Những “sân bóng” giữa rừng
Chúng tôi men theo con đường khúc khuỷu dẫn vào khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Phú Quốc. Qua con suối Rạch Cá vắt ngang những tán rừng cao ngút, đồi dốc, là một khu đất bằng phẳng. Ngang, dọc quanh khu đất này, nhiều cây trăm, dênh, sim... vừa bị đốn hạ, vết búa vẫn còn mới toanh.
Nhìn những con mương thẳng tắp bao quanh khu vực rộng nhiều héc-ta, một người trong đoàn giải thích: Họ đào mương là để chạy ranh, đánh dấu khu vực đã “có chủ”. Chúng tôi đi sâu vào trong. Không xa dãy rừng mới bị “chạy ranh” là một khu đất rộng lớn, không thể nhận ra đây là rừng! Dãy đất chỉ còn lại những khóm cây bụi, xen kẽ thưa thớt những cây trăm, dênh... đứng trơ trụi chưa kịp bị chặt. Ở phía đông khu đất, cây rừng vừa bị hạ nằm la liệt, lá khô chưa lìa nhánh. “Chúng phát xong rồi, ai mua là bán. Không biết chỗ này có bị bán hay chưa nữa?”, một người đi cùng chúng tôi cho biết.
Lần khác, chúng tôi xuất phát từ phía đông của đảo, thuộc khu vực tổ 11, ấp Rạch Hàm. Suốt chặng chưa quá 1 cây số đường rừng, chúng tôi để ý thấy nhiều cây ở đây đã bị bẻ nhánh, làm dấu đường. Thậm chí ở nhiều khu vực, ai đó đã chặt cây, phết sơn làm cột mốc, dọn phẳng lối đi giữa những khu rừng đã bị phá. Có gốc cây vừa mới cưa tới đất, còn chảy nhựa. Nhiều cây dẻ, chai, trăm, tràm... hàng chục năm tuổi chỉ còn trơ gốc xen giữa đống hỗn tạp nhánh cây bị tàn phá. Đây đó thi thoảng lại xuất hiện những lò hầm than nghi ngút khói, cây bị cưa chất đống đợi vào lò... Và cuối cùng là những khu đất rộng mênh mông, trống hoang.
Một người địa phương bức xúc: “Chú coi, đây là rừng hay là sân banh? Bọn phá rừng ở đây được hai cái lợi, vừa chặt cây lấy gỗ, hầm than, vừa lấy đất để bán. Với “chu trình khép kín” này, chúng vừa tẩu tán được cây rừng bị phá, vừa có thêm tiền. Thật xót con mắt”.
Tranh chấp cả... đất rừng
Trưa nắng. Chúng tôi gặp ông L. ở giữa cánh rừng đã bị đốn sạch cây cối, đã đo ranh, chia thửa. Ông kể mình từ đất liền ra đảo 6 năm trước, đã thuộc làu khu rừng này. Ông nói phần đất trống trước mặt chúng tôi là đất của ông G., bà con với một lãnh đạo xã. Từ ngày ra đảo, ai thuê gì ông cũng làm, “thuê đào mương, phát rẫy cũng làm”. Ông nói, vừa rồi, ông mới phát rừng, không lấy tiền công cho ông H., Phó công an xã.
Anh T., một người đang bức xúc vì sao đất (rừng) do một số hộ dân lân cận khai phá được “đo đạc làm giấy” còn mình thì không, đã sốt sắng dẫn tôi đến xem khu đất của ông Sơn ở ấp Rạch Hàm. Theo lời một cán bộ Trạm kiểm lâm Cây Sao (thuộc Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phú Quốc), khu vực này trước đây có nhiều cây to, nhưng ông Sơn đã cho người vào đốn hạ để bao chiếm đất. Vụ việc bị phát hiện, ông Sơn chỉ bị phạt hành chánh chưa tới 30 triệu đồng cho miếng đất rừng rộng trên 1,2 héc-ta bị phá. Sau lần đó, miếng đất này được nhiều người coi là đất của ông Sơn, với giá “bèo bèo” cũng đã là bạc tỉ.
Trong vai một người có nhu cầu mua một diện tích đất tương đối lớn để “làm dự án”, tôi ghé qua nhà anh Y., hộ dân có đất nằm gần khu đất mà Sơn bao chiếm. Y. cảnh báo “mua đất đó coi chừng ăn vô rừng” và không quên giới thiệu miếng đất rộng 7 công của mình cho tôi. Tôi lắc đầu, bảo cần một miếng đất lớn hơn, cỡ đất của Sơn, nhưng không biết có làm giấy được không. Lúc này, anh Y. mới kể là mấy ngày trước, ông Sơn đã đưa “cán bộ tài nguyên” vào đo đạc, chắc là làm giấy được.
Có một điều khôi hài là tuy cùng “xí phần” đất rừng, nhưng đôi lúc những người bao chiếm trái phép lại giẫm chân nhau, dẫn đến tranh chấp, kiện cáo. Khi tranh chấp, những chi tiết đại loại như “đã từng bị kiểm lâm lập biên bản khi phá rừng” lại được nhiều người đem ra làm căn cứ để đánh dấu “nguồn gốc” đất là của mình (!)
Khi chúng tôi kể lại những điều mắt thấy, tai nghe với những người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng trên đảo Phú Quốc, nhiều người vẫn tỏ ra không hay biết. Thậm chí, họ không chắc vị trí rừng bị phá mà chúng tôi nêu ra có thuộc lâm phần mình quản lý hay không?
Ông Phạm Quang Bình, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc nói: “Nói gì chứ rừng bị phá rồi thì không thể nào giấu giếm được, bởi nó phơi bày ra hết”. Ông cho rằng, sở dĩ nhiều trường hợp phá rừng không bị phát hiện là vì: “Họ làm chủ yếu là vào ban đêm. Lúc bắt quả tang thì họ nói họ làm mướn, nhưng không biết người mướn là ai. Nói chung là làm để lấn đất chứ... không tác động nhiều vào rừng” (!?). Tương tự, ông Nguyễn Trung, Giám đốc BQL rừng phòng hộ cũng cho rằng: “Có trường hợp đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự, có trường hợp thu hồi đất rừng và cũng có trường hợp phát hiện nhưng không xử lý được. Lý do là không có người nhận. Anh em vô nhiều lần nhưng không có ai đứng ra nhận cả”.
Tuy nhiên, nhiều cán bộ và người dân trên đảo thì cho rằng, nếu những người nhận lương để giữ rừng có trách nhiệm hơn thì không quá khó để biết ai là thủ phạm của nhiều vụ phá rừng với diện tích lớn, trong thời gian dài; không khó phát hiện những vụ mua bán, tranh chấp đất rừng lộn xộn trong thời gian qua.
(Còn tiếp)
Tiến Trình
Bình luận (0)