 12:22 GMT+7

Khoảng 5,42 ha rừng ngập mặn ở địa bàn P.Đông Hải 2, Q.Hải An, TP.Hải Phòng đã bị chết, không thể phục hồi.

Ngày 18.10, thông tin từ Sở NN-PTNT TP.Hải Phòng cho biết, Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng đã có kết luận về việc rừng ngập mặn ở P.Đông Hải 2 (Q.Hải An, TP.Hải Phòng) bị chết.

Trước đó, Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng có nhận được đề nghị của Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng (Sở NN-PTNT TP.Hải Phòng) về việc hỗ trợ xác định nguyên nhân cây rừng ngập mặn bị chết.

Khu vực có cây chết là lô 7-RTM khoảnh 4, tiểu khu HA với diện tích khoảng 5,42 ha. Đây là rừng ngập mặn chủ yếu với cây bần chua và cây sú, nằm trong quy hoạch bảo vệ phát triển rừng của TP.Hải Phòng, hiện đang được UBND P.Đông Hải 2 quản lý.

Qua khảo sát, đoàn kiểm tra nhận thấy, nước trong lô rừng không có sự lưu thông, khu rừng luôn có mực nước sâu từ 1,5 - 2 m nên không có thời gian phơi bãi, cây bị ngập nước quá lâu.

Sau khi kiểm tra thực tế, Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng cho rằng việc san lấp mặt bằng các khu công nghiệp xung quanh lô rừng đã làm dòng chảy thủy triều không lưu thông được. Đây chính là nguyên nhân gây hiện tượng bao bí, khiến cây rừng chết.

Sau khi cây rừng chết, gốc cây bị thối làm cho nguồn nước và môi trường sống của động thực vật trong rừng ô nhiễm nghiêm trọng. Việc ô nhiễm trong thời gian dài khiến khu rừng này không thể hồi phục được.

Bên cạnh đó, kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, độ mặn nước cao (43 - 44%), không phù hợp với cây bần chua, khiến cây mất khả năng chống chịu.

Với những phân tích trên, Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng khẳng định việc rừng ngập mặn ở khu vực trên có thể hồi phục là rất khó, việc trồng lại rừng cũng rất khó khăn. Do vậy, Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng đề nghị TP.Hải Phòng xem xét lại quy hoạch nếu cần thiết phải khôi phục khu rừng đang bị chết này.

Theo đó, muốn khôi phục rừng, Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng đề nghị khơi thông dòng chảy, cải tạo nền và lựa chọn loại cây phù hợp hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.