Rưng rưng bữa cơm nghĩa tình

27/07/2022 07:07 GMT+7

Bên 'Bữa cơm nghĩa tình', nhiều bạn trẻ đã rưng rưng nước mắt khi nghe kể về ký ức hào hùng của những ngày chiến tranh…

Xúc động trào dâng…

Theo anh Lê Tuấn Nghĩa, Phó bí thư Đoàn P.Long Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM, "Bữa cơm nghĩa tình" là nghĩa cử thể hiện sự quan tâm, lan tỏa tinh thần uống nước nhớ nguồn của người trẻ thông qua việc chăm lo cho các gia đình có công với cách mạng.

"Chúng tôi đã chọn những gia đình tương đối đặc biệt, đơn chiếc khi về già để thực hiện chương trình, để các cụ có một bữa cơm quây quần bên con cháu và các bạn trẻ cũng được nghe những câu chuyện về ký ức khó quên của các nhân chứng sống trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc”, anh Nghĩa nói.

Các bạn trẻ cùng ăn bữa cơm nghĩa tình với bà Huỳnh Thị Chính, người thân của anh hùng liệt sĩ Lê Văn Việt

Tại nhà thờ cúng liệt sĩ Lê Văn Việt (ở tổ 19, ấp Long Thuận, đường Long Thuận, P.Long Phước), Nguyễn Thị Minh Châu, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing ngỏ lời: “Hôm nay tụi con đến để thắp nén hương tỏ lòng thành kính, tri ân liệt sĩ Lê Văn Việt. Sau đó tụi con sẽ cùng nhau nấu một bữa cơm để cùng ăn với bà”. Chị dâu của liệt sĩ Lê Văn Việt là bà Huỳnh Thị Chính (85 tuổi) mắt ngân ngấn lệ, nói lâu lắm rồi nhà mới đông người đến thăm như vậy.

Và rồi chẳng ai bảo ai, các thành viên trong nhóm chia nhau làm việc nhà. Người lau nhà, người dọn bàn, người lặt rau, nấu cơm... Họ vừa làm vừa nghe bà Chính kể về truyền thống gia đình cùng những chiến công của liệt sĩ Lê Văn Việt.

Tham gia “Bữa cơm nghĩa tình”, tôi được ngồi nghe cụ kể về thời kháng chiến khốc liệt như thế nào, hiểu rõ hơn và biết trân quý độc lập - tự do và hòa bình của hôm nay

Nguyễn Thị Thúy Vân, sinh viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư tại TP.HCM

Còn tại nhà cụ Nguyễn Thị Mỹ (90 tuổi, là vợ một liệt sĩ) ở 137/2 đường 5, KP Lân Ngoài, P.Long Phước, TP.Thủ Đức, nhóm sinh viên tình nguyện đã đến dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, lau dọn bàn thờ và nấu cơm cúng người đã khuất.

Cũng trong chiều hôm đó, nhóm sinh viên này còn đến thăm và nấu bữa cơm nghĩa tình ở gia đình một người đã từng tham gia kháng chiến là ông Nguyễn Từ Sáu (86 tuổi), ngụ tại 2/12 đường 11, tổ 28 (KP.Phước Hậu, P.Long Phước). Ông Sáu không khỏi bất ngờ và gương mặt ánh lên niềm vui khi những người trẻ đến thăm.

Các bạn trẻ quây quần bên cụ Nguyễn Thị Mỹ

Lê Thanh

…Thêm yêu đất nước

Nguyễn Thị Ngọc, sinh viên năm 2 Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết trước khi thực hiện “Bữa cơm nghĩa tình”, các thành viên đã lên kế hoạch và phân chia công việc để có thể hoàn thành chỉn chu nhất có thể. "Được gặp gỡ và chia sẻ từ các cựu chiến binh, các mẹ, mình đã thấy được thực tế hơn sự khốc liệt của chiến tranh, những ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe các cụ và càng thêm biết ơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Hoạt động này cũng giúp mình có một mùa hè rất ý nghĩa”, Ngọc chia sẻ.

Nguyễn Kim Ngân, Phó bí thư chi đoàn khu phố Long Thuận (P.Long Phước), thành viên nhóm tình nguyện, cho biết: "Tham gia 'Bữa cơm nghĩa tình', cùng bạn bè đến thăm nhà liệt sĩ, cùng dọn dẹp, nấu ăn, rồi được nghe các chú, các mẹ kể lại những kỷ niệm hoạt động cách mạng, về hành trình vượt biển... thật xúc động".

Các tình nguyện viên thắp hương tri ân anh hùng liệt sĩ Lê Văn Việt

Có chung suy nghĩ, Nguyễn Thị Thanh Thảo, sinh viên năm 2 Trường ĐH Tài chính - Marketing, tâm sự: "Chương trình với mình rất có ý nghĩa, đã cho những người trẻ được gặp gỡ, hỗ trợ sẻ chia với những gia đình có công với đất nước. Và qua đó hiểu hơn về những năm tháng khói lửa chiến tranh. Thật sự biết ơn những người đã thầm lặng hy sinh để giải phóng dân tộc".

Còn Nguyễn Thị Thúy Vân, sinh viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư tại TP.HCM, chia sẻ: "Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng hậu quả để lại vẫn rất lớn và khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Tham gia 'Bữa cơm nghĩa tình', tôi được ngồi nghe cụ kể về thời kháng chiến khốc liệt như thế nào, hiểu rõ hơn và biết trân quý độc lập - tự do và hòa bình của hôm nay".

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Lê Tuấn Nghĩa cho biết: "'Bữa cơm nghĩa tình' vừa thể hiện tấm lòng đền ơn đáp nghĩa, vừa giúp các bạn trẻ nhận thức sâu sắc về thời kỳ cha ông ta đã hy sinh xương máu để giành độc lập, từ đó người trẻ tự răn mình bằng những việc làm hữu ích cho đất nước”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.