Ban đêm cũng... đo
Một điều khá bất ngờ là trong thời gian điều tra hiện tượng xâm phạm đất rừng trên đảo, chúng tôi gặp không ít trường hợp đất rừng đã hiện diện trong bản đồ mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất của hộ sử dụng. Xin dẫn chứng một trường hợp mua bán có liên quan đến đất rừng, đang xảy ra tranh chấp tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh. Theo trình bày của ông T.Đ.K (cán bộ hưu trí, ngụ tại Q.1, TP.HCM) thì vào năm 2003, ông mua phần đất của hai người tên là P.V.Lực và P.T.L (ngụ ấp Bãi Vòng) theo hình thức mua mão trọn gói, được chính quyền địa phương xác nhận có diện tích 7.500m2. Đến năm 2008, ông K. mới làm đơn yêu cầu đo đạc, được ông Trương Văn Dũng (Phó chủ tịch, nay là quyền Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh) xác nhận nguồn gốc. Điều trái khoáy là không hiểu từ đâu, ông K. lại được ông Nguyễn Văn Trân, cán bộ đo đạc của Công ty đo đạc ký cấp bản đồ mô tả vị trí đất này với diện tích lên đến 18.660m2, từ... một năm trước (?), và phần lớn đất trong bản đồ này lại là đất rừng phòng hộ! Sự việc bị phát giác khi có 3 hộ dân khác làm đơn xin xác nhận nguồn gốc một phần diện tích đất này để đo đạc, làm giấy chủ quyền. Có người còn phát hiện ông P.V.Lực đã chết hồi năm 1991, không thể nào “chỉ” đất để bán cho ông K. Thế nhưng lãnh đạo xã vẫn xác nhận đơn (!) và đơn vị đo đạc “vô tư” vẽ thêm đất rừng vào trong bản đồ mô tả đất sử dụng cấp cho ông K... Nếu không có vụ khiếu nại, tranh chấp thì một diện tích khá lớn đất rừng đã bị xâm chiếm.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp cán bộ đo đạc cố tình đo, vẽ thêm phần đất rừng vào bản đồ mô tả đất cho dân. Ông Nguyễn Trung, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Phú Quốc bức xúc: “Công ty đo đạc làm nhiệm vụ đo đạc, cấp giấy đại trà trên phạm vi huyện Phú Quốc (theo hợp đồng với Sở Tài nguyên - Môi trường Kiên Giang) đã đo, vẽ vào bản đồ sử dụng đất của dân cả những phần đất nằm trong phạm vi đất rừng phòng hộ. Việc làm này đã khiến người dân nghĩ rằng “đo đất, làm sơ đồ của tui là đất của tui”, do đó gây thêm khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý rừng”.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Hàm Ninh cho biết, Công ty đo đạc xuống đây làm việc 2 năm, lãnh đạo xã đã chỉ đạo đình chỉ họ 4 lần. “Quy tắc là khi hội đồng xét duyệt đất đai xét duyệt, họ mới tiến hành đo đạc. Đằng này, họ xuống đây không liên hệ với chính quyền địa phương. Có lần lại đo luôn đất ở... trên núi. Người dân quan niệm đoàn đo đạc về đo là sẽ được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên họ tranh thủ... ban đêm, giờ nghỉ câu móc với đơn vị đo đạc”, ông Tiến bức xúc.
Chỉ đâu, đo đó
Ông Phạm Quang Bình, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc nói: “Bây giờ không biết họ tung tin ở đâu rằng, miễn là đất khai phá lâu năm thì cứ đo đạc, sẽ được hợp thức hóa”.
Trồng dừa để đánh dấu nguồn gốc đất tại khu vực rừng phòng hộ |
Được biết, các đơn vị có trách nhiệm quản lý rừng và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng đã phản ứng về tình trạng đo đạc đất rừng “vô tư” này . Ông Bình còn cho biết: “Bây giờ thì “đỡ” lắm rồi, lúc đầu mấy ổng đo tùm lum hết trơn. Có giai đoạn dân phát (rừng) ồ ạt với nhận thức là Nhà nước cho đăng ký hết những phần đất mà dân đăng ký”. Cũng theo ông Bình thì sau khi bị phản ứng, những người này có khi lại tiến hành “đo mà không ký tên”, để gọi là “đo vẽ theo hiện trạng”. Ông kể: “Vừa rồi họp có Sở Tài nguyên - Môi trường Kiên Giang, mấy ảnh cũng có phản ánh rằng đo vẽ theo hiện trạng có khi ngày trước mấy anh đo đạc không biết, nhưng bây giờ có trường hợp khi đưa lên sơ đồ mới thấy rằng mấy ảnh vẽ thêm cho dân ở phía sau, là rừng 100%”.
Một cán bộ ở Phú Quốc cho biết: Có nhiều thủ đoạn để lấn chiếm, bao chiếm đất rừng. Có trường hợp đất nằm giáp với đất rừng, nhân dịp được đo đạc, chủ đất cho đo “ăn” luôn phần đất ngoài phạm vi của mình. Có trường hợp người chiếm đất cho cắm một vài cây tràm bông vàng ở ngoài phần đất của mình, rồi chỉ cho cán bộ đo đạc đo ngay chỗ đó. Trước tình trạng này, một cán bộ Vườn quốc gia Phú Quốc nói họ phải cung cấp thông tin ranh giới đất rừng để mấy ông đo đạc... khỏi đổ thừa khi đo lấn vào đất rừng lúc đo vẽ bản đồ hiện trạng đất cho các hộ dân.
Một trường hợp khác cũng thường xảy ra là có nhiều người đến khai phá đất lâu năm, ở trong vùng đệm vườn quốc gia, có thành quả lao động. Đến khi có điều kiện hợp thức hóa lại “chiếm thêm”, chiếm ra khu vùng đệm, có lúc còn “lố” vô trong vườn quốc gia...
Thực tế đó đã khiến một diện tích lớn đất rừng tại Phú Quốc tiếp tục bị tàn phá, xâm chiếm trước sự bức xúc của người dân địa phương. Nhiều người nói đôi khi dân ở đây vào rừng chặt một cây nhỏ thôi, hay chỉ cầm dao, búa vào rừng cũng đã bị bắt, bị lập biên bản. Vậy mà nhiều khu rừng bị phá một diện tích lớn, trong thời gian dài nhưng những người có trách nhiệm bảo vệ rừng vẫn như không hay biết. Thậm chí, đất rừng còn bị một công ty của nhà nước đo đạc, tạo điều kiện xác lập cho những người sở hữu trái phép. Trong số những người đó, người ta nói có cả thân bằng quyến thuộc của cán bộ hoặc chính những cán bộ địa phương...
Dư luận đang chờ cách xử lý của các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ những cánh rừng quý giá trên hòn đảo du lịch lớn nhất Việt Nam này.
Tiến Trình
Bình luận (0)