Gần 1 tháng nay, anh Phạm Văn Triều, 34 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM, đều đặn mỗi chiều chở cơm miễn phí phát cho những người vô gia cư, khó khăn ở TP.HCM.
“Hoàn cảnh đó giống như tôi…”
Giải thích vì sao nhận chở hàng miễn phí, anh Triều bộc bạch: “Hoàn cảnh đó giống như tôi…”. Tuy nhiên, chưa kịp nói hết câu, nước mắt anh cứ ứa ra không ngừng, những câu nói nghẹn trong cổ họng không phát ra thành lời vì quá xúc động. Chúng tôi phải đợi một lúc để anh lấy lại bình tĩnh.
“Lúc mới đến TP.HCM, gia đình tôi phải ở trong căn chòi nhỏ và xập xệ do chính quyền địa phương dựng đỡ. Mẹ tôi đã thức khuya, dậy sớm đi làm thuê, phụ giúp việc nhà nhiều nơi để có tiền lo cho 3 anh em tôi. Đến năm lớp 8, tôi phải nghỉ học vì nhà không còn kinh phí. Để lo cho em út, tôi và chị hai phải đi lang thang bán từng tấm vé số, ai kêu gì phụ nấy, miễn có tiền là được”, anh Triều nói trong khi nước mắt lăn dài trên má .
|
Anh kể tiếp: “Mẹ tôi hay nói 'hồi đó con đi chơi, nhiều lúc mẹ không có 500 đồng để cho' nên khi thấy những hoàn cảnh như mấy cô, chú cơ nhỡ không nhà cửa, khó khăn trong lúc dịch Covid-19 lan rộng, tôi như thấy được hình ảnh của mình và gia đình hơn 20 năm về trước. Tôi thấy xót vô cùng, nhưng bản thân không giúp được gì nhiều nên nhận phát cơm miễn phí".
|
|
Mua dép tặng người gặp khó khăn
Theo chân anh Triều khắp nẻo đường từ Q.10, Q.11 đến Q.5, chúng tôi cảm nhận tấm lòng của anh dành cho những người đang đối mặt nhiều khó khăn. Mỗi suất cơm trao đi, anh không quên kèm theo lời nói “chúc cô, chú ăn ngon miệng”.
Có hôm hết cơm mà vẫn còn người đến xin, anh Triều đưa 50.000 đồng và ngậm ngùi nói: “Chú biết chỗ nào mua ăn thì đi mua đi, giờ con cũng không biết chỗ nào bán”.
|
|
Anh Triều hy vọng dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát để tất cả hoạt động trở lại bình thường sớm hơn để mọi người được ra đường kiếm sống.
Được biết, người nấu những suất cơm thiện nguyện để anh Triều đi phát chính là cô Nguyễn Thị Ngọc Sương, 56 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non P.4, Q.10, TP.HCM. “Tôi biết Triều trong một chuyến đi thiện nguyện ở miền Tây. Tôi có nấu suất cơm thiện nguyện nhưng không đủ sức nên nhờ Triều đi giao. Tôi có gửi tiền nhưng em vẫn không lấy dù đã nhiều lần. Tôi đành gửi hộp cơm, vài cái trứng muối sau mỗi chuyến giao”, cô Sương nói.
Khi TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cô Sương mỗi ngày tự mình nấu 100 - 150 suất cơm để tặng cho những người gặp khó khăn như cô chú bán vé số, chạy xích lô, lang thang cơ nhỡ… “Hàng quán đóng cửa hết rồi nên tôi suy nghĩ không biết họ phải ăn uống như thế nào. Do đó, tôi sẽ cố gắng duy trì việc tặng suất cơm cho đến khi TP.HCM cho phép hàng quán bán cơm hoạt động trở lại”, cô Sương nói. |
Bình luận (0)